Kết quả giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung, kết quả giảm nghèo thời gian qua nhanh, nhưng tính bền vững chưa cao. Đồng thời, Bộ trưởng đốc thúc các địa phương giải ngân nhanh tiền giảm nghèo.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung so sánh hai giai đoạn để thấy sự thay đổi tích cực. Cụ thể, trước năm 2016, giảm nghèo tập trung vào vấn đề cải thiện thu nhập.

giam-ngheo-17092021-1700359928.jpg
Gia đình ông Đinh Văn Điểm, dân tộc Mường ở khu Đông Thịnh, xã Yên Lãng, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) vay vốn chương trình hộ cận nghèo đầu tư nuôi trâu sinh sản, trồng rừng, gia đình có thêm việc làm, có cơ hội thoát nghèo bền vững. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Sau đó, các tiêu chí được đề ra thêm từ năm 2016 và đến nhiệm kỳ từ năm 2021, mục tiêu giảm nghèo nâng lên một bước, không chỉ hướng tới việc nâng cao thu nhập của các hộ nghèo, mà còn cải thiện cả các mặt thiếu hụt khác về xã hội, không giảm nghèo đơn thuần mà giảm nghèo đã chiều, theo yêu cầu cao hơn. Trong đó các yếu tố bao trùm, bền vững được đặt lên hàng đầu.

"Nhìn chung, 2 nhiệm kỳ liên tiếp, yêu cầu đề ra với công tác giảm nghèo rất cao mà khó nhất là sự thay đổi tư duy, chuyển sang giai đoạn thoát nghèo bền vững. Thoát nghèo đã khó, thoát nghèo bền vững còn khó khăn hơn", Bộ trưởng nhận định.

Khó hơn vì những nơi thuận lợi, có khả năng thoát nghèo sớm đã cơ bản giải quyết được, phần còn lại là những vùng lõi nghèo. Đó là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa - những nơi có điều kiện khó khăn toàn diện, cả về lao động, về kinh tế, vốn, tư duy.

Dù vậy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, khách quan mà nói, đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như vậy nhưng 3 năm qua, kết quả giảm nghèo đạt được rất lớn.

"Với công tác giảm nghèo, bằng tất cả sự khiêm tốn, có thể nói Việt Nam đã đạt kết quả rất tốt, đáng được ghi nhận. Từ một nước đói nghèo, phải lo cái ăn, nay Việt Nam đã phát triển vượt bậc, hướng đến cuộc sống sung túc, hạnh phúc. Thực tế, Liên hợp quốc đã đánh giá Việt Nam là một điểm sáng trong công tác giảm nghèo", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thực sự là một cuộc cách mạng của toàn xã hội.

Hiện, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam ở diện thấp. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn chứng: Thời điểm 10 - 15 năm trước, giai đoạn 2007 - 2008, khi làm Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc, ông đi Lào Cai, đến huyện Bát Xát, được báo cáo đến 80 - 90% số hộ dân thuộc diện nghèo. Nay trở lại Bát Xát, thu nhập trung bình của người dân đều đạt trên 20 triệu đồng/năm.

Dù vậy, Bộ trưởng LĐTBXH cũng thừa nhận, xét về tiêu chí giảm nghèo bền vững thì còn nhiều vấn đề. Kết quả giảm nghèo nói chung nhanh nhưng tính bền vững chưa cao. Nhiều hộ gia đình có thể trở lại diện nghèo sau một biến cố như thiên tai, địch họa, đau ốm, mất nhà, thậm chí là mất một vài con bò.

Bên cạnh đó, chương trình giảm nghèo giai đoạn này đã bước sang năm thứ 3,  nhưng nhiều khâu, nhiều việc còn chậm, trì trệ, tư tưởng trông chờ vào nhà nước còn phổ biến, cấp trên thúc làm mà cấp dưới chần chừ, e sợ.

Về các giải pháp, trước hết, với tình trình giải ngân chậm của chương trình, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết sẽ trình Quốc hội để điều chuyển kinh phí của năm 2022 - 2023 sang 2024. Dù vậy, ông vẫn đốc thúc từ nay tới cuối năm, tập trung giải ngân những nội dung khả thi.

"Có tiền mà không giải ngân được thì làm sao đầu tư cho phát triển? Như vậy là có lỗi với người dân. Tôi khẳng định, việc giải ngân chậm là do cán bộ chứ không phải do người dân", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin

Về nội dung hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp và dạy nghề, Bộ trưởng chỉ rõ những điểm vướng mắc. Ông nhận định hướng tháo gỡ là phải có chính sách để trường nghề được dạy văn hóa, để học sinh cấp 3 có thể vừa học nghề và học văn hóa cùng lúc.

Về mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát, kế hoạch đề ra đến năm 2025 là phải xóa trên 100.000 căn nhà thuộc diện này ở 74 huyện nghèo. Tổng số vốn bố trí cho hoạt động này là 4.000 tỷ đồng. Quốc hội cũng đã đồng ý phân bổ ngân sách nhiều hơn cho hoạt động này trong những năm tiếp theo.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định "hiện đã có tiền" và yêu cầu các địa phương mạnh dạn giao chỉ tiêu thực hiện, hỗ trợ người dân cụ thể đến từng người đứng đầu.

Đối với việc chăm lo cho trẻ em, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: "Đi miền núi vẫn thấy trẻ em bé còi. Nghịch lý là tiền cho hoạt động chăm lo dinh dưỡng cho trẻ nghèo đã có mà chưa giải ngân được, cấp phát muộn. Chậm, muộn trong thực hiện chính sách, theo ông, dẫn đến những hệ quả có thể phải khắc phục bằng cả thế hệ”.