Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo - Bài 1: Giải pháp nâng cao năng suất lao động

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc cải thiện, thúc đẩy tăng năng suất lao động là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và từng doanh nghiệp.
sanxuatcongnghieptphcm-1685589412.jpg
Sản xuất linh kiện điện tử kỹ thuật cao tại Cty TNHH Nidec Sankyo Việt Nam (Nhật Bản) trong Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu: Thanh Vũ/TTXVN

Đây là vấn đề sống còn đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, vì tăng năng suất lao động đồng nghĩa với phát triển nhanh, bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và rút ngắn khoảng cách với các quốc gia trong khu vực. Vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ đang nghiên cứu, hoàn thiện Đề án về giải pháp khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất lao động để trình Chính phủ trong quý II/2023. Liên quan đến nội dung này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện 2 bài viết.

Bài 1: Giải pháp nâng cao năng suất lao động

Để hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia thịnh vượng vào năm 2045, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII nêu nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nội dung đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Cải thiện và thúc đẩy nâng cao năng suất lao động là một trong những vấn đề cốt lõi đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay, là điều kiện tiên quyết để đưa Việt Nam thu hẹp trình độ phát triển với các nước trong khu vực, thích ứng với xu thế toàn cầu và chống chọi tốt với các cú sốc từ bên ngoài. Để nâng cao năng suất lao động, việc hoàn thiện Đề án về giải pháp khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất lao động là cần thiết và mang tính cấp bách.

Nâng cao năng suất lao động

Tại Việt Nam, hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ còn hạn chế do việc tiếp cận nguồn cung cấp các giải pháp chất lượng cao còn khó khăn. Vấn đề đẩy mạnh công nghệ số vào ứng dụng và phát triển trong thực tế còn nhiều vướng mắc, chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng với nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Dù đây là vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia. 

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, trong nền kinh tế thị trường hiện đại và phát triển, yếu tố quan trọng nhất quyết định sự tăng trưởng của mọi quốc gia chính là khoa học công nghệ, trong đó năng suất chất lượng là yếu tố đảm bảo cho mọi thành công. Ngoài ra, khoa học công nghệ còn là yếu tố có thể giúp các nền kinh tế đang phát triển thoát khỏi bẫy "thu nhập trung bình", chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu. Vì vậy, giải pháp đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất lao động quốc gia là yếu tốt then chốt để tăng trưởng trên cơ sở khoa học công nghệ luôn được cải tiến để phù hợp với tính chất, phạm vi, quy mô của tổ chức, doanh nghiệp tại thời điểm nhất định. Nếu một quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp có giải pháp đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất lao động tốt sẽ đưa đất nước phát triển, ngược lại nếu không có các giải pháp hoặc giải pháp không hiệu quả có thể dẫn đến nguy cơ tụt hậu. Theo đó, dự thảo Đề án về giải pháp khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất lao động đã được Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai lấy ý kiến các bộ, ngành, chuyên gia để hoàn thiện trình Chính phủ trong quý II/2023.

Dự thảo Đề án về giải pháp khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất lao động, tập trung vào các nội dung chính: Sự cần thiết; thực trạng; các hoạt động thúc đẩy năng suất; một số hạn chế; kinh nghiệm quốc tế; quan điểm; mục tiêu và giải pháp; tổ chức thực hiện... Cùng với đó, Đề án cũng nêu rõ 6 quan điểm chính trong Dự thảo để xây dựng đề án giải pháp nâng cao năng suất lao động gồm: mô hình tăng trưởng mới; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chính; hạ tầng chất lượng quốc gia; đồng bộ các chính sách khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; sự tham gia của các cấp, ngành, doanh nghiệp và cộng đồng; phát triển nguồn nhân lực.

Dự thảo đặc biệt nhấn mạnh đến 6 mục tiêu, giải pháp nhằm tăng trưởng năng suất lao động giai đoạn 2021-2030 gồm: Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy năng suất lao động dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy giải pháp vĩ mô góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nâng cao năng suất; tăng cường thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao công nghệ tăng năng suất lao động; phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia để thúc đẩy nâng cao năng suất lao động; đào tạo, bồi dưỡng và thúc đẩy truyền thông nâng cao nhận thức về năng suất; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về năng suất.

Kinh nghiệm quốc tế - rút ngắn thời gian thúc đẩy nâng cao năng suất

Góp ý hoàn thiện Dự thảo Đề án về giải pháp khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất lao động, ông Indra Pradana Singawinata, Tổng Thư ký Tổ chức Năng suất châu Á (APO) cho rằng, Việt Nam cần đặt ra mục tiêu dài hạn, trong đó vai trò của nâng cao năng suất cần được chú trọng nhiều hơn và cần sự tham gia, phân công cụ thể giữa các bộ, ngành chủ trì thực hiện. Để kế hoạch nâng cao năng suất lao động thông qua khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt hiệu quả, ông Indra Pradana Singawinata đưa ra khuyến nghị trong việc quản trị, tái cơ cấu các lĩnh vực trọng tâm gồm ngân sách, nhân sự của Tổ chức năng suất quốc gia nhằm phù hợp hơn với nhu cầu phát triển của Việt Nam.

Ông Arsyoni Buana, đại diện Tổ chức Năng suất châu Á nhận định, năng suất lao động của Việt Nam còn nhiều điểm cần nhìn nhận, đánh giá lại để khắc phục. Điều quan trọng giúp cải thiện năng suất lao động Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm các quốc gia trong khu vực. Để đạt được chỉ tiêu trong vấn đề tăng năng suất lao động đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực rất lớn, tập hợp, vận dụng các nguồn lực, đưa năng suất thực sự trở thành phong trào lớn mạnh trong cả nước.

Ông Arsyoni Buana khẳng định, Tổ chức năng suất châu Á sẽ đồng hành cùng Việt Nam giải quyết những tồn tại, thông qua kinh nghiệm quốc tế để tìm ra nút thắt khiến năng suất lao động chưa được nâng cao như mong muốn. Tổ chức năng suất châu Á hỗ trợ Việt Nam trong việc ứng dụng khoa học công nghệ để trở thành đòn bẩy trong tăng năng suất lao động. Khoa học công nghệ sẽ duy trì, phát huy những lợi ích có được bằng việc tận dụng giai đoạn cơ cấu dân số vàng của Việt Nam.

Chia sẻ về giải pháp thúc đẩy năng suất thông qua công cụ GRP, kinh nghiệm của Malaysia, ông Kabir Ahmad Mohd Jamil, chuyên gia APO cho biết, để Malaysia thoát được bẫy thu nhập trung bình, Malaysia đã dốc toàn lực vào tăng năng suất. Với Malaysia, sau thời gian những thể chế lỗi thời, không phù hợp trở thành gánh nặng tới sự phát triển của doanh nghiệp thì các nhà quản lý đã thay đổi tư duy, cùng doanh nghiệp khắc phục khó khăn. Khi doanh nghiệp có sự tăng trưởng thì cơ quan quản lý mới thu thuế, đưa ra những quy định, yêu cầu và trở thành một người đồng hành cùng doanh nghiệp. Tại Việt Nam, ông Kabir Ahmad Mohd Jamil cho rằng, cần cải cách quy định chính sách để doanh nghiệp có thể cảm nhận rõ họ có sự đồng hành từ cơ quan quản lý, để các doanh nghiệp yên tâm hơn trong việc áp dụng công cụ và nâng cao năng suất chất lượng.

Bài cuối: Yếu tố "đột phá" tạo sức bật