Kinh tế toàn cầu 2024: Cơ hội và còn nhiều thách thức

Nam Lê
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa đưa ra dự báo lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 lên 3,1% nhờ khả năng phục hồi bất ngờ ở các nền kinh tế phát triển và mới nổi trên khắp thế giới, trong đó có Mỹ và Trung Quốc.

Năm 2023 - Đối mặt nhiều cơn gió ngược

Trong những tháng cuối năm 2023, nền kinh tế toàn cầu đã đón nhận một số tín hiệu tích cực như lạm phát tại Mỹ và Eurozone đã hạ nhiệt và xuất khẩu của Trung Quốc tăng vượt dự báo. Tuy nhiên, nhìn chung cả năm 2023 tiếp tục được xem là một năm ảm đạm đối với nền kinh tế toàn cầu khi các động lực tăng trưởng yếu hơn kỳ vọng trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt, căng thẳng địa chính trị kéo dài, và sự phân mảnh kinh tế toàn cầu sâu sắc hơn. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) siết chặt chính sách tiền tệ ở mức nhanh nhất trong hơn 40 năm trở lại đây nhằm kiềm chế lạm phát là yếu tố được nhắc đến nhiều nhất. Động thái này đã và đang gây ra nhiều tổn thương kinh tế trên quy mô toàn cầu, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển và những nước nghèo.

a1-1708223533.jpg
Dự báo tăng trưởng kinh tế của các quốc gia thuộc khối G20 trong năm 2024 và năm 2025. (Nguồn:OECD Internet)

Đối với Trung Quốc, kinh tế được dự báo tiếp tục tăng trưởng, nhưng sẽ chững lại sau 30 năm thăng hoa. Người dân Trung Quốc có thể tiếp tục hạn chế chi tiêu, xuất khẩu sẽ ở mức yếu khi nhu cầu toàn cầu vẫn ảm đạm. Đồng thời, thị trường bất động sản của nước này vẫn trong quá trình phục hồi. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế tại khu vực Eurozone trong năm 2024 kỳ vọng sẽ đạt mức 0,9% trên mức nền thấp của năm 2023 (ước tính 0,7%). Động lực tăng trưởng chủ yếu đến việc người tiêu dùng tăng chi tiêu khi tiền lương tăng nhưng lạm phát giảm dần. Tuy nhiên, OECD lưu ý, nền kinh tế Eurozone vẫn dễ bị tổn thương nếu giá năng lượng và các loại hàng hóa tăng cao trở lại.

Song song đó, một cuộc khủng hoảng bất động sản thương mại đang âm thầm diễn ra ở Mỹ với nhiều thương xá, cao ốc văn phòng có tỉ lệ lấp đầy chưa đến một nửa và khả năng trả nợ gần như không còn. Ở San Francisco vào cuối năm đã có những trụ sở nổi tiếng được rao bán với giá giảm đến hơn 50% so với giá trước dịch Covid-19.

Ở châu Âu, tình hình cũng đang chuyển biến xấu, núi nợ của các bất động sản thương mại đang gây lo lắng trong giới giám sát tài chính. Cuối tháng 11-2023, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đồng loạt cảnh báo rằng các bất động sản thương mại ở châu Âu sẽ tiếp tục thua lỗ và có rủi ro không trả được nợ. ECB đặc biệt nhắc nhở tình trạng nợ của nhóm bất động sản thương mại châu Âu còn cao hơn năm khủng hoảng tài chính 2008. Ở Trung Quốc cũng không tốt hơn là mấy. Những công ty bất động sản lớn như Country Garden lâm vào nguy cấp, trong khi những tổ chức quản lý tài sản - thực tế là các ngân hàng ngầm khổng lồ như Zhongzhi - có nguy cơ đổ vỡ.

Kinh tế 2024: Thách thức và hy vọng

Sang 2024, có mấy điểm chính đánh dấu bức tranh kinh tế toàn cầu. Thứ nhất, nhiều dấu hiệu cho thấy lãi suất Mỹ đã đạt đỉnh, và lãi suất USD được dự báo sẽ giảm trong năm nay, dù mức giảm có thể thấp hơn thị trường kỳ vọng. Nó sẽ tạo điều kiện cho nhiều nền kinh tế lớn cắt giảm lãi suất.

Ở Mỹ, thị trường hiện đang kỳ vọng mức cắt giảm lãi suất trên 1%, có thể là 1,25% hoặc 1,5%, theo các giao dịch trên thị trường giao sau đang chỉ ra. Trong khi đó, giới kinh tế gia dự báo mức cắt lãi suất có thể chỉ là 0,75%. Dù sao, kỳ vọng lạm phát giảm đi trong năm 2024 cũng là tín hiệu tốt, mở đường cho các chính sách cắt giảm lãi suất.

a3-1708223603.png
Kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2024 (Ảnh: Nguồn Internet)

Về phía Trung Quốc, một vài đợt cắt giảm lãi suất sâu nữa cũng cần thiết. Mặt bằng lãi suất cho vay 3,5 - 5% cho doanh nghiệp vẫn đang được đánh giá là khá cao. Một số ngân hàng do nhà nước sở hữu chi phối của Trung Quốc đã cắt lãi suất tiết kiệm về mức 1,45% (kỳ hạn 1 năm) đến 1,95% (kỳ hạn 2 năm).

Nền kinh tế toàn cầu năm qua được định hình bởi sự tăng trưởng chậm chạp, rải rác với những cú sốc địa chính trị và một cuộc khủng hoảng ngân hàng đột ngột tại Mỹ đe dọa làm chệch hướng tăng trưởng. Việc loạt ngân hàng T.Ư lớn tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh nhất trong nhiều thập kỷ nhằm kiềm chế giá tiêu dùng cũng khiến mọi việc trở nên khó khăn.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng 10 đã dự kiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 3% trong năm 2023, chậm hơn mức tăng 3,5% được ghi nhận vào năm 2022, vẫn thấp hơn mức tăng trưởng trung bình lịch sử của thế giới. Trong năm tới, IMF dự kiến tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu sẽ tăng 2,9%, trong khi Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính mức tăng trưởng 2,4% và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo ở mức 2,7%.

Cả IMF và WB đều dự đoán tăng trưởng sẽ vẫn chậm và không đồng đều, đặc biệt ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Cố vấn toàn cầu của State Street cho biết, trong báo cáo Triển vọng năm 2024: "Nhìn vào năm 2024, chúng tôi dự đoán sự bất ổn sẽ tiếp tục tồn tại, với xu hướng tăng trưởng phụ được dự báo trên khắp các nền kinh tế thế giới".

Tuy nhiên, cũng không nên hoàn toàn quá lạc quan. Kinh tế toàn cầu sẽ phải đương đầu với khá nhiều cú sốc trong năm 2024, từ các cuộc bầu cử quan trọng cho đến vấn đề nợ công tăng cao tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, sau sự vững vàng của năm nay, hoàn toàn có thể tin năm sau sẽ sáng sủa hơn.

Lê Hùng