Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bài viết có kết cấu, cách tiếp cận nội dung rất cơ bản, hệ thống và khoa học, nội dung được đề cập tới các lĩnh vực như: Phát triển kinh tế thị trường; xây dựng nền văn hóa; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa…
Đặc biệt bài viết khẳng định: “Bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”, “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Điều này đã phản ánh đúng lý luận, thực tiễn và cả những vấn đề đặt ra cần phải tiếp tục giải quyết đối với cách mạng Việt Nam.
Nội hàm bài viết đã thể hiện rõ quan điểm: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhât và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc đã được Đảng ta khẳng định trong Văn kiện Đại hội XII, Đại hội XIII. Tuy nhiên, trong bài viết của Tổng Bí thư một lần nữa đã khẳng định và luận giải rõ hơn từ lịch sử, bối cảnh tình hình và nội dung của quan điểm.
Thứ nhất, quan điểm kiên quyết, kiên trì trong bài viết là sự tiếp nối truyền thống của cha ông ta.
Thật vậy, bài viết khẳng định, để có được Tổ quốc Việt nam xã hội chủ nghĩa ngày nay, “Nhân dân Việt Nam đã trải qua một quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài, khó khăn, đầy gian khổ hy sinh để chống lại ách đô hộ và sự xâm lược của thực dân, đế quốc để bảo vệ nền độc lập dân tộc và chủ quyền thiêng liêng của đất nước”.
Suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, ông cha ta luôn phải chống lại kẻ thù xâm lược mạnh hơn nhiều lần về quân sự, kinh tế. Song với tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, với cách đánh mưu trí sáng tạo, ông cha ta đã đánh thắng tất cả kẻ thù xâm lược, viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc. Lịch sử, truyền thống đánh giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam đã để lại bao chiến công hiển hách. Nếu như thế kỷ XI, dòng sông Như Nguyệt vang lên bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên, khẳng định chủ quyền “Sông núi nước Nam vua Nam ở…/Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời” thì thế kỷ XIII, vó ngựa giặc nguyên Mông tràn khắp châu Á, châu Âu nhưng ba lần bị quân dân nhà Trần đánh bại. Đến thế kỷ XVIII, Quang Trung đại phá quân Thanh để rồi “sử tri Nam Quốc Anh hùng chi hữu chủ”. Vì vậy, Bác Hồ đã dạy “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tinh thần yêu nước và truyền thống đánh giặc của dân tộc ta lại được phát huy lên một tầm cao mới. Dân tộc ta đã đánh thắng hai kẻ thù xâm lược có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Quân ta có thể ít về số lượng, vũ khí không hơn địch, có thể là một cuộc chiến tương quan chênh lệch lực lượng, ta ít, địch nhiều, nhưng cha ông ta đã đánh bại nhiều kẻ thù xâm lược mạnh hơn gấp nhiều lần. Có được chiến công đó chính là sức mạnh của ý chí kiên quyết, kiên trì đánh giặc ngoại xâm với tinh thần triệt để nhất.
Từ thực tiễn chống giặc ngoại xâm của dân tộc, các thế hệ ông cha đã viết nên truyền thống vẻ vang rất đáng tự hào và những bài học quý báu đối với các thế hệ mai sau. Bước ra từ các cuộc chiến tranh giữ nước, dân tộc Việt Nam luôn khát vọng hòa bình mãnh liệt cho dân tộc mình, nhưng chúng ta cũng kiên quyết, kiên trì tiếp nối truyền thống cha ông để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai, kiên quyết, kiên trì bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh “tình hình khu vực và quốc tế diễn biến phức tạp, có nhiều bất lợi cho ta”
Từ sau khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu sụp đổ, cách mạng thế giới lâm vào thoái trào. Thế giới từ lưỡng cực thành đơn cực, rồi nay lại thành đa cực. Các nước thuộc các chế độ chính trị, xã hội khác nhau đều tham gia toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, vừa cạnh tranh, vừa hợp tác dưới nhiều cung bậc khác nhau. Các thế lực thù địch đẩy mạnh xuyên tạc, chống phá.
Sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của chính trị thế giới kéo theo thoái trào của phong trào cộng sản và công nhân thế giới, nhưng đó là tạm thời chứ không phải tất yếu. Các nước xã hội chủ nghĩa còn lại đã, đang và sẽ giữ vững trận địa. Các đảng cộng sản và phong trào công nhân sẽ khôi phục hoạt động trong điều kiện mới, và xu thế xã hội chủ nghĩa sẽ tiếp tục phát triển dưới hình thức này hay hình thức khác.
Tình hình thế giới diễn biến phức tạp khó lường nhưng Đảng ta đã kiên quyết, kiên trì, kiên định chủ nghĩa Mác- Lênin, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào, và “chưa bao giờ đất nước ta có được tiềm lực và cơ đồ như ngày hôm nay”.
Thứ ba, kiên quyết, kiên trì bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trước hết là kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
Đây vừa là bài học vừa là quan điểm được Đảng ta khẳng định từ Đại hội XII, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Bài viết làm rõ thêm về tính chất kiên quyết, kiên trì bảo vệ Tổ quốc. Trước hết và quan trọng là “luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin - học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động. Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện”.
Bài viết còn thể hiện quan điểm kiên quyết, kiên trì còn là sự kiên định và vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra cơ sở khoa học của quan điểm về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa: Với tư cách là người đại diện cho dân tộc, giai cấp công nhân là người đại diện cho Tổ quốc, phải “bảo vệ những thành quả cách mạng đã đạt được, bảo vệ Tổ quốc của mình”. Giai cấp công nhân từng bước giành được những thắng lợi và phải biết bảo vệ, phát huy những thành quả, tiến tới thắng lợi cuối cùng.
“Kiên quyết, kiên trì” thể hiện rõ ý chí quyết tâm chiến lược, sự nhất quán, trước sau như một, trước mắt cũng như lâu dài, khi thuận lợi cũng như lúc khó khăn, là bằng mọi cách phải bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Cụm từ “kiên quyết” thể hiện quyết tâm dứt khoát, sự đồng thuận cao hơn trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về yêu cầu bảo vệ chủ quyền, lợi ích của đất nước; kiên quyết giữ vững những vấn đề có tính nguyên tắc, bảo vệ đến cùng lợi ích quốc gia - dân tộc, với quyết tâm cao nhất. Cụm từ “kiên trì” bao hàm ý nghĩa cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lợi ích của đất nước sẽ còn lâu dài, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân không lơi lỏng, không được mất cảnh giác, không nản lòng, phải nuôi dưỡng ý chí quyết tâm thật cao. Phải kiên trì giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên mọi lĩnh vực, mọi mặt trận trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc.
Như vậy, “kiên quyết, kiên trì” là thể hiện quyết tâm cao độ, ý chí sắt đá, bản lĩnh trước sau như một của nhân dân ta, vừa thể hiện tính chất lâu dài, phức tạp của cuộc đấu tranh. Đây cũng là đối sách mềm dẻo, linh hoạt, sáng tạo, không chủ quan, manh động trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh lịch sử mới, mà trước hết là bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin tư tưởng Hồ Chí Minh, nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thứ tư, kiên quyết, kiên trì bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Bài viết đã khái quát nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc - một trong những giải pháp có ý nghĩa chiến lược góp phần hiện thực hóa mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay là phải: “Bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội”. Cả lý luận và thực tiễn cho thấy, luận điểm của Tổng Bí thư thể hiện một tầm nhìn mới, bản lĩnh mới, sức sáng tạo mới, có tính toàn diện và giá trị chỉ đạo thực tiễn sâu sắc. Luận điểm khẳng định điều kiện tiên quyết để thực hiện thắng lợi mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, được dựa trên những cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc.
Đồng thời, khẳng định tinh thần đoàn kết, trên dưới đồng lòng: “các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Quán triệt sâu sắc và phát triển quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn cách mạng mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh mối quan hệ biện chứng, thống nhất, không thể tách rời giữa bảo đảm vững chắc quốc phòng và bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội nhằm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thứ năm, kiên quyết, kiên trì bảo vệ Tổ quốc trên cơ sở phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc
Trong xã hội, con người với bản sắc văn hóa giữ vị trí trung tâm. Phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới. Phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu; bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí để phát triển bền vững; xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội, thực hiện bình đẳng giới là tiêu chí của tiến bộ, văn minh. Xã hội xã hội chủ nghĩa là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm, do đó cần và có điều kiện để xây dựng sự đồng thuận xã hội thay vì đối lập, đối kháng xã hội. Chúng ta luôn luôn chăm lo thúc đẩy sự bình đẳng và đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam…
Trước đây, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, ngày 24-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Lấy văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Có nghĩa là, dân tộc Việt Nam muốn giải phóng, xây dựng và phát triển đất nước, nhất định phải phát triển văn hóa. Ngày nay, bài viết tiếp nối và khẳng định, văn hóa là toàn bộ giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo, phát minh ra, theo đó lẽ tất nhiên, văn hóa xuất phát từ con người và phải đem văn hóa để giải phóng con người, trước hết là giải phóng con người thoát khỏi áp bức, bóc lột, bất công và được phát triển toàn diện. Nội dung cốt lõi trong bài viết thể hiện: Văn hóa là nền tảng cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Muốn có chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa, phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Văn hóa là một mặt trận, mỗi văn nghệ sĩ là một chiến sĩ trên mặt trận ấy. Văn hóa phục vụ quần chúng nhân dân, xây dựng nền văn hóa Việt Nam “dân tộc - khoa học - đại chúng”…
Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam có giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc, tiếp tục chỉ đạo nhiệm vụ quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong đời sống. Những nội dung cơ bản của bài viết cần tiếp tục được nghiên cứu, luận giải, làm cơ sở cho quá trình quán triệt, tổ chức thực hiện. Đường lối, quan điểm của Đảng chỉ trở thành lực lượng vật chất khi được thâm nhập, quán triệt sâu sắc và tổ chức trong hoạt động thực tiễn ở mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Chúng ta tin tưởng rằng, với trí tuệ, bản lĩnh chính trị vững vàng, đường lối lãnh đạo công cuộc đổi mới đúng đắn, sáng tạo của Đảng, khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hùng cường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của Nhân dân sẽ trở thành hiện thực./.