Lễ đặt tên đệm của người Mông sau khi lấy vợ 

Đối với đồng bào Mông đặt tên không chỉ để chào đón những sinh linh nhỏ bé đến với thế giới mà khi người con trai lớn lên, trưởng thành lấy vợ, sinh con sẽ phải làm lễ đặt tên đệm để cộng đồng có tên gọi mới về một người đàn ông đã yên bề gia thất cũng như tỏ lòng biết ơn với bố, mẹ vợ.
nlntv-anh3-2-1685860720.jpg
Công bố tên đệm cho con rể.

Cách đặt tên đệm cho người đàn ông đã có gia đình

Đồng bào người Mông trải qua nhiều nghi lễ, và đánh dấu cột mốc đầu tiên trong đời chính là ngày lễ gọi hồn và đặt tên. Tương tự họ tên người Kinh, họ tên người Mông cũng gồm 3 phần, lần lượt là họ - tên đệm - tên chính.

Phần tên đệm của con trai Mông được bố, mẹ đặt cho thường là A, của con gái là Thị. Trong cuộc sống thường ngày, tên gọi của người Mông thường được đính kèm tên đệm, ví dụ A Lử, A Páo… Thế nhưng, khi đến tuổi trưởng thành cho đến lúc trung niên, người Mông sẽ phải làm lễ đổi lại tên đệm để khẳng định mình đã là người đàn ông có sự ổn định về gia thất, có vai vế bề trên, được cộng đồng tôn trọng. Đây cũng là tên đệm được mọi hàng xóm láng giềng gọi nhau thường xuyên và trở nên quen thuộc cho đến hết cả cuộc đời.

Ông Và Sái Di, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu (Sơn La) có cháu vừa mới đặt tên đệm, cho biết: Thời gian đặt tên đệm lại cho con rể nhanh hay chậm phụ thuộc vào phía hai bên gia đình thông gia. Có người đặt ngay sau khi cưới, cùng đám cưới hoặc có người phải mất khoảng chục năm thì mới được đặt tên đệm. Bởi, cuộc sống không phải ai khi lập gia đình đều suôn sẻ trong việc phát triển kinh tế gia đình.

Nghi thức đặt tên đệm cho con rể khá đơn giản, thường được các hộ gia đình tổ chức vào những ngày giáp Tết, đây cũng là khoảng thời gian đồng bào Mông có thời gian nhiều hơn.

Mâm lễ đặt tên đệm

Để tổ chức nghi thức đặt tên đệm, gia đình con rể sẽ phải chuẩn bị khoảng 2 con lợn 100kg và chuẩn bị 2 bộ quần áo cho cả bố, mẹ vợ. Đối với 2 con lợn này, một con sẽ được mổ để gửi tặng cho bố, mẹ vợ để báo hiếu; còn một con sẽ được mổ để tổ chức bữa cơm trong ngày lễ đặt tên đệm, đồng thời chia thêm các phần thịt lợn cho các cậu ruột (anh trai ruột của vợ) bày tỏ sự biết ơn đối với các "cậu" vì khi gia đình em rể sinh con đầu lòng đã gửi quà mừng cho con.

nlntv-anh3-3-1685860830.jpg
Bà con dân bản đến dự chúc mừng lễ đặt tên đệm.

Khi đã chuẩn bị đầy đủ thì bên gia đình con rể sẽ cử đại diện hai người mang một chai rượu sang bên bố, mẹ vợ để trân trọng mời bố, mẹ vợ tham dự lễ đặt tên đệm mới cho con rể. Sau khi bố, mẹ vợ đồng ý đại diện hai người được cử đi sẽ về thông báo lại cho gia đình bên rể biết thời gian tổ chức.

Ngày tổ chức đặt tên đệm cho con rể luôn có mặt đông đủ anh, em, họ hàng hai bên và những người trong bản. Sau khi bày mâm cơm xong, mọi người sẽ cùng ngồi vào mâm cơm. Tại mâm cơm sẽ có bố, mẹ vợ và những người ở vai (ngôi, thứ) ông, chú, bác ngồi phía trên. Còn ở phía đầu bên tay phải nhà khách, một ông sẽ là người sẽ phụ trách rót rượu cho bố vợ và mọi người trên mâm, còn một người sẽ phụ trách tuyên bố, giới thiệu tên đệm cùng với bố vợ.

Sau khi vào mâm cơm được khoảng 30 phút thì bố vợ và người được giao ngồi bên cạnh bố vợ sẽ lựa chọn tên đệm sao cho hợp lý, ý nghĩa và được gia đình con rể yêu thích thì sẽ chính thức công bố tên đệm của con rể để mọi người cùng biết.

nlntv-anh3-1685861157.jpg
Người Mông mổ lợn làm lễ đặt tên đệm cho con.

Lúc tên đệm chính thức được xưng hô; vợ, chồng con rể sẽ đáp lại và gửi lời cảm ơn đến bố, mẹ vợ và tất cả mọi người trong mâm. Từ đây, họ hàng và dân bản cùng vui vẻ chúc rượu người mới được đặt lại tên đệm và cũng từ đây sẽ gọi họ với cái tên đầy đủ hơn bằng cả sự kính trọng. Tên đệm cũng khiến bà con trong một bản, trong xã dễ giao tiếp với nhau hơn.

Ông Thào Chứ Dua (bố vợ của anh Vàng Cở Mua) xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu (Sơn La) cho hay: Tôi vừa đặt tên đệm cho con rể tôi, đây là con rể thứ hai mà tôi đặt tên đệm. Lễ đặt tên đệm cho con rể là một việc làm hết sức ý nghĩa, quan trọng của đồng bào Mông chúng tôi, tôi cùng mọi người đã chúc gia đình con rể luôn dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống.

Anh Vàng Cở Mua (con rể ông Chứ Dua): Trước đây tôi có chữ “A” nhưng bây giờ thì đã khác, tên đệm của tôi được bố, mẹ vợ đặt là "Cở - tiếng Mông gọi là Kawm". Để có được tên đệm đầy ý nghĩa như thế này, gia đình tôi đã phải chuẩn bị rất nhiều năm từ việc tách ra ở riêng cho đến xây dựng nhà cửa, từng bước ổn định cuộc sống, tích cực tăng gia lao động sản xuất, nuôi mấy con lợn bản từ 2-3 năm mới đủ 100kg để đón bố, mẹ vợ.

Tên đệm "Cở" có thể hiểu theo hai nghĩa khác nhau, nghĩa thứ nhất "Cở" nghĩa là lù cở của đồng bào Mông, chứa đựng những thành quả lao động, những điều may mắn trong cuộc sống và đặc biệt là thể hiện sự ấm no, hạnh phúc. Nghĩa thứ hai "Cở" nghĩa là "học", qua tên đệm mới người Mông kỳ vọng về những điều tốt lành gắn với tinh thần hiếu học ở vùng cao như nhắc nhở thế hệ noi theo.

Khi hoàn thiện lễ đặt tên đệm, con rể sẽ phải theo bố, mẹ vợ về nhà chở theo thịt lợn mang về nhà bố, mẹ vợ để chế biến mời bố, mẹ ăn cơm xong mới quay trở về. Kết thúc lễ đặt tên đệm, khoảng vài năm về sau bố, mẹ vợ sẽ phải chuẩn bị đón con rể và biếu lại một đùi lợn nữa. Đây không phải là sự đáp lại mà theo người Mông đây gọi là "tiếng Mông sâu chông - khép lại lễ cưới".

Tiếng Mông các cụ hay nói câu "Thống ké chau lua mu, đớ bê chau lua hu" dịch ra là mở hướng đi mới cho một tương lai tươi sáng, đặt tên đệm để cộng đồng cùng gọi. Lễ đặt tên đệm là một trong những phong tục truyền thống lâu đời của đồng bào Mông, được các thế hệ gìn giữ cho đến ngày nay.

Phi Thường