Vùng hồng Nam Đàn không chỉ có diện tích lớn, chất lượng ngọt, giòn, mà còn được người dân trồng khắp trong vườn nhà, vườn đồi, tạo nên cảnh quan đẹp mắt mỗi mùa hồng chín. Tại xã Nam Anh, hồng được trồng trên các sườn núi, các thung lũng gần khe suối của dãy núi Đại Huệ, như khe Nứa, khe Mai... Mùa hồng chín, đi dưới đường vành đai nhìn lên núi thấy hồng chín vàng rực.
Dù ở thời điểm cuối mùa, những gốc hồng xã Nam Anh, được chủ vườn giữ nguyên vẹn quả chín trên cây. Được ngắm nghía quả chín tươi, dạo bước khám phá từng góc nhỏ của khu vườn và lưu lại bằng những hình ảnh đẹp, thực sự khiến nhiều người thích thú. Không ít những gốc hồng có tuổi trên 100 vẫn khoẻ manh cho quả theo thời gian.
Chị Võ Thị Minh Khánh, hiện đang sôngs tại Tp Đà Nẵng cho biết: “Một số bạn trẻ đã đăng thông tin về vườn hồng núi Đại Huệ trên MXH, tôi đã tìm hiểu và rất mong muốn được ghé thăm và tìm hiểu về cách làm du lịch. Đúng vào dịp này tôi về thăm quê Nam Đàn, lên đây tôi thấy rất mới mẻ vì cách làm du lịch từ chính vườn nhà”..
“Có một nơi như thế này đển cho mình đến chụp ảnh và trải nghiệm, sau đó thưởng thức những quả hồng, cảm thấy rất vui vẻ và thoải mái. Món hồng là món yêu thích của mình và mình hy vọng, những vườn hồng, không chỉ năm nay mà các năm khác duy trì mô hình để du khách có cơ hội trải nghiêm”, chị Nguyễn Thuý Hằng, giáo viên, người quê Nam Đàn chia sẻ.
Vườn hồng Đại Huệ mới thử nghiệm mở cửa đón khách năm đầu tiên đã tạo ra một làn gió mới, không chỉ đối với du khách mà còn cả với chính người chủ của khu vườn này. Nhờ thành công ban đầu, họ cũng đã có cái nhìn khác về cách quảng bá đặc sản của địa phương.
Mỗi ngày vườn hồng đón những đoàn đến thăm quan chụp ảnh. Hy vọng mùa hồng năm sau rực rỡ hơn mùa hồng năm trước để nhiều người có cơ hội ngắm cảnh đẹp và thưởng thức hương vị riêng có của loại quả đặc sản của Nam Đàn.
Sự hấp dẫn của vườn hồng chín đã mở ra hướng khai thác mới cho người dân địa phương trong việc phát triển du lịch canh nông gắn với cây hồng. Thời gian qua, một số hộ dân có vườn hồng đẹp, ở vị trí thuật lợi, đã tích cực cải tạo biến thành những địa điểm đón khách tham quan, trải nghiệm.
“Nhờ có du lịch canh nông, nông sản của người dân địa phương sản xuất ra cũng dễ tiêu thụ hơn, bán được giá hơn, trong đó có cả hồng bán lẻ cho khách đến tham quan khu du lịch, vừa được giá, vừa khỏi mất công mang đi nhập. Ngoài hồng còn bán được các loại rau quả khác”, anh Nguyễn Sách chủ vườn Đại Huệ cho biết thêm.
Mặc dù các khu du lịch sinh thái gắn với vườn hồng ra đời chưa lâu, chưa khẳng định được tên tuổi, nhưng đã thổi một luồng gió mới vào nghề trồng hồng trên dãy Đại Huệ. Người dân địa phương đã bắt đầu thay đổi tư duy sản xuất, từ việc chỉ lo trồng cây, chăm sóc, thu hoạch, đã hướng đến các hoạt động mới.