Hợp tác công – tư trong chuyển đổi số quốc gia

Chuyển đổi số đã trở thành mục tiêu quan trọng của xã hội hiện đại, Chính phủ và doanh nghiệp đều luôn tìm cách ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số để thúc đẩy tăng trưởng và hiệu quả tuy nhiên, để đạt được chuyển đổi số quốc gia thành công đòi hỏi không chỉ là công nghệ mà cần có sự hợp tác giữa hai khu vực công và tư.

Quan hệ đối tác công tư (PPPs) đã nổi lên như một chiến lược quan trọng, một giải pháp khả thi để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia tại Việt nam, bằng cách tập hợp các nguồn lực và chuyên môn của cả hai khu vực và chính PPPs có thể thúc đẩy nhanh quá trình phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, thúc đẩy đổi mới và điều phối các nỗ lực chính sách thực hiện.

Việt nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông nam á, với bối cảnh kỹ thuật số đang mở rộng nhanh chóng. Tuy nhiên, Việt nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể về hạ tầng kỹ thuật số, kết nối và đầu tư. Để giải quyết vấn đề thách thức này chính PPPs sẽ giúp cho sự hợp tác giữa Chính phủ và khu vực tư nhân cùng đầu tư và đưa ra sáng kiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi số 

Vai trò của PPP trong hạ tầng công nghệ thông tin

Từ cuối những năm 1990, các nước phát triển đã áp dụng PPPs trong xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin nhằm cung cấp dịch vụ công đặc biệt cho các quốc gia đang phát triển và mới nổi. Các chính phủ đã nỗ lực tăng cường kết nối thông qua đổi mới và mở rộng băng thông do vậy PPPs là một giải pháp cho việc thiếu chi phí đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin vì nó sẽ tạo ra một loạt các hệ thống đường trục cáp quang, hệ thống vệ tinh, mạng cột di động, tách nhóm vòng cục bộ, chứng khoán hóa, và các dịch vụ video và điện thoại.

Công nghiệp 4.0 đã tạo ra các thị trường công nghệ thông tin – truyền thông mới do sự biến đổi nhanh chóng của môi trường. Ngoài ra, nhu cầu đổi mới công nghệ ngày càng tăng đã làm vượt quá ngân sách của khu vực công và các hoạt động thương mại vì các ứng dụng di động và kết nối Internet chủ yếu thúc đẩy phần lớn các dự án PPPs liên quan đến công nghệ thông tin gần đây.

picture1-1683684548.png
Ảnh minh họa

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số chính là xương sống của bất kỳ chiến lược chuyển đổi số các quốc gia trên thế giới. Điều này không chỉ bao gồm cơ sở hạ tầng vật lý như mạng băng thông rộng, phần mềm, phần cứng, dịch vụ và trung tâm dữ liệu mà còn cả các chính sách, các qui định chi phối việc triển khai và sử dụng của hệ thống

PPPs có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật bằng cách tận dụng thế mạnh giữa hai khu vực. Khu vực công có thể cung cấp tài chính và khuôn khổ qui định cũng như khả năng tiếp cận các nguồn lực công, khu vực tư nhân có chuyên môn hóa trong các lĩnh vực như thiết kế mạng, an ninh mạng và điện toán đám mây. Bên cạnh đó, PPPs có thể gúp thu hút đầu tư nước ngoài vào trong nước, có thể thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số và tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới cho người dân.

Nhà lãnh đạo kỹ thuật số

Lãnh đạo hiệu quả và quyết tâm là điều vô cùng cần thiết để thúc đẩy chuyển đổi số ở cấp quốc gia. Điều này không chỉ đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao mà còn có khả năng điều hướng các môi trường chính trị và kinh tế phức tạp.

PPPs có thể giúp các nhà lãnh đạo trau dồi khả năng chuyển đổi số bằng cách tạo cơ hội hợp tác và chia sẻ kiến thức giữa khu vực công và tư bằng cách làm việc cùng nhau, chỉa sẻ và phát triển tầm nhìn chung trong chiến lược chuyển đổi số, đồng thời xây dựng các kỹ năng và khả năng cần thiết để đạt được tầm nhìn đó. Điều này có thể dẫn đến việc ra quyết định nhanh hơn, hiệu quả hơn, trách nhiệm giải trình cao hơn và kết quả tốt hơn cho người dân trong quản trị đất nước.

Đổi mới sáng tạo

Đổi mới sáng tạo là động lực chính của chuyển đổi số quốc gia, tạo điều kiện cho các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới xuất hiện. Tuy nhiên, đổi mới sáng tạo có thể là thách thức khó đạt được trong môi trường quản lý phức tạp. PPPs có thể cung cấp mảnh đất màu mỡ cho sự đổi mới bằng cách tập hợp các nguồn lực đa dạng lại với nhau, kết hợp sự linh hoạt và sáng tạo của khu vực tư nhân cũng với qui mô và ổn định của khu vực công, PPPs có thể giúp thúc đẩy nhanh quá trình phát triển và áp dụng các giải pháp đổi mới.

PPPs có thể đổi mới bằng cách hỗ trợ kinh phí, chuyên gia, nguồn lực để hỗ trợ nghiên cứu phát triển. Họ cũng có thể tạo điều kiện hợp tác giữa các công ty khởi nghiệp, các trường đại học, và các doanh nghiệp để tạo ra những giải pháp mới và thúc đẩy phát triển kinh doanh

Phối hợp chính sách

Điều phối chính sách hiệu quả là rất quan trọng để đạt được mục tiêu chuyển đổi số quốc gia vì nó liên quan đến việc điều chỉnh các chính sách, qui định và tiêu chuẩn của các ngành và các cấp chính quyền khác nhau để đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ và chặt chẽ.

PPPs có thể giúp tạo điều kiện phối hợp các chính sách bằng cách tập hợp các bên liên quan từ trung ương đến các ngành, các cấp địa phương khác nhau để thực hiện việc xây dựng chiến lược và chính sách chung bằng cách làm việc cùng nhau, các nhà hoạch đinh chính sách và lãnh đạo ngành có thể xác định những thách thức và cơ hội, cùng phối để cùng giải quyết nhưng khó khăn và điều này dẫn đến chia sẻ sử dung tài nguyên hiệu quả hơn, cải thiện cung cấp dịch vụ hiệu quả hơn cho người dân.

Thách thức và rủi ro trong hợp tác PPPs

Mặc dù PPPs mang lại nhiều lợi thế nhưng chúng cũng kéo theo những rủi ro và trở ngại. Một trở ngại đáng kể liên quan đến việc đảm bảo sự công bằng của quan hệ đối tác và sự liên kết lợi ích giữa khu vực công và khu vực tư.

Có nhiều nguy cơ xung đột lợi ích, đặc biệt là ở các quốc gia có nền quản trị kém do vậy qui định và hướng dẫn rõ ràng, cơ chế giám sát là rất quan trọng để tránh được rủi ro này. Để tối đa hóa lợi ích của PPPs đối với chuyển đổi số, điều quan trọng là phải tuân thủ theo các phương pháp hay nhất trong quá trình triển khai, bao gồm thiết lập các mục tiêu rõ ràng, lựa chọn đối tác dựa trên chuyên môn và kinh nghiệm đã từng triển khai đồng thời xác định vai trò và trách nhiệm của mỗi bên.

Điều quan trọng hơn nữa là đảm bảo rằng quan hệ đối tác minh bạch và trách nhiệm giải trình với các báo cáo đánh giá thường xuyên về tiến độ mong muốn của dự án. Cuối cùng, cũng cần một chiến lược rút lui rõ ràng trong trường hợp quan hệ đối tác không thành công.

Tăng cường hợp tác công – tư trong chuyển đổi số ngành du lịch

Trong 9 tháng đầu năm, Việt nam đã đón hơn 1,8 triệu lượt khách quốc tế, đạt khoảng 30% kế hoạch trong năm. Các chuyên gia đã đề xuất chương trình hợp tác công – tư trong chuyển đổi số như một động lực phát triển du lịch quốc tế và phục hồi ngành du lịch Việt Nam.

Việt nam được sếp thứ nhất trong 25 quốc gia có tốc độ phục hồi hàng không nội địa nhanh nhất thế giới sau đại dịch, cùng tiềm năng lớn của ngành hàng không và sự qui hoạch linh hoạt các sân bay nhỏ đã làm gia tăng kết nối và phát triển du lịch do vậy hợp tác công – tư chính là chìa khóa mở ra cánh của du lịch quốc tế sau đại dịch.

Đầu tư theo hình thức đối tác công tư là một trong những hình thức đầu tư được ghi nhận trong Luật Đầu tư Theo phương thức đối tác công tư Quốc hội thông qua năm 2020 và được quy định chi tiết trong Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 15/2015/NĐ-CP thì đây là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện, quản lý, vận hành dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công. Đây là một hình thức đầu tư ở tầm vĩ mô và dài hạn.

Quan hệ đối tác công – tư đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia bằng cách tận dụng sức mạnh giữa hai khu vực, PPPs có thể thúc đẩy nhanh quá trình phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, thúc đẩy đổi mới, trao dồi kỹ năng lãnh đạo kỹ thuật số và điều phối trong hoạch định chính sách.

Với cách tiếp cận phù hợp PPPs có thể khai thác tiềm năng công nghệ kỹ thuật số để thúc đẩy tăng trưởng, thịnh vượng và tiến bộ xã hội. PPPs yêu cầu lập kế hoạch, quản lý chặt chẽ, cam kết vì mục tiêu chung và mang lại giá trị cao. Ngoài ra, các quan hệ đối tác này có thể đảm bảo rằng lợi ích của chuyển đổi số được chia sẻ rộng rãi và công bằng, thúc đẩy hội nhập kinh tế, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân trong thời đại kỷ nguyên số./.

TS. Nguyễn Hoàng Hiệp (Đại học Lincoln, Malaysia/ Phó Viện trưởng Viện NC Tin Học & Kinh Tế Ứng Dụng)