Triển lãm tiềm lực khoa học và công nghệ: Kỷ nguyên của AI

Ngày 22/4, triển lãm về tiềm lực khoa học và công nghệ đã mang đến một diện mạo mới với những điểm nhấn vô cùng quan trọng và đặc biệt trong “Ngày hội việc làm và khoa học công nghệ – VNU-IS Job Fair 2023” do trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức.
z4293141754097-5c25eb65571dbe9fdf60783c724f90b5-1682406994.jpg
Các nghiên cứu của giảng viên, sinh viên Trường Quốc tế thu hút sự quan tâm của nhiều người đến tham dự triển lãm

Triển lãm nhằm mang tới cho người tham dự, các doanh nghiệp, công ty cái nhìn sâu sắc hơn về hoạt động khoa học công nghệ nói riêng cũng như chiến lược phát triển của nhà trường nói chung.

Đến với các gian Triển lãm về tiềm lực khoa học và công nghệ, người tham dự, các công ty, doanh nghiệp sẽ được tận mắt chứng kiến và thử nghiệm nhiều sản phẩm khoa học công nghệ như máy bay không người lái với khả năng bám đuổi đối tượng và định hướng điểm đến chính xác; robot mặt đất tự hành tránh vật cản, hay hệ thống IoT, thiết bị cảm biến đo nhịp tim từ xa; hệ thống dây chuyền trong nông nghiệp. Các sản phẩm này đều có tiềm năng ứng dụng trong đời sống và thương mại hóa nếu có sự đầu tư từ phía các doanh nghiệp. Điều này thể hiện sự gắn kết, liên kết chặt chẽ giữa hoạt động nghiên cứu trong trường đại học với đời sống xã hội.

z4293141764824-14b708c0d340f8e2d3283f8ae167b2ed-1682406994.jpg
Diễn giả Ngô Minh Hiếu chuyên viên an ninh mạng và điều tra số tại Trung tâm Giám sát An toàn thông tin Việt Nam (NCSC)

Trong khuôn khổ chương trình diễn ra workshop “AI và An toàn thông tin” với diễn giả là anh Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) – chuyên viên an ninh mạng và điều tra số tại Trung tâm Giám sát An toàn thông tin Việt Nam (NCSC). Anh cũng là một trong những người thành lập ra dự án phi lợi nhuận Chống lừa đảo nhằm bảo vệ người dùng khỏi những nguy cơ về lừa đảo trên không gian mạng. Trong năm 2022, Anh Ngô Minh Hiếu từng được Apple ghi tên trong danh sách những chuyên gia bảo mật đã có đóng góp cho hãng này.

Theo anh Hiếu, các hệ thống lớn luôn tồn tại những lỗ hổng. Nếu bị hacker khai thác, những lỗ hổng về bảo mật này có thể được dùng vào mục đích xấu. Ngoài ra, trong thời gian gần đây, tình trạng lừa đảo trên không gian mạng tại Việt Nam ngày một tinh vi với sự xuất hiện của một số thủ đoạn mới. Ngoài phương thức lập website giả mạo lừa lấy thông tin người dùng như trước kia, giả mạo người than/cá nhân để ăn cắp thông tin, đang có nhiều cuộc gọi giả danh cơ quan chức năng. Để tránh trở thành nạn nhân của tội phạm mạng, các doanh nghiệp nên thường xuyên rà soát, tăng cường khả năng bảo mật và duy trì đội ngũ nhân sự về an ninh mạng có chuyên môn cao. Khẳng định vai trò của AI trong bảo mật dữ liệu. Trong đó AI có thể tự động phát hiện, phân tích và chống lại các cuộc tấn công mạng, chủ động ngăn chặn hacker, dễ dàng huấn luyện nhiều lần để liên tục cập nhật các lỗ hổng, cách thức tấn công mới lên hệ thống.

Tuy nhiên, diễn giả cũng cảnh báo, các công cụ trí tuệ nhân tạo nếu sử dụng sai mục đích gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến bảo mật và đôi khi khó kiểm soát. Hacker có thể khai thác AI, học máy để tạo ra những chiêu trò mới, như tìm cách các công ty, tổ chức đào tạo hệ thống, đột nhập và làm hỏng các thuật toán. Mấu chốt vẫn là yếu tố con người có nhận thức trong sử dụng AI vào mục đích gì, trí tuệ nhân tạo chỉ là một phần trong việc phân tích và bảo vệ dữ liệu. Ý thức về an toàn thông tin của con người tới đâu thì sẽ góp phần tạo nên môi trường an toàn, tính bảo mật cao.

z4293141767275-5fe54dcb5569079269f787306e5afd39-1682406994.jpg
Sinh viên Trường Quốc tế đặt câu hỏi cho diễn giả

Chuỗi hoạt động Triển lãm tiềm lực khoa học và công nghệ cùng với Workshop “AI và An toàn thông tin” đã thực sự đem lại cho người tham dự những thông tin, kiến thức vô cùng hữu ích. Thông qua những hoạt động như này có thể mở ra nhiều hướng hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa các doanh nghiệp và nhà trường trong thời gian tới. 

Phương Thảo