Học ngành nào để trở thành “nhạc trưởng” trong dự án xây dựng?

Lương Đàm
Ngành Quản lý xây dựng đóng vai trò trung tâm trong việc đảm bảo sự thành công của các dự án xây dựng. Được ví như "nhạc trưởng" của một bản giao hưởng, các chuyên gia quản lý xây dựng không chỉ điều phối các yếu tố kỹ thuật mà còn phải phối hợp nhịp nhàng với nhiều bên liên quan để dự án được thực hiện một cách hoàn hảo.
22-1024x705-1723948554.jpg
Nhà quản lý xây dựng đóng vai trò trung tâm trong các dự án xây dựng. Ảnh: Internet

Vì sao ngành Quản lý xây dựng quan trọng đến vậy?

Theo Quyết định số 179/QĐ-TTg ngày 16/2/2024, Chính phủ đặt mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa và diện tích đất xây dựng đô thị gia tăng trong những năm tới, điều này đòi hỏi sự góp mặt của đội ngũ nhân sự chất lượng cao trong ngành Quản lý xây dựng.

Nhân sự ngành Quản lý xây dựng được ví như nhạc trưởng điều hành một dàn nhạc giao hưởng. Họ đảm nhận nhiều vai trò quan trọng từ giai đoạn chuẩn bị dự án đến khi hoàn tất và thanh quyết toán.

Tiến sĩ Đinh Công Tịnh, Trưởng bộ môn Quản lý xây dựng tại Khoa Xây dựng, Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh rằng ngành này không chỉ quản lý dự án, lập dự án, đấu thầu, lập dự toán, tổ chức và giám sát thi công, mà còn tham gia vào quản lý doanh nghiệp xây dựng, nhằm đảm bảo hiệu quả và thành công của dự án.

Cơ hội việc làm trong ngành Quản lý xây dựng

Với sự gia tăng quy mô và số lượng các dự án xây dựng, ngành Quản lý xây dựng đối mặt với nhiều thách thức như quản lý ngân sách, lịch trình và chất lượng công trình. Ông Dương Minh Trí, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VictoryCons, cho rằng việc đào tạo bài bản trong ngành này giúp nâng cao năng suất lao động và giảm lãng phí tài nguyên. Sinh viên ngành Quản lý xây dựng có cơ hội đảm nhận nhiều vị trí quan trọng, từ vai trò chuyên viên tư vấn đến các vị trí quản lý trong các dự án xây dựng, bao gồm:

Chuyên viên tư vấn: Thực hiện công tác quản lý dự án, lập dự án đầu tư, lập dự toán, đấu thầu, và giám sát thi công xây dựng tại các công ty tư vấn, Ban quản lý dự án, và các chủ đầu tư dự án bất động sản.

Chuyên viên kỹ thuật: Triển khai thi công và nghiệm thu, thanh quyết toán công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp tại các đơn vị thi công.

Chuyên viên quản lý dự án: Làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, kiểm toán và thanh quyết toán vốn xây dựng cơ bản.

Chuyên viên nghiên cứu và giảng dạy: Đảm nhận vai trò nghiên cứu, giảng dạy tại các trường cao đẳng, đại học hoặc làm việc tại các viện, trung tâm nghiên cứu trong lĩnh vực xây dựng.

Tố chất và kỹ năng cần thiết để thành công

Để thành công trong ngành Quản lý xây dựng, sinh viên cần phải có niềm đam mê và yêu thích nghề nghiệp. Tiếp đó, sinh viên cần có những tố chất sau để thành công trong ngành: Khả năng tính toán chính xác; cẩn thận và tỉ mỉ trong công việc; tư duy logic và khả năng tổ chức, sắp xếp công việc; tinh thần trách nhiệm và quyết đoán; năng động và thích ứng với môi trường xung quanh.

Những tố chất này sẽ giúp sinh viên không chỉ hoàn thành tốt công việc mà còn phát triển và thăng tiến trong sự nghiệp xây dựng.

Lương Đàm (Tổng hợp)