Ngày 1/3, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh, Sở Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức tọa đàm về "Ứng dụng ChatGPT trong quản lý nhà nước, các hoạt động phục vụ người dân và doanh nghiệp: Cơ hội và thách thức”.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho biết, ChatGPT là một công nghệ trí tuệ nhân tạo có khả năng sinh ra các văn bản phức tạp và thuyết phục bằng ngôn ngữ tự nhiên, có nhiều tiềm năng ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau như giáo dục, y tế, kinh doanh và giải trí, hay nói chung là tất cả những lĩnh vực có sử dụng ngôn ngữ.
Đối với lĩnh vực nhân sự tại các doanh nghiệp, một khảo sát 1000 doanh nghiệp được công bố vào ngày 25/2 vừa qua cho thấy, khoảng 48% số công ty đã ứng dụng ChatGPT vào công việc. Trong đó, khoảng một nửa nhóm này nói rằng ChatGPT đang dần thay thế nhân công tại công ty của họ, thậm chí cũng đã chính thức thay thế nhân công ở một số vị trí nhất định, giúp tiết kiệm được hàng trăm nghìn USD khi sử dụng công cụ này. Một số công việc được sử dụng ChatGPT như viết mã, sáng tạo quảng cáo, tạo nội dung, hỗ trợ khách hàng và chuẩn bị tóm tắt cuộc họp; viết mô tả công việc, soạn thảo yêu cầu phỏng vấn và trả lời đơn ứng tuyển.
“Đối với lĩnh vực của quản lý nhà nước, ChatGPT có thể có nhiều ứng dụng như hỗ trợ cung cấp các dịch vụ công cho công dân hay hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc ra quyết định… Mặc dù có mặt tích cực nhưng ChatGPT cũng đặt ra những thách thức tiềm ẩn cho quản lý nhà nước. Cụ thể, việc đảm bảo tính minh bạch, chính xác và an toàn của các thông tin do ChatGPT sinh ra; việc kiểm soát và giải quyết các tranh chấp hay xung đột có liên quan đến ChatGPT... Vì vậy, để sử dụng Chat GPT hiệu quả chúng ta cần bình tĩnh, thận trọng, xem xét một cách khoa học, tận dụng những lợi thế và xác định những rủi ro để có biện pháp phòng tránh liên quan đến bản quyền, an toàn an ninh mạng…”, ông Lâm Đình Thắng cho biết thêm.
Tương tự, PGS. TS. Đinh Điền, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học máy tính trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh cho biết, ChatGPT tồn tại dưới dạng ngôn ngữ nên khi áp dụng vào quản lý nhà nước, nó sẽ hỗ trợ khá nhiều cho các nhà quản lý, cụ thể là phân loại thông tin và phản ánh thông tin trả lời tự động… Bình thường, một ngày một cơ quan hành chính có thể nhận tới hàng ngàn thư từ, thông tin phản ánh từ người dân, doanh nghiệp. Nếu giao cán bộ phân loại sẽ phải mất vài ngày xử lý, tuy nhiên với ứng dụng ChatGPT, thời gian xử lý sẽ nhanh hơn tính theo giờ và giúp các nhà quản lý phân loại các phản ánh theo từng nhóm ngành nghề và chuyển tới các phòng ban xử lý theo đúng chuyên môn. Ngoài ra, ChatGPT là dạng thông tin cá nhân hóa, nghĩa là khi chúng ta quan tâm tới mảng kinh doanh thì công cụ này sẽ tập trung cung cấp và trả lời các thông tin xung quanh mảng kinh doanh, sẽ cho độ chính xác khá cao.
Theo PGS.TS. Đinh Điền, mặc dù có nhiều mặt tích cực nhưng mô hình này cũng có sai số, đó là việc cung cấp các kiến thức về kinh tế, xã hội, lịch sử … có rất nhiều kết quả khác nhau và nó không phân được đâu là thông tin đúng và sai. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước muốn sử dụng ChatGPT hiệu quả cần phải giỏi hơn và làm chủ được ChatGPT. Nghĩa là, người dùng phải tự trang bị những kiến thức thông tin nền cao hơn ChatGPT để có thể kiểm chứng độ chính xác mà ChatGPT cung cấp...