Học sinh kể về việc bị nhà trường “vận động” không thi tốt nghiệp và những áp lực tâm lý

Với những học sinh từng lọt vào “danh sách đen” được nhà trường “vận động" không thi tốt nghiệp, không chỉ có lo lắng về việc mình có được thi hay không, mà còn là sự xấu hổ, ngại ngùng với bạn bè, thầy cô và cả áp lực từ phía gia đình.

N.Đ.H cựu học sinh Trường THPT Tự lập (Mê Linh, Hà Nội) vừa tốt nghiệp năm 2021, nhưng đến nay khi nghe những thông tin chia sẻ trên mạng xã hội, báo chí về việc học sinh được nhà trường “vận động” không thi chuyển cấp, N.Đ.H lại thấy hình ảnh của mình trong đó vào 1 năm trước khi cũng được “vận động” không thi tốt nghiệp THPT để tránh ảnh hưởng đến thành tích chung của nhà trường.

N.Đ.H cho biết, khi học lớp 12 Trường THPT Tự Lập (Mê Linh, Hà Nội) vì học kém một số môn như Toán, Tiếng Anh, điểm thi thử các môn này thường xuyên ở mức thấp dưới trung bình, nên H. đã được nhà trường mời riêng lên phòng hội đồng để thông báo nếu điểm thi thử và lực học không tiến bộ thì không nên thi tốt nghiệp THPT.

tu-lap-me-linh-1650681187.jpg
Trường THPT Tự Lập, Mê Linh, Hà Nội. (Ảnh: Facebook THPT Tự Lập)

“Những lần thi thử điểm của em không ổn định, có môn điểm khá, có môn lại rất thấp, nên nhà trường nói rằng em phải cố gắng phải chắc chắn đỗ mới cho thi, nếu không trường sẽ cấp chứng nhận hoàn thành chương trình lớp 12. Em tự nhận thấy bản thân mình yếu kém ở một số môn học, trong đó có môn Toán và Tiếng Anh, những môn còn lại để thi tốt nghiệp em vẫn tự tin mình có thể học và thi được, nhưng em đã cố gắng rất nhiều. Khi nhà trường nói rằng nếu thi trượt sẽ ảnh hưởng đến thành tích chung của trường, khuyên em không nên thi, em cũng đã rất buồn, nhưng em vẫn quyết tâm thi bằng được”, N.Đ.H chia sẻ.

Sau nhiều nỗ lực, N.Đ.H vẫn thừa điểm để đỗ tốt nghiệp THPT, nam sinh chia sẻ bản thân cảm thấy đúng đắn khi thời điểm đó quyết tâm và nỗ lực thi bằng được: “Nếu em không thi, em đã đánh mất cơ hội của mình, em nghĩ mình có quyền được thi và thực sự cố gắng rất nhiều để học và thi. Thời điểm đó, em không chỉ lo lắng liệu mình có được thi hay không mà còn chịu áp lực từ phía gia đình vì nhà trường gặp trực tiếp phụ huynh để vận động không nên để em thi tốt nghiệp”.

N.Đ.H hiện tại đã tốt nghiệp THPT và đang học việc tại một doanh nghiệp với vị trí chăm sóc khách hàng, H. cho rằng, tấm bằng tốt nghiệp THPT không chỉ giúp em tìm kiếm việc làm, mà việc vượt qua kỳ thi cũng là một lần thử thách để vượt qua chính mình, vượt qua những định kiến, suy nghĩ của những người xung quanh.

Cũng tưng tự như N.Đ.H, N.H.L cựu học sinh Trường THPT Tự Lập (Mê Linh, Hà Nội) vừa tốt nghiệp năm 2021 cũng cho biết, khi học lớp 12 nhiều lần nhà trường thông báo công khai trước lớp về việc học sinh có học lực yếu kém không nên thi để tránh ảnh hưởng đến thành tích chung của nhà trường.

“Nhà trường thông báo sẽ mở một lớp riêng cho những học sinh có học lực yếu kém, sau đó cử giáo viên bồi dưỡng, nếu học sinh nào học kém sẽ không được thi. Các thầy cô giáo chủ nhiệm cũng sẽ bị ảnh hưởng, hạ bậc thi đua nếu lớp có học sinh không đỗ tốt nghiệp. Nhiều thầy cô dù rất muốn học sinh mình được đi thi, nhưng vì sức ép từ trên nên các thầy cô vẫn phải chuyển lời đến học sinh. Khóa của em mỗi lớp đều có 1-2 bạn nằm trong danh sách đen có nguy cơ không được thi tốt nghiệp”, N.H.L chia sẻ.

Dù không nằm trong danh sách “đen” trên, nhưng N.H.L cũng rất bức xúc trước cách làm trên của nhà trường: “Nhiều bạn trong lớp em rất ngoan, chịu khó, nhưng học lực kém, nhà trường lại không muốn cho các bạn đi thi vì sợ ảnh hưởng đến thành tích chung. Các thông tin đều được nói công khai trước lớp, với học sinh lớp 12, đã lớn như chúng em, bất cứ ai rơi vào hoàn cảnh đó đều cảm thấy xấu hổ, tự ti với bạn bè, gia đình. Các bạn không chỉ lo sợ áp lực không được thi mà còn gặp phải nhiều áp lực tâm lý khác từ nhà trường, gia đình… Chúng em rất bức xúc, nhưng vì sợ nên không dám phản đối nhà trường, chỉ có thể nói chuyện, tâm sự với nhau để vơi bớt đi những bức xúc. Nhiều lần chúng em có nói với giáo viên chủ nhiệm nhưng thầy cô cũng không dám lên tiếng vì sẽ bị hiệu trưởng chỉ trích”, N.H.L chia sẻ.

Trong đơn thư gửi Báo điện tử VOV mới đây, một số giáo viên trường THPT Tự Lập (Mê Linh, Hà Nội) cũng cho biết năm học 2020-2021 Ban Giám hiệu yêu cầu giáo viên chủ nhiệm lớp 12 kê khai danh sách những học sinh yếu kém, sau đó gọi riêng từng em lên vận động không thi tốt nghiệp THPT.

“Vì lý do nếu thi không đỗ sẽ ảnh hưởng đến kết quả thi tốt nghiệp THPT của trường, nên nhà trường đã giao cho giáo viên chủ nhiệm lớp 12 rà soát các em học sinh yếu kém, nếu giáo viên không thực hiện được thì phải chịu trách nhiệm với nhà trường. Thông tin này được nêu ra tại cuộc họp giáo viên chủ nhiệm ngày 21/4/2021. Đáng nói trong đó có một học sinh lớp 12 A2 rất chăm chỉ nhưng học yếu do em gặp vấn đề sức khỏe, khả năng nghe nói kém, nên đã “được” giáo viên chủ nhiệm lớp “động viên thành công” không thi tốt nghiệp để tránh ảnh hưởng đến thành tích của nhà trường. Có học sinh không thể động viên được thì nhà trường ép thi riêng một mình một phòng để tạo áp lực”, một số giáo viên nêu rõ trong đơn thư gửi VOV.VN.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, một số giáo viên trong trường cũng xác nhận việc mình nhận được chỉ đạo “miệng” từ hiệu trưởng, yêu cầu giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn rà soát từng lớp, với những học sinh học lực kém, vận động các em chỉ nhận giấy chứng nhận hoàn thành hết lớp 12 và không tham gia thi, tránh ảnh hưởng đến thành tích của nhà trường.

Việc vận động học sinh không thi chuyển cấp đang gây xôn xao dư luận những ngày gần đây, câu hỏi đặt ra là mục đích của việc này nhằm hướng tới hướng nghiệp tốt hơn cho các em hay vì để bảo vệ thành tích “ảo” của lãnh đạo một số trường?/.