Những ruộng bậc thang trải dài, những cánh rừng thông gai, những nét văn hóa đặc sắc của các tộc người thiểu số… Với rất nhiều cảnh quan đẹp hấp dẫn du khách như đỉnh Phanxipang, Cổng Trời, Thác Bạc, Cầu Mây, bãi đá cổ… Chính những điều này đã làm cho Sa Pa có nét riêng biệt và hấp dẫn du khách, không chỉ du khách trong nước mà còn rất nhiều du khách quốc tế. Những năm gần đây, đường vào thôn bản đã được cải tạo, nhiều tuyến điểm du lịch đã được khám phá. Tuy đường đi còn nhiều khó khăn nhưng lại là một trải nghiệm lý thú cho những người ưa mạo hiểm và muốn chinh phục thử thách.
SẢ XÉNG
Từ nhà thờ trung tâm Sa Pa ngược đường Thạch Sơn, hướng về Lào Cai, song song với dãy núi Rồng chừng 5km ta sẽ gặp thung lũng khá rộng và bằng phẳng - Sa Pả - Nơi phát tích và là nguồn gốc cho tên gọi Sa Pa sau này. Đến cầu 32, rẽ phải, theo đường liên thôn xuyên qua rừng Tống Quá Sủ ta chạm đến địa danh Sả Xéng thuộc xã Tả Phìn.
Sả Xéng là Bản của người H'mông và người Dao cư trú rải rác thành từng cụm, từ độ cao 1.400m - 1.800m, nơi ở cao nhất có tên là "Xóm Đạo", bởi dân xóm này theo đạo và có nhà nguyện riêng.
Với địa hình chia cắt mạnh, có cảnh quan đẹp nên đường qua Sả Xéng được lựa chọn là một phần của đường chạy giải vượt núi Vietnam Mountain Marathon danh giá.
Sả Xéng từ lâu cũng là cung trekking ưa thích của khách nước ngoài khi đến khám phá Sa Pa, vì ngôi làng còn được gìn giữ khá nguyên vẹn về hình thức và còn lưu giữ được nguyên vẹn tập tục của người H'mông và người Dao xưa.
Ngoài ra, khi đến đây, du khách còn được tắm lá thuốc của người Dao, thăm làng thổ cẩm. Điều đặc biệt thú vị, đây cũng là một điểm săn mây lý tưởng của Sa Pa.
HẦU TRƯ (CHƯ) NGÀI
(Điểm săn mây kỳ thú)
Nằm cách trung tâm Sa Pa 7km, gần nhà thờ Hầu Thào, khuất dưới tán rừng Tống Quá Sủ cổ thụ là bản nhỏ Hầu Trư Ngài. Bản gồm hai họ người H’mông đến đây tính ra cũng được 7 đời người.
Nằm ngay bên đường, biệt lập và giữ gìn được nề nếp, nên khi vào bản chúng ta sẽ có ngay một cảm giác khác lạ khi được chứng kiến một cuộc sống thường nhật của đời sống bộ lạc: tự sản, tự tiêu, tự làm ra tất cả những vật phẩm để phục vụ cuộc sống. Ngó quanh những nếp nhà gỗ, được làm hoàn toàn bằng bàn tay tài hoa, và sự kiên nhẫn của người trai H’mông, đã dựng lên được cả nếp nhà với chỉ một cái rìu. Loáng thoáng bóng phụ nữ cần mẫn thêu thùa, hay lũ trẻ trần truồng chơi đùa với bọn gà vịt. Có lẽ, để tổ chức cuộc sống, họ chỉ cần mua mỗi cái kim, và muối.
Đi xuyên qua bản, tốn thêm chừng 15 phút là leo lên đỉnh núi Hầu Trư (Chư) Ngài. Từ đỉnh Hầu Trư Ngài ta có thể phóng tầm mắt rộng, bao quát khắp nhà thờ đá Hầu Thào, thung lũng Mường Hoa, hay bạt ngàn rừng Tống Quá Sủ xen lẫn những rặng Tre, Mai, Trúc... và thu trọn dãy Phanxipang trong tầm ngắm. Đây cũng là điểm View tuyệt đẹp bởi hướng sáng, thế núi hùng vĩ lúc rạng sáng hoặc hoàng hôn.
Nói Hầu Trư Ngài là điểm săn mây kỳ thú của Sa Pa là bởi ngoài những lợi thế trên, vị trí này còn có một đặc điểm riêng để đón mây, đó là hướng gió. Những người săn mây Sa Pa đều biết Sa Pa chịu ảnh hưởng bởi 3 luồng gió chính. Luồng gió thứ nhất từ hướng Đông mang nhiều hơi nước thổi vào theo thung lũng Mường Hoa, gặp đỉnh Phanxipang thì dựng ngược lên mà vượt đỉnh sang phía bên kia sườn núi. Luồng gió thứ 2 thổi từ phía Tây khô nóng (mà dân gian gọi là gió Lào) vượt núi chạy về phía biển. Luồng gió thứ 3 hướng từ Lào Cai theo ngòi Đum hướng về núi chính. Thế, nên tùy vào lực gió, lượng mây, hướng sáng của mỗi luồng, mà từ vị trí quan sát thuận lợi của Hầu Trư Ngài, chúng ta sẽ được chứng kiến những vũ điệu tuyệt kỹ của mây mà không nơi nào ví được.
SÉO MÝ TỶ
Từ trung tâm xã Tả Van - Sa Pa, theo con đường độc đạo chừng 10km, chênh nhau 1000m so với mực nước biển là Séo Mý Tỷ - Ốc đảo chốn lưng trời.
Séo Mý Tỷ gồm 7 họ người H’mông với 150 hộ dân. Bản do họ Giàng là họ đầu tiên di dân đến lập bản, đến nay đã được 6 đời người.
Đường tới Séo Mý Tỷ phải qua Tà Tênh Xênh ( Bãi Cỏ Lác), nơi chỉ có đất đá ong, hiếm loài cây nào có thể sống được ngoài cỏ lác và hoa mua tím. Ngày xưa, đây là con đường mòn xuống núi mua muối, dầu...của người dân tộc. Séo Mý Tỷ dường như sống cuộc sống tự cung, tự cấp. Cán bộ, giáo viên được điều lên đây công tác quả thật là gian khổ vô cùng. Năm 2006, khi xây dựng hồ thuỷ điện Séo Mý Tỷ, người ta xây dựng con đường bê tông để phục vụ thuỷ điện và cuộc sống của người dân. Nhưng do độ dốc lớn, thêm vào là thời tiết cực kỳ khắc nghiệt nên con đường bê tông đó đã bị hư hỏng nặng. Giao thông đi lại lại khổ gần bằng lúc chưa làm đường.
Séo Mý Tỷ có hồ thuỷ điện với diện tích mặt nước rộng hơn 60ha. Nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Hoàng Liên Sơn, thảm Động - Thực vật ở đây còn khá đa dạng và phong phú.
Dù sống biệt lập, nhưng đời sống của người dân ở đây khá ổn định với nguồn thu chính từ nuôi cá nước lạnh, trồng thảo quả, lúa, chăn nuôi đại gia súc, và các nguồn thu khác từ rừng.
Một vùng đất này cũng thật xinh đẹp và bình yên.
DỀN THÀNG
Từ Séo Mý Tỷ đi sâu ngang thêm vào lưng núi chừng 10km nữa là đến Dền Thàng nơi có dòng suối cây Pơ Mu (Đề Cháng Cha). Ven dòng suối này có rừng Pơ Mu với nhiều cây Pơ Mu cổ thụ. Từ một khúc suối, nước đổ vào 3 cái gian ao. Cá trong mấy ao này rất nhiều, nên người ta gọi chỗ này là Dền Thàng - Ao Cá.
Ngay vách Ao Cá trong cùng cũng là vách đá giáp bờ suối. Có mạch nước ngọt chảy ra uống vào ngọt thỉu. Muông thú thường đến uống nước ở mạch nước ngọt, rồi chúng chọn cái hang ngay bên suối làm nơi cư ngụ.
Dền Thàng là một bình nguyên dựa lưng vào chót vót rặng núi Fansipan, rất thuận tiện cho việc ẩn cư hoặc phòng thủ. Đất này do hai anh em- anh vợ và em cậu họ Sùng, họ Hầu chạy loạn Thái Bình Thiên Quốc mà dẫn gia đình đến đây ẩn dật. Chốn thâm sơn, cùng cốc nhưng cũng là đất địa linh. Nơi này sản sinh ra nhiều người tài xuất chúng.
Ý LÌNH HỒ
Nghe tên gọi ai cũng nghĩ đây là tên gọi địa danh theo tiếng Quan Hoả ( Jí Lình Hồ - Dòng suối trong rừng mưa), nhưng thực chất đây là tên của một thủ lĩnh người Dzao Lý Lình Hồ, người đã dẫn dắt người Dzao đến đây lập nghiệp. Sau di cư sang nơi ở khác. Người H'mông đến đây, theo lối gọi cũ của người Dzao mà gọi nơi ở của mình là Lý Lình Hồ, sau nhiều người đọc chệch là Ý Lình Hồ.
Ý Lình Hồ trước đây là một vùng đất khắc nghiệt, nơi đây núi tụ mây nên suốt ngày mưa, suốt tháng mưa, suốt năm mưa, khổ cực vô cùng. Nơi đây chằng chịt loài cây Mây, âm u, cô tịch. Lũ ma rừng vật vờ trêu người, bọn hổ báo chọn đây làm hang ổ ra bản rình mò vồ trâu ngựa, cắp lợn gà của dân nhiều lắm. Sau dân đến ở nhiều, lũ hổ báo chạy đi đâu mất. Ý Lình Hồ có vẻ đẹp vô cùng hoang sơ, thơ mộng như có khe suối, ruộng bậc thang, nương ngô... Bên trong bản là những căn nhà được làm từ tre, nứa thô sơ, giản dị. Điều kiện sống nghiệt ngã đã tôi luyện cho người H'mông nơi đây một ý chí sắt đá.
Mấy năm gần đây, đường xá đi lại thuận tiện hơn, nên đời sống của dân Ý Lình Hồ đã tốt hơn trước nhiều. Đứng bên này núi nhìn sang thấy mọc lên thêm nhiều nóc nhà to, mới. Nghèo nhưng đẹp và giữ được nếp xưa nên khách du lịch thường chọn con đường từ Sa Pa qua Ý Lình Hồ để đi men theo chân núi xuống Lao Chải - Tả Van hoặc mạo hiểm hơn chút thì sẽ xuyên chéo qua Ý Lình Hồ lên Séo Mý Tỷ.
Ở mỗi bản làng quanh thị trấn Sa Pa đều có những vẻ đẹp hùng vĩ và thơ mộng riêng. Hãy bắt đầu hành trình khám phá những bản làng ấy để tìm hiểu, trải nghiệm và tận hưởng những điều thú vị về thiên nhiên và con người nơi đây. Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã rút ngắn thời gian di chuyển. Từ Hà Nội lên Sa Pa chỉ còn 5 tiếng, giấc mơ đến Sa Pa gần như một giấc ngủ trưa. Sa Pa không còn xa.