Mô hình đại học thích hợp để triển khai cơ cấu đa ngành

Lương Đàm
Ngày 18/11, tại buổi lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chuyển Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh thành Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng, mô hình đại học là mô hình thích hợp để triển khai cơ cấu đa ngành.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, trong xu thế chung, cùng với việc đổi mới cơ cấu, tổ chức bộ máy theo mô hình quản lý của các trường đại học tiên tiến trên thế giới, để phát huy năng lực nghiên cứu, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh đã chủ động tái cấu trúc nội bộ theo hướng trở thành Đại học đa ngành và bền vững.

Theo đó, mô hình quản trị và vận hành mới của Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh kỳ vọng sẽ gia tăng và củng cố thêm phẩm chất đào tạo, năng lực nghiên cứu, chuyển giao tri thức và kết nối cộng đồng, gắn liền với thực tiễn thời đại.

pgs-ts-hoang-minh-son-thu-truong-bo-giao-duc-va-dao-tao-phat-bieu-chuc-mung-ueh-1700359416.jpg
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: UEH

Tuy nhiên, với chặng đường mới, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cũng đi với những thách thức mới. Theo đó, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cần hoàn thiện chiến lược và định hướng phát triển lâu dài, hiện thực hóa mô hình quản trị đại học hiệu quả, hoàn thiện quy chế tổ chức và hoạt động…

Từ năm 2021, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh đã chính thức thực hiện chiến lược tái cấu trúc nội bộ để trở thành Đại học đa ngành và vền vững. Với những chiến lược được hoạch định rõ ràng, triển khai bài bản, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh đã linh hoạt vận hành theo mô hình 3 cấp: Đại học - Các Trường, Phân hiệu thuộc Đại học - Các Khoa, Viện, đơn vị thuộc Trường, Phân hiệu.

Qua đó, mô hình quản trị mới này đã giúp Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh tập trung phát triển tri thức đa ngành, đa lĩnh vực dựa trên nguồn lực vốn có và xây dựng cơ chế chia sẻ nguồn lực nhịp nhàng giữa các Trường, Phân hiệu trong Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh.

thu-truong-hoang-minh-son-va-ba-nguyen-thi-le-trao-cac-quyet-dinh-3-1700359417.jpg
Bộ Giáo dục và Đào tạo trao Quyết định số 1146/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ về việc chuyển Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh thành Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Ảnh: UEH

Về định hướng phát triển của Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, GS.TS. Sử Đình Thành, Giám đốc Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho biết, tầm vóc và vai trò mới đặt ra cho Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh một sứ mệnh và nhiệm vụ mới. Trong trong giai đoạn từ nay đến 2030, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh sẽ tiên phong trong xây dựng một nền giáo dục toàn diện hơn, đóng góp cho chất lượng cuộc sống tốt hơn, gắn kết hơn nữa với cộng đồng, xã hội với chiến lược đại học đa ngành, đa lĩnh vực, có danh tiếng quốc tế và bền vững với 6 trụ cột chính.

Đồng thời, thực hiện định vị thương hiệu Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh với 4 giá trị: Người học tại Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh được định hướng để trở thành những công dân toàn cầu hành động vì sự phát triển bền vững; từ giảng dạy, nghiên cứu, tư vấn mang đến những kết quả tích cực cho cộng đồng và xã hội; mọi thành viên Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cùng hướng đến phát triển bền vững và truyền cảm hứng nghệ thuật; cùng nhau đóng góp vì một tương lai phát triển bền vững.

“Việc tái cấu trúc từ “Trường Đại học” thành “Đại học” là một quyết định có ý nghĩa quan trọng với Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh nhưng là tất yếu, là đòi hỏi của bối cảnh thời đại toàn cầu. Thử thách phía trước sẽ rất nhiều, nhưng với giá trị và sức mạnh truyền thống vốn có cùng với sự gắn kết của cộng đồng sẽ cùng nỗ lực để đạt được kỳ vọng đặt ra hoàn thành sứ mạng, tầm nhìn trở thành một Đại học đa ngành có danh tiếng học thuật và bền vững trong khu vực Châu Á vào năm 2030”, GS.TS. Nguyễn Đông Phong, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Tại buổi lễ, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quyết định công nhận Hội đồng Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh gồm 23 thành viên. Trong đó, GS.TS Nguyễn Đông Phong được công nhận là Chủ tịch Hội đồng Đại học; GS.TS Sử Đình Thành được công nhận là Giám đốc Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh; 3 Phó giám đốc gồm TS Bùi Quang Hùng, PGS. TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo và TS. Đinh Công Khải.

Như vậy, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh trở thành một trong 7 cơ sở giáo dục Đại học tại Việt Nam hoạt động theo mô hình "Đại học đa ngành, đa lĩnh vực" gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh.