Lý do khiến cư dân mạng luôn tìm kiếm scandal của người nổi tiếng?

Huyền Văn
Google vừa chính thức công bố Danh sách Google Year in Search 2022, bao gồm Top 10 Tìm kiếm Nổi bật Việt Nam 2022… Trong đó, 3 nghệ sỹ: Hồng Đăng, Hiền Hồ, Hồ Hoài Anh dẫn đầu từ khóa nhân vật được tìm kiếm nổi bật Google trong năm do vướng vào scandal làm "dậy sóng" dư luận.
nlntv-nghey-1672286040.jpg
Ba nghệ sỹ được công chúng tìm kiếm nhiều trong năm 2022 (Ảnh: Internet)

Trong một số năm, những từ khóa được tìm kiếm nổi bật nhất tại Việt Nam lại không phải về các thành tựu văn hóa, khoa học, công nghệ mới mà lại về sex (vài năm trước) và tên các nghệ sỹ dính lùm xùm về đạo đức phong cách sống (như năm nay).

Điều này chứng tỏ nhu cầu của bộ phận người dùng mạng xã hội ở nước ta khá thấp. Nhiều người chỉ thích chứng kiến những khoảnh khắc người khác bị xấu hổ và bẽ mặt. Và càng là những người nổi tiếng bị xấu hổ và bẽ mặt thì dường như cư dân mạng càng cảm thấy hài lòng và nhẹ nhàng hơn. Vì sau khi được chứng kiến những khoảnh khắc đấy, nhiều người sẽ trở thành thẩm phán, quan tòa mạng. Cảm thấy mình có quyền lực, có trách nhiệm để thanh trừ đi những điều xấu trong xã hội bằng những bình luận ác ý của họ. Có thể nói nhiều cư dân mạng đang lợi dung vào những sự cố, vấn đề của người khác để thể hiện bản thân.

nlntv-tranthanhnam-1672284872.jpg
PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục - Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội - (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Trao đổi với Tạp chí điện tử Nhân lực Nhân tài Việt, PGS. TS. Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục - Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: "Đây là một thực trạng đáng buồn. Buồn vì trong bối cảnh nền kinh tế tri thức. Trong lúc rất nhiều người tranh thủ từng phút giây để cập nhật tri thức, học thêm các kỹ năng mới, nâng cao năng lực của bản thân để thích ứng với một tương lai nghề nghiệp đầy bất định… thì có một bộ phận không nhỏ chỉ dành thời gian tìm kiếm các thông tin gây sốc trên mạng".

Một bộ phận dân cư mạng chỉ chăm chăm đi tìm kiếm những vụ scandal, những vụ đánh gen, những mối tình ngoài luồng, những hành vi không đứng đắn từ những người của công chúng. Họ dành quá nhiều thời gian cho những thông tin sự kiện gây sốc mà ít quan tâm đến sự ra đời của một tác phẩm nghệ thuật, ít quan tâm đến những thành tựu về công nghệ, những giá trị văn hóa hay lịch sử.

Họ không tìm kiếm những tác phẩm âm nhạc kinh điển vì không có được cái tai biết cảm nhạc. Họ không tìm kiếm những tác phẩm nghệ thuật vì không biết rung động trước cái đẹp. Họ cũng chẳng tò mò tìm hiểu những kiến thức mới vì không thấy được những vẻ đẹp của sự thông minh và tri thức.

Và khi xã hội càng có nhiều người chỉ chú ý tìm kiếm những khoảnh khắc xấu hổ của người nổi tiếng thì nó sẽ là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ sản xuất nội dung có cơ hội tung các nội dung “rác” lên mạng xã hội, tung tin đồn, dựng chuyện giật gân nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng. Điều này đang tạo nên một vết nhơ cho môi trường truyền thông hiện nay.

nlngtv-1672284922.jpg
Mạng xã hội ngày càng phát triển - (Ảnh: Baoquocte.vn)

Nếu như trước kia, chỉ có cơ quan báo chí, tạp chí,... chính thống là nguồn thông tin để công chúng tiếp cận thì hiện nay, mạng xã hội cũng là nơi phản ánh những vấn đề trong cuộc sống. Nhưng cơ quan báo chí, tạp chí,... chính thống được kiểm soát chặt chẽ về nội dung. Những thông tin đăng tải trong tác phẩm báo chí không chỉ là phản ánh đời sống xã hội qua việc thông tin nhanh nhất, chân thực nhất những sự kiện thời sự trong đời sống mà còn định hướng thông tin tới công chúng. Mạng xã hội cũng có công cụ lọc những thông tin độc hại nhưng việc kiểm soát chưa được chặt chẽ. Chính vì thế, nhiều người đã dễ dàng bám vào những tin tức, sự việc đang được đồn thổi để đăng tải thông tin "giật gân", "gây sốc" nhằm thu hút cộng đồng mà không quan tâm nội dung đó có đúng và phù hợp hay không.

Tất nhiên, trong thời đại công nghệ, việc chia sẻ thông tin dễ dàng là điều tất yếu. Việc đọc gì và xem gì là quyền của mỗi người. Tuy nhiên, khi tin về "cướp, giết, hiếp" và đời tư của người nổi tiếng lấn át những nội dung khác, đặc biệt là thông tin tích cực thì môi trường truyền thông không còn lành mạnh nữa. Đó là vấn đề mà những người quản lý truyền thông cần suy ngẫm và giải quyết./.

Nguyễn Thị Hà