Lời Bác lời của nước non
Có thể nói, nguồn cảm hứng âm nhạc về tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với quân dân biên giới cũng là một đề tài được sáng tác khá thành công ở nhiều thể loại hành khúc, ca khúc trữ tình, hợp xướng... với những âm giai đẹp, tạo được dấu ấn sâu sắc trong công chúng cả nước. Đối với BĐBP, với niềm tự hào được Bác đặt tên, chọn màu quân hàm và thường xuyên huấn thị, dạy bảo nhiều điều về vấn đề bảo vệ biên giới, chăm lo cho đồng bào các dân tộc thiểu số nên những lời dạy của Người đã trở thành “kim chỉ nam” cho mỗi người lính quân hàm xanh.
Vì thế, cũng dễ hiểu khi câu thơ Bác tặng lực lượng năm 1960: “Non xanh nước biếc trùng trùng/ Giữ gìn Tổ quốc ta không ngại ngùng gian lao/ Núi cao sự nghiệp càng cao/ Biển sâu chí khí ta soi vào càng sâu”, không chỉ được cán bộ, chiến sĩ thuộc nằm lòng, mà còn trở thành nguồn cảm hứng, được đưa vào âm nhạc một cách nhuần nhuyễn, kết hợp với đặc trưng giai điệu truyền thống của các dân tộc đã mang lại một bản hòa ca của núi rừng biên giới.
Ngay từ đầu những năm 1980, Đại tá, nhạc sĩ Hoàng Long đã viết “Hành khúc Biên phòng” với nhịp điệu hào hùng, dễ hát, dễ thuộc: “Là người chiến sĩ Biên phòng Việt Nam/ Từ biển khơi xa tới miền rừng sâu/ Sắt son gìn giữ truyền thống anh hùng/ Khắc sâu lời Bác hát vang bài ca”. Sau 40 năm, ca khúc vẫn luôn vang lên đầy tự hào trong mỗi cuộc giao lưu của quân dân biên giới và là một trong 10 bài hát truyền thống của BĐBP.
Cùng sử dụng bài thơ của Bác ngay khúc giang tấu mở đầu, bản hợp xướng gồm 3 chương “Đi theo tiếng gọi Bác Hồ” được sáng tác đầu năm 2009, là sự kết hợp tuyệt vời và đầy thăng hoa giữa Thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên và Thiếu tướng, nhạc sĩ Vũ Hiệp Bình. Bản hợp xướng đầy hùng tráng, thể hiện tinh thần kiên trung, bất khuất của những người lính làm nhiệm vụ nơi địa đầu đã chuyển tải được hết tư tưởng của bài thơ dài 3 chương. Tiếng kèn như xung trận, nhịp trống trầm hùng theo nhịp 2/4 gồm hai đoạn đơn đã gợi tả khung cảnh đường lên biên giới đầy kiêu hãnh: “Chúng tôi đi mồ hôi quệt ngang, mưa rơi chéo mặt/ Lúc rét bầm đêm, khi mặn mòi nắng chát/ Đi dọc những con đường cha ông đã mở/ Vực sâu đèo cao, đầu trần chân đất, dặm dài biên giới còn vọng tiếng Bác tháng ngày”.
Lời ca gợi lên biết bao sự gian nan, vất vả, có cả sự hy sinh lặng thầm của người lính Biên phòng nơi biên cương, rừng xanh, núi thẳm. Tuy vậy, người chiến sĩ Biên phòng nơi địa đầu Tổ quốc vẫn luôn khắc ghi lời Bác dạy trong thực hiện nhiệm vụ, bảo vệ mùa Xuân hòa bình cho đất nước. “Phách nhịp cột mốc trong tim ngân nga/ Dẫu sờn vai áo ta băng băng qua/ Có hình Tổ quốc trong tim dẫn đường/ Lòng nặng bao yêu thương, cầm chắc súng trong tay/ Trùng trùng đoàn quân đêm ngày lên biên giới/ Quyết giữ yên Tổ quốc mẹ hiền”.
Cũng trong nguồn cảm hứng ấy, ca khúc “Biên cương âm vang lời Bác” của nhạc sĩ Ngọc Khuê với lời ca sáng, âm điệu tha thiết mang âm hưởng của dân ca Tây Bắc đã thể hiện trọn vẹn lòng thành kính của người chiến sĩ Biên phòng với Bác Hồ kính yêu. Lời dạy của Bác năm ấy cũng được nhắc đến đầy trân trọng nhưng được chuyển hóa thành lời tâm tình của người lính nơi biên cương: “Làm sao cho dân tin mình, vì mỗi tấc đất biên cương yên bình/ Làm sao cho dân yêu mình, vì một Biển Đông sóng ru ngàn năm/ Từ trên cao xanh non ngàn, lời thề người lính luôn luôn sẵn sàng/ Mùa Xuân ta đi trên đường tuần tra biên giới mãi mãi bình yên!...”.
Núi rừng vang khúc ca ơn Người
Đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng tự hào khi điệu then của họ đã được chắp cánh cho các bài thơ “Pác Bó hùng vĩ”, “Tức cảnh Pác Bó” và “Thăm lại hang Pác Bó” của Bác. Với lòng yêu kính Bác và tình yêu với tiếng đàn tính, điệu then, nghệ nhân Hoa Cương chuyển soạn tổ khúc “Non xa xa”. Và điều đọng lại ở câu hát mới “Thơ Bác Hồ chỉ lối ta đi/ Trao đàn cháu lại ghi nối tiếp” như lời khẳng định, lời hứa của người Tày ở miền địa đầu Cao Bằng sẽ luôn nhớ ơn Người. Ngoài ra, còn có một số bài hát của các nhạc sĩ đã lấy giai điệu từ then và rất thành công như “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” của Nguyễn Tài Tuệ; “Việt Bắc nhớ Bác Hồ”, “Suối Lênin” của Phạm Tuyên; “Ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam” của Đỗ Minh...
Đặc biệt, mới đây, ca khúc “Đi theo tiếng gọi của Người” của nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn phỏng thơ của nhà thơ Tố Hữu đã tạo nên một sức sống mới cho bài thơ vốn đã rất nổi tiếng. “Xuống suối dài xanh ngát nương ngô, bóng Bác ngồi bên suối giản dị/ Mắt sáng ngời vầng trán mênh mông/ Người tỏa sáng trong ta/ Tiếng Bác Hồ vang khắp quê hương/ Kháng chiến gian nan kháng chiến trường kỳ/ Ánh mắt Người soi bước con đi/ Lời của Bác hay lời của nước non...”. Ca từ được bố cục chặt chẽ và được chia trên khuông nhạc theo nhiều đoạn, có đoạn được chia làm 3 bè cao, chung và trầm nên đã tạo được yếu tố độc đáo, làm sáng lên giọng hát của từng bè.
Từ Nghệ An, nhạc sĩ Phan Thanh Chương cũng đã gửi tới công chúng yêu nhạc hàng chục ca khúc viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, có 2 ca khúc thường xuyên được đồng bào các dân tộc trên biên giới lựa chọn biểu diễn để thể hiện tình cảm của mình với Bác như “Nhà Mế có ảnh Bác Hồ” và “Mặt trời trong ta”. Cả hai ca khúc đều mang âm hưởng làn điệu hát then của đồng bào Thái, ca từ giản dị như cách nói, cách nghĩ của đồng bào: “Ta đi trong tiếng suốt hát, đi trong tím biếc hoa rừng/ Mênh mang trong hương lúa, xôn xao mùa trăng ngàn/ Bâng khuâng từ đáy lòng, ơn cụ Hồ Chí Minh/ Người đã thành câu hát, mặt trời của núi rừng/ Người đã thành câu hát, mặt trời hồng trong ta...”.
Nhạc sĩ Phan Thanh Chương tâm sự: “Tôi cũng như rất nhiều người chưa được gặp Bác, nhưng luôn xem Bác như một vị thánh bởi hình tượng Người quá cao đẹp và thiêng liêng. Nên tôi nghĩ, khi viết về Người, càng giản dị bao nhiêu thì ca khúc đó càng thành công bấy nhiêu. Bởi, con người của Bác đã quá đỗi giản dị, gần gũi và thân thuộc với mỗi người dân Việt Nam nên chẳng cần phải thêm hay bớt, mà cứ thế đưa vào nhạc, vào thơ một cách chân thật nhất”.
Có thể nhận thấy, một trong những yếu tố làm nét khác biệt và có sức lay động lớn của các ca khúc viết về Bác Hồ, về tình cảm của Người đối với quân dân biên giới hoặc quân dân biên giới làm theo lời dạy của Người là hầu hết các ca khúc đều không bị khô cứng. Đặc biệt là đã đưa được âm hưởng dân gian truyền thống vào giai điệu và đưa được ý thơ, tình cảm của Bác vào ca từ một cách mềm mại, trữ tình, tạo cảm giác vừa kính trọng, vừa gần gũi khi được nghe, được hát, nhất là trong khung cảnh núi rừng biên giới nên thơ, khoáng đạt.