Lỗ hổng nhân lực do COVID-19 gây ra

Bộ Y tế Đức mới đây gióng hồi chuông cảnh báo về những hệ lụy nghiêm trọng của hội chứng COVID-19 kéo dài đối với thị trường lao động nói riêng và sự phát triển của xã hội nói chung.
cv19-1657940582.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Nghiên cứu cho thấy, có tới 30% số bệnh nhân mắc COVID-19 có ít nhất một triệu chứng của COVID-19 kéo dài trong vòng 90 ngày kể từ khi phục hồi, điển hình nhất là bị khó thở, mệt mỏi và đau ngực.

Thống kê của một công ty bảo hiểm tại Đức cũng đưa ra kết quả đáng chú ý, theo đó, trong số những người được xác định nhiễm COVID-19 hồi năm 2020, có gần 1% đã nghỉ ốm trong năm 2021 do các triệu chứng của bệnh kéo dài và thời gian nghỉ ốm tương đối dài, trung bình là 105 ngày. Các triệu chứng gồm mệt mỏi, tim đập nhanh, khó thở, đau thần kinh mãn tính, xuất hiện những dấu hiệu bất thường về giác quan và yếu cơ.

Các nhà khoa học hiện vẫn nỗ lực đi tìm lời giải về những di chứng hậu COVID-19. Hội chứng COVID-19 kéo dài là một “góc khuất” ẩn sau đại dịch, cần tiếp tục được đào sâu tìm hiểu và nghiên cứu, song có thể nhận thấy rõ một thực tế rằng, hội chứng này đã và đang đe dọa nghiêm trọng tiến trình phục hồi kinh tế-xã hội. Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) cho biết, khoảng hai triệu người dân nước này mắc hội chứng COVID-19 kéo dài.

Nhiều tháng qua, tình trạng thiếu nhân lực khiến ngành hàng không của Anh bị chao đảo. Khung cảnh hàng dài hành khách chờ đợi nhiều giờ đồng hồ mới được lên máy bay thường xuyên xảy ra tại các sân bay của Anh. Một trong những nguyên nhân dẫn đến khoảng trống nhân lực này là do một số lượng lớn nhân viên nghỉ ốm dài hạn hoặc bỏ việc vì mắc COVID-19.

Ở Đức, hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này cũng đứng trước không ít áp lực, khi nhiều nhân viên y tế phải nghỉ việc vì lý do sức khỏe. Chủ tịch Hiệp hội chăm sóc tích cực của Đức (DIVI) Gernot Marx (G.Mác) cho biết, có tới 55% các khoa điều trị tích cực đang hoạt động hạn chế vì thiếu nhân viên. Cùng với đó, nhiều ca phẫu thuật bị hoãn và nhiều cơ sở y tế đang phải sắp xếp lại nhân viên.

Đáng nói là, một làn sóng dịch COVID-19 mới đang bùng phát ở nhiều nơi trên toàn cầu, khiến cho bài toán thiếu nhân lực càng thêm nan giải. Tại châu Á, giới chức các quốc gia cảnh báo người dân cần thận trọng để ngăn dịch bệnh lây lan và tránh để hệ thống y tế bị quá tải.

Gần đây, Nhật Bản đã ghi nhận gần 95.000 ca mắc COVID-19 mới trong một ngày. Còn tại Hàn Quốc, số ca nhiễm mới theo ngày đã tăng gấp ba lần chỉ trong một tuần, lên khoảng 40.000 ca. Dịch bệnh cũng có dấu hiệu gia tăng trở lại ở châu Âu, khi số ca mắc mới tại Pháp, Italia... tăng liên tục từ hồi cuối tháng 5 vừa qua. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định, với làn sóng dịch mới này, thế giới đứng trước hàng loạt thách thức lớn.

Tỷ lệ xét nghiệm COVID-19 đang giảm ở nhiều quốc gia khiến các nước khó có được cái nhìn hoàn chỉnh về thực tế diễn biến dịch bệnh trên toàn cầu, từ đó khó đưa ra các biện pháp điều trị sớm để ngăn chặn những ca bệnh nặng và tử vong. Một thách thức khác là sự bùng phát của các đợt dịch mới khiến số người mắc hội chứng COVID-19 kéo dài tăng lên, gây thêm gánh nặng cho hệ thống y tế và ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi kinh tế-xã hội.

Tổng Giám đốc WHO cho biết, tác động của dịch COVID-19 sẽ còn kéo dài trong nhiều thập kỷ. Mặc dù những nỗ lực phát triển vắc-xin đã đạt được nhiều tiến bộ, song toàn thế giới vẫn dễ bị tổn thương trước dịch bệnh này. Việc người dân luôn cảnh giác và có sự nhìn nhận đúng đắn về dịch COVID-19 không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe mỗi người trong cơn đại dịch mà còn bảo đảm nguồn nhân lực phục vụ cho công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế.