Kinh tế Việt Nam năm 2023 - Thách thức trước những biến động của nền kinh tế thế giới

Võ Việt
Theo các chuyên gia kinh tế, để đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,5% của cả năm là thách thức rất lớn, đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cùng thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp và linh hoạt.

Về tổng quan, đặc điểm kinh tế thế giới năm 2022 là sự suy giảm tăng trưởng diễn ra ở hầu hết các nền kinh tế, bao gồm cả các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế đang phát triển. Trái với kỳ vọng về một thế giới phục hồi sau đại dịch COVID-19, năm 2022 tiếp tục là một năm đầy sóng gió đối với nền kinh tế toàn cầu. Bước sang năm 2023, diễn biến phức tạp đi kèm với không ít nhân tố khó dự báo của nền kinh tế toàn cầu khiến nhiều tổ chức quốc tế phải hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới. Điều này đặt ra không ít vấn đề trước mắt và lâu dài đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các nền kinh tế trên thế giới, nhất là các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

a11-7-1691464626.jpg
Cơ cấu GDP 6 tháng đầu năm 2023: Nguồn số liệu: Tổng Cục Thống kê, Dự báo của Ban kinh tế Ngành và Doanh nghiệp)

Tại hội thảo Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cuối năm 2023 được tổ chức tháng 7/2023, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố 3 kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023.

Kịch bản 1: Giả thiết các yếu tố kinh tế thế giới tiếp tục duy trì phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế và Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách tương tự như nửa cuối các năm 2021-2022. Theo đó, tăng trưởng GDP dự báo đạt 5,34% trong năm 2023; xuất khẩu giảm 5,64%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,43%; cán cân thương mại thặng dư ở mức 9,1 tỷ USD.

Kịch bản 2: Giữ nguyên hầu hết các giả thiết trong kịch bản 1 liên quan đến yếu tố kinh tế thế giới, song có một số điều chỉnh về nới lỏng tiền tệ và tài khóa tích cực hơn ở Việt Nam. Theo đó, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 5,72% trong năm 2023; xuất khẩu giảm 3,66%; chỉ số CPI bình quân tăng 3,87%; cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 10,3 tỷ USD.

Kịch bản 3: Giả thiết bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn và sự quyết liệt trong cải cách, điều hành ở Việt Nam. Theo đó, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,46%; xuất khẩu giảm 2,17%; chỉ số CPI bình quân tăng 4,39%; cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 6,8 tỷ USD.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm nay nước ta tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,07%, đóng góp 9,28%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,13%, đóng góp 11,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,33%, đóng góp 78,85%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản luôn đóng vai trò là trụ đỡ cho nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và là mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam. Khu vực dịch vụ đang trên đà phục hồi mạnh mẽ và là nhân tố đóng góp chủ yếu vào mức tăng chung của nền kinh tế, là cứu cánh cho sự phục hồi chậm của khu vực công nghiệp và xây dựng. Các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, thu hút khách du lịch quốc tế bằng các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch và các hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh đã góp phần duy trì tăng trưởng của khu vực này.

Đóng góp lớn vào mức tăng trưởng của khu vực dịch vụ phải kể đến hoạt động sôi động trở lại của các ngành thương mại, đặc biệt là các hoạt động trong lĩnh vực du lịch đang phục hổi mạnh mẽ và có sức lan tỏa lớn đến phục hồi của các lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Trong mức tăng chung 10,9% của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm nay, lĩnh vực lưu trú và ăn uống tăng 18,7%, đóng góp 1,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung (6 tháng đầu năm 2022 tăng 27%, đóng góp 2,4 điểm phần trăm); lĩnh vực du lịch lữ hành tăng 65,9% đóng góp 1,9 điểm phần trăm (cùng kỳ năm 2022 tăng tương ứng 98,3% và đóng góp 0,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung). Thể hiện rõ hơn cho tăng trưởng của 2 lĩnh vực này là sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch khi lượng khách du lịch nội địa trong 6 tháng đầu năm nay đạt 63,5 triệu lượt khách, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là sự phục hồi mạnh mẽ của lượng khách quốc tế đến Việt Nam với 5,6 triệu lượt khách, gấp 9,3 lần so với 6 tháng đầu năm 2022.

Triển vọng kinh tế thế giới năm 2023, tình trạng phức tạp và nhiều nhân tố khó dự báo của nền kinh tế toàn cầu khiến nhiều tổ chức quốc tế hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023. Cụ thể, WB dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 đạt 1,7%, còn dự báo của Liên hợp quốc là 1,9%; trong khi đó, các tổ chức quốc tế khác, như Cơ quan thông tin của Tạp chí Economist (Economist Intelligence Unit (EIU), Anh), Tổ chức xếp hạng quốc tế Fitch (Mỹ), dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 đạt khoảng 1,4 - 1,7%. Đây là mức tăng trưởng thấp thứ ba trong vòng 30 năm qua, chỉ nhỉnh hơn so với mức tăng trưởng giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu trong các năm 2008 - 2009 và giai đoạn đại dịch COVID-19. Các nền kinh tế phát triển dự kiến chỉ tăng trưởng 0,5% theo WB và 1,2% theo IMF. Khoảng 90% các nền kinh tế phát triển sẽ có mức tăng trưởng năm 2023 thấp hơn so với mức năm 2022. Trong đó, kinh tế Mỹ năm 2023 dự kiến tăng trưởng 0,5% - mức thấp nhất của Mỹ kể từ năm 1970 (trừ các giai đoạn suy thoái chính thức). Trong khi đó, các nền kinh tế đang phát triển dự kiến tăng trưởng 3,4% theo WB và 4% theo IMF, trong đó tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc đóng góp 0,7 điểm phần trăm. Kinh tế Trung Quốc dự kiến tăng trưởng 4,3% theo WB, 4,7% theo EIU và 4,8% theo Liên hợp quốc, trong bối cảnh Trung Quốc đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế liên quan tới dịch bệnh COVID-19.

Cơ hội, thách thức đối với các nền kinh tế đang phát triển và một số đề xuất tham chiếu đối với Việt Nam

Về cơ hội: các nước đang phát triển, nhất là các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vẫn là điểm sáng về tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế tại các nước phát triển, nhất là khu vực châu Âu, gặp nhiều sức ép suy giảm đà tăng trưởng. Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc phục hồi, các chuỗi cung ứng điều chỉnh để thích ứng với đại dịch COVID-19 và do cạnh tranh địa - chính trị, một số nền kinh tế đang phát triển ở khu vực, nhất là khu vực Đông Nam Á, đã trở thành địa điểm hấp dẫn các dòng đầu tư và thương mại toàn cầu; các nền kinh tế đang phát triển có cơ hội thu hút nguồn lực về chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trên thế giới; các nền kinh tế đang phát triển giàu nguồn tài nguyên để xuất khẩu có thể tranh thủ xu hướng tăng giá các nguồn tài nguyên này trong năm 2023. Hiện nay có khoảng 2/3 các nền kinh tế đang phát triển tăng trưởng dựa vào xuất khẩu tài nguyên. Trong 50 năm qua, chu kỳ tăng, giảm giá tài nguyên diễn ra trong vòng 6 năm, theo đó chu kỳ tăng thường lớn hơn so với chu kỳ giảm. Do đó, với chu kỳ tăng giá tài nguyên hiện nay, các nước giàu nguồn tài nguyên có thể tranh thủ cơ hội này để xuất khẩu, qua đó có thêm nguồn lực để ứng phó với các thách thức về lạm phát, duy trì ổn định xã hội và cơ cấu lại nền kinh tế.

a11-9-copy-1691464627.jpg
Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023: Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023

Về thách thức: Đối với các nước đang phát triển có nguồn lực hạn chế, thách thức lớn hàng đầu là có đủ nguồn lực để đối phó với tình trạng “đa khủng hoảng” của kinh tế toàn cầu; việc nâng cao khả năng chống chịu trước các cú sốc bên ngoài đối với các nền kinh tế đang phát triển có độ mở lớn, mức độ hội nhập cao. Về thương mại, sự suy giảm tiêu dùng ở các nền kinh tế phát triển sẽ ảnh hưởng lớn tới quá trình xuất khẩu hàng hóa của các nền kinh tế đang phát triển. Theo dự báo của WB, tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2023 nhiều khả năng sẽ giảm mạnh, thậm chí giảm xuống dưới mức 1,6%. Về đầu tư, Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cảnh báo, động thái tăng lãi suất nhanh của FED sẽ ảnh hưởng tới dòng đầu tư toàn cầu - nguy cơ gây tổn hại đáng kể cho các nước đang phát triển. UNCTAD ước tính, việc FED tăng lãi suất cơ bản làm giảm 0,8% GDP ở các nước đang phát triển trong 3 năm tới(24). Ngoài ra, việc thu hút đầu tư, gia tăng trao đổi thương mại với các cường quốc sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các nhân tố chính trị và an ninh, trong khi các nhân tố kinh tế truyền thống, như chi phí lao động, ưu đãi thuế, đất đai vẫn có giá trị, nhưng giảm vai trò hơn so với trước; thách thức về bảo đảm ổn định, an sinh xã hội, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh lạm phát và nợ công đã ở mức cao. Tỷ lệ thất nghiệp trung bình ở các nền kinh tế đang phát triển hiện nay vẫn cao hơn so với giai đoạn trước đại dịch COVID-19. Các thành tựu xóa đói, giảm nghèo có thể tiếp tục bị kéo lùi nếu tình hình kinh tế, dịch bệnh tiếp tục khó khăn.

Đối với Việt Nam, trong bối cảnh triển vọng tình hình kinh tế thế giới giai đoạn tới còn diễn biến phức tạp với nhiều bất định và rủi ro, trên cơ sở thực hiện đường lối của Đại hội XIII của Đảng về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ những biến động bên ngoài, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế và cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Sáu tháng đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản điều hành tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Việt Nam đã rất thận trọng trong dự báo, đánh giá các diễn biến lớn và bất thường, Chính phủ vẫn quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 và không đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng của cả năm.

Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, Việt Nam vẫn tiếp cận toàn diện, kết hợp phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Theo đó, một yêu cầu quan trọng là phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Bối cảnh thời gian qua đòi hỏi chúng ta phải liên tục theo dõi, đánh giá, dự báo các diễn biến kinh tế thế giới, và tác động đối với nền kinh tế Việt Nam. Với tâm thế ấy, bối cảnh khó khăn trong 6 tháng đầu năm cũng chính là “sức ép tích cực” để Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt hơn trong điều hành và cải cách thời gian tới.

Minh Hòa – Nam Lê