Đó là chia sẻ của anh Trương Hải Phong (SN 1987), trú tại Tân Lộc (Thốt Nốt, Cần Thơ) về sự quyết tâm của mình khi khởi nghiệp với giống gà lạ, mặc dù bị người thân phản đối.
Anh Phong cho biết, bản thân anh mê gà từ bé, đặc biệt là những chú gà chọi “hiếu chiến”. Ước mơ của anh là làm sao có tiền để mua thật nhiều gà chọi để nuôi trong vườn nhưng còn nhỏ nên không có tiền để nuôi ước mơ.
Lớn lên, khi sống cùng ba mẹ, anh cùng gia đình buôn bán đồ nội thất xưa ở Tân Lộc nhưng vẫn bí mật tìm hiểu về các giống gà chọi của Việt Nam và trên thế giới. Đến năm 2017, sau khi có gia đình riêng và tích cóp được số tiền 50 triệu đồng, anh bắt đầu nhập 1 cặp gà Pê-ru về nuôi.
“Tôi tìm hiểu thì biết rằng con gà Pê-ru được coi là biểu tượng của đất nước Nam Mỹ. Chúng có thân hình ngoại cỡ, màu lông đẹp, bật cao, bay xa, đá nhanh, mạnh, sức bền tốt và đá rất lì. Trong khi đó, loại gà này chưa được nuôi phổ biến ở Việt Nam nên nếu mua về, lai tạo thành công thì khả năng phát triển kinh tế rất tốt”, anh Phong nhớ lại.
Nghĩ là làm, anh lập tức liên hệ đặt mua 1 cặp gà bố mẹ với giá 48 triệu đồng về nuôi vào năm 2017. Mặc dù chưa từng nuôi loại gà này cũng như chưa có sách vở nào hướng dẫn chi tiết cách nuôi, cách phòng bệnh nhưng anh Phong đã tự mày mò và nhân giống thành công lứa gà đầu tiên.
Gà con sau khi được ấp nở thành công và huấn luyện thành chiến kê được đặt mua hết với giá từ 10-15 triệu đồng/con. Thậm chí có khách còn trả cho anh số tiền 40 triệu đồng để mua 1 con gà thuần chủng.
Thấy tiềm năng phát triển kinh tế cao và thị trường rộng lớn, anh Phong tiếp tục nhập thêm 6 con gà Pê-ru với giá 170 triệu đồng để gây giống tiếp. Tuy nhiên, chỉ sau 1 tháng, 6 con gà chết mất 4 con khiến anh không khỏi chán nản.
“Gà Pê-ru là giống gà rất khỏe nhưng nếu mình mua được con gà khỏe mạnh thì không vấn đề gì. Tuy nhiên, những con gà tôi mua phải đã ủ sẵn bệnh sẵn, đồng thời khí hậu Việt Nam nóng hơn, không giống như khí hậu nước ngoài nên gà dễ nhiễm bệnh, hao hụt và chết”, anh Phong nói.
Không nản lòng, anh tự mày mò, tìm hiểu thêm về kỹ thuật nuôi và tiếp tục dành dụm tiền để nhập thêm gà về nhân giống.
Theo anh Phong, một con gà mái nếu cho đẻ và ấp nở tự nhiên sẽ mất khoảng 5-6 tháng mới được 1 lứa từ 10-12 con. Tuy nhiên, nếu muốn rút ngắn thời gian ấp nở thì có thể tách gà mái ra, lấy trứng cho vào lò ấp để gà mẹ tiếp tục đẻ tiếp.
“Sau khi gà đẻ trứng xong, thấy nó xù lông chuẩn bị ấp thì mình mang trứng cho vào lò ấp, còn gà mái tách riêng ra, cho ăn và cho đẻ lứa tiếp. Tuy nhiên, nếu làm như vậy, năng suất sinh sản của gà mẹ sẽ tăng nhưng gà con nở ra rất yếu và khó nuôi. Vì vậy, tôi cho ấp theo kiểu tự nhiên”, anh Phong phân tích.
Gà con sau khi ấp nở sẽ được nuôi tiếp, sau 1-2 tháng tuổi sẽ bán được từ 1-2 triệu đồng/con. Nếu nuôi tiếp 9-10 tháng và huấn luyện trở thành một chiến kê thuần thục sẽ có giá gấp 10 lần.
Ngoài ra, anh Phong cho rằng, cùng với thức ăn là thóc như gà bình thường thì chế độ ăn của gà Pê-ru cũng cần bổ sung thêm gạo lứt và ngô mỹ xay để tăng thêm dinh dưỡng cho gà.
Cùng với đó, chuồng nuôi cũng phải thiết kế theo đúng kỹ thuật, chuẩn về độ cao và chiều rộng, số lượng nuôi trong 1 lồng để đảm bảo gà được phát triển tốt nhất.
Nhờ nắm rõ kỹ thuật nuôi gà Pê-ru, đến nay, sau 5 năm, anh Phong sở hữu trang trại nuôi rộng 1.500m2 với khoảng 200 con gà. Trong đó, gà bố mẹ khoảng 60 con, 20 con trống và 40 con mái.
Mỗi năm, anh Phong xuất chuồng từ 400-500 con gà con với giá từ 1-2 triệu đồng/con; 200-300 con gà trưởng thành với giá từ 10-15 triệu đồng/con. Đặc biệt, năm 2020, trong số 9 quả trứng được ấp nở thì có 1 con gà không có lông. Sau khi nuôi lớn, con gà đã từng được trả giá 50 triệu đồng nhưng anh không bán mà giữ lại nuôi làm kỷ niệm.
Ngoài bán gà giống, anh Phong còn bán trứng cho khách hàng có nhu cầu với giá 200 nghìn đồng/quả.
Gà từ trang trại anh đã cung cấp nhu cầu của khách hàng khắp các tỉnh thành, thậm chí một số khách hàng ở Campuchia và Thái Lan cũng liên hệ đặt mua, mang về doanh thu từ 800 triệu đồng đến khoảng 1 tỷ đồng/năm.