Kênh CNN (Mỹ) cho biết vào hôm thứ Hai (3/7) tuần này, nhiệt độ trung bình toàn cầu là 17,01 độ C. Đây là mức kỷ lục trong dữ liệu của Trung tâm Dự báo Môi trường Quốc gia Mỹ (NCEP) tính từ năm 1979. Đến ngày hôm sau, thứ Ba (4/7), nhiệt độ thậm chí còn tăng cao hơn nữa, đạt 17,18 độ C. Và nhiệt độ toàn cầu vẫn giữ nguyên ở mức cao kỷ lục 17,18 độ C này vào thứ Tư.
Kỷ lục trước đó là 16,92 độ C được thiết lập vào tháng 8/2016. Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) đã xác nhận rằng nhiệt độ toàn cầu ngày 3-4/7 cũng đạt kỷ lục trong dữ liệu của họ có từ năm 1940.
Một số nhà khoa học đánh giá mặc dù các tập dữ liệu của hai cơ quan trên có từ giữa thế kỷ 20, nhưng gần như chắc chắn rằng nhiệt độ nóng nhất của hành tinh ghi nhận trong tuần này cũng là kỷ lục của một khoảng thời gian dài hơn nhiều, dựa trên những gì chúng ta biết được từ dữ liệu khí hậu trong nhiều thiên niên kỷ trích xuất từ lõi băng và rạn san hô.
Nhà khoa học Jennifer Francis tại Trung tâm nghiên cứu Khí hậu Woodwell (Mỹ) nhận định với CNN kỷ lục nhiệt độ của tuần này có lẽ là cao nhất trong “ít nhất 100.000 năm”.
Nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng kỷ lục này có thể bị xô đổ thêm vài lần nữa trong năm nay. Nhà khoa học Robert Rohde tại tổ chức phi lợi nhuận Mỹ Berkeley Earth đăng lên mạng xã hội Twitter ngày 4/7 rằng thế giới “có thể sẽ trải qua một số ngày thậm chí còn nóng hơn nữa trong 6 tuần tới”.
Kỷ lục toàn cầu này là sơ bộ, nhưng nó là một dấu hiệu khác cho thấy thế giới đang nóng lên nhanh như thế nào. Sự xuất hiện của hiện tượng khí hậu El Nino, vốn có tác động làm ấm lên, đang kết hợp với khủng hoảng khí hậu để đẩy nhiệt độ cao hơn.
Giảng viên Friederike Otto tại Viện Biến đổi khí hậu và Môi trường Grantham (Anh) cho biết: “Đây không phải là một kỷ lục đáng để ăn mừng và sẽ không kéo dài lâu, với mùa Hè tại bán cầu Bắc ở phía trước và El Nino đang phát triển”.
Tính đến thời điểm này của năm 2023, thế giới đã ghi nhận nhiều kỷ lục nhiệt độ gây hậu quả lớn. Đợt nắng nóng vào cuối tháng 6 đã bao phủ khắp Mexico và miền Nam nước Mỹ. Tính đến 29/6, hai bang Texas và Louisiana xác nhận sóng nhiệt dẫn đến 14 trường hợp tử vong. Trước đó một ngày, giới chức Mexico công bố báo cáo cho thấy tính đến cuối tháng 6 nước này có 112 người tử vong kể từ tháng 3 vì nguyên nhân liên quan đến nhiệt độ cao.
Một đợt nắng nóng gay gắt ở Ấn Độ đã khiến 44 người thiệt mạng tại bang Bihar. Trung Quốc cũng đã trải qua nhiều đợt nắng nóng gay gắt.
Khi khủng hoảng khí hậu ngày càng gia tăng, các nhà khoa học nhận thấy rõ ràng rằng những đợt nắng nóng kỷ lục sẽ trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Kỷ lục nhiệt độ trung bình toàn cầu mới là một hồi chuông cảnh tỉnh khác, ông Otto nói với CNN. “Nó chỉ cho thấy rằng chúng ta phải ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch, không phải trong nhiều thập kỷ nữa mà là ngay bây giờ”.