Chị Hồng My (Cầu Giấy, Hà Nội) có con đang học tại trường Trung học cơ sở cho biết: Để hạn chế con vào mạng nên gia đình chỉ trang bị điện thoại “cục gạch” (dùng công nghệ 2G) để liên lạc. Nhà trường cũng không khuyến khích học sinh dùng điện thoại thông minh để hạn chế vào mạng chơi game.
Trong khi đó, bà Phan Thị Mai, 70 tuổi ở Yên Định (Thanh Hoá) từng được con trai trang bị cho điện thoại thông minh nhưng có nhiều chức năng. Trong khi bà Mai chỉ dùng điện thoại chủ yếu nghe gọi nên sau đó lại quay về dùng điện thoại cổ Nokia công nghệ 2G.
Hiện vẫn còn nhiều với nhiều lý do khác nhau nên người dân vẫn dùng điện thoại công nghệ 2G. Do đó, trước thông tin dừng công nghệ 2G, nhiều người đang có những ý kiến khác nhau.
Trả lời phóng viên báo Tin tức, đại diện Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, theo số liệu thống kê, đến tháng 8/2023, Việt Nam có hơn 20,7 triệu thuê bao 2G Only trên mạng di động. Tuy nhiên trong số này, có khoảng 35% số thuê bao có smartphone.
Như vậy, Việt Nam vẫn có hơn 13,4 triệu thuê bao dùng thuần công nghệ 2G. Số này đa phần là những người già, trẻ em. Tình trạng này đòi hỏi cơ quan quản lý và nhà mạng có lộ trình cụ thể để đảm bảo quyền lợi của người dùng.
Đại diện Cục Viễn thông cho biết, các doanh nghiệp hiện đang xây dựng Kế hoạch dừng công nghệ của mình và báo cáo Bộ TTTT để theo dõi, giám sát việc thực hiện cũng như điều chỉnh các chính sách phù hợp để đảm bảo lợi ích của người sử dụng, quyền lợi của doanh nghiệp cũng như mục tiêu triển khai công nghệ mới để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.
Trước đó, vào tại họp báo thường kỳ tháng 9, Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Đức Long cho biết, đến tháng 9/2024 là thời điểm hết hạn giấy phép cấp cho mạng cộng nghệ 2G nên Bộ TTTT sẽ triển khai quy hoạch lại tần số này. Đồng thời Bộ TTTT sẽ thanh tra, kiểm tra việc mua bán, lưu thông các máy điện thoại công nghệ 2G và hướng đến tháng 9/2024 sẽ không còn máy 2G bán trên thị trường.
Chuyên gia công nghệ thông tin Việt Khôi cho biết: Chữ G là từ viết tắt của Generation (thế hệ). Và 1G, 2G, 3G, 4G, 5G để chỉ các thế hệ công nghệ mạng di động từ trước đến nay. Trong đó, công nghệ 2G sử dụng công nghệ kỹ thuật số. Đi kèm với nó là tin nhắn văn bản và truy cập internet. Tuy nhiên, kết nối Internet khá chậm. Người dùng không thể nhận hoặc thực hiện cuộc gọi khi lướt net. Còn công nghệ 3G đã có thể duyệt web ở tốc độ cao hơn. Người dùng cũng có thể nhận và thực hiện cuộc gọi điện thoại trong khi duyệt Internet. Tiếp đó 4G cho phép điện thoại di động kết nối nhanh hơn với tốc độ Internet nhanh hơn so với một số kết nối băng thông rộng và cho phép người dùng có thể tải và truyền hình ảnh động chất lượng cao. 5G là chuẩn điện thoại thông minh và đang kỳ vọng tạo cuộc cách mạng di động mới trên thị trường di động.
“Trên thực tế, khi cùng lúc có công nghệ 2G, 3G, 4G thì tắt sóng công nghệ 3G sẽ dễ dàng hơn bởi người dùng có máy 3G thì đương nhiên dùng được 4G. Trong khi đó, tắt công nghệ 2G sẽ khó hơn bởi máy dùng công nghệ này và người dùng ở phân khúc khác. Cho nên ở nhiều nơi trên thế giới thực hiện tắt công nghệ 3G trước rồi mới đến 2G”, ông Việt Khôi, chuyên gia công nghệ thông tin phân tích.
Theo chuyên gia Việt Khôi, việc tắt sóng 2G cần có có lộ trình hợp lý, nhất là việc vận động chuyển đổi từ dùng máy di động công nghệ 2G sang máy 4G để không ảnh hưởng tới người dùng.