Theo truyền thống, Tết Lào diễn ra trong suốt tháng thứ năm Phật lịch, bắt đầu từ ngày thứ sáu của tháng thứ năm và kết thúc vào ngày thứ năm của tháng thứ sáu. Tết té nước Lào diễn ra trong 3 ngày. Ngày đầu tiên cũng là ngày cuối cùng của năm cũ, người dân Lào lau dọn sạch sẽ trong nhà ngoài ngõ. Ngày thứ hai không được tính đến vì đó là giao thời giữa năm cũ và năm mới. Hội bắt đầu vào ngày cuối cùng với nhiều hoạt động tưng bừng khắp nơi. Ngày cuối cũng là ngày kết thúc tuần trăng. Năm nay, Tết Lào rơi vào các ngày 14-15-16/4.
Vào ngày đầu tiên của Tết Lào (ngày cuối cùng của năm cũ), buổi sáng người Lào quét dọn, lau chùi nhà cửa sạch sẽ, chuẩn bị nước thơm và hoa. Nước thơm ở đây là một hỗn hợp gồm nước, nghệ, bồ kết nướng, hoa Khun và dầu thơm. Nước được ướp hương hoa hoặc hương liệu thiên nhiên. Vào buổi chiều, người dân trong làng tập trung ở chùa để làm lễ cúng Phật, cầu nguyện, nghe các nhà sư giảng đạo. Sau đó, người dân rước tượng Phật ra một gian riêng trong 3 ngày và mở cửa để mọi người có thể vào tắm Phật. Nước thơm sau khi tưới lên các tượng Phật sẽ được hứng lại đem về nhà bởi theo quan niệm, đây là nước phúc đức, nước may mắn, do đó họ đưa về nhà rảy lên đầu con cháu, vào mọi thành viên trong gia đình và khắp nhà… với niềm tin sẽ mang lại hạnh phúc và may mắn cho mọi người và đồ vật.
Trong những ngày Tết cổ truyền Bunpimay của Lào, một trong những hoạt động không thể thiếu đó là té nước. Đây được xem là nghi lễ mang tính đặc trưng nhất trong dịp này với ý nghĩa thanh tẩy, gột rửa đi hết những điềm xui rủi, bệnh tật, tội lỗi năm cũ, đón chào một năm tươi mới sắp sang. Để tỏ lòng tôn kính, người trẻ tuổi té nước lên những người lớn tuổi để chúc họ sống lâu và thịnh vượng.
Tất cả mọi người, dù lạ hay quen, dù sang hay nghèo, khi được gia chủ tiếp đón đều nhận những tình cảm ân cần như nhau thông qua những gáo nước sạch và mát dội lên người khi đến thăm để gột rửa điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc năm mới sống lâu, mạnh khỏe. Theo quan niệm của người Lào, người nào càng được té nước nhiều, áo quần ướt đẫm, càng sung sướng vì tin rằng mình sẽ gặp nhiều may mắn trong năm, đồng thời cũng như sự minh chứng là mình được nhiều người yêu mến.
Một hoạt động nữa trong dịp này là đắp tháp cát. Mọi người sẽ rủ nhau ra bờ sông, xúc những xe cát đầy chở về đắp thành những núi cát nhỏ quanh các gốc cây cổ thụ nơi sân chùa. Cát được đắp thành hình tháp giống như một nửa quả dưa hấu được bổ đôi hoặc các hình tháp khác nhau. Ngôi tháp cát lớn nhất được làm ở vị trí trung tâm, bên ngoài là một số ngôi tháp cát nhỏ hơn bao quanh. Ðỉnh núi cát, có cờ đuôi nheo, cờ phướn bằng những dải lụa màu sắc. Có người chăng trên đỉnh và sườn núi cát những chỉ ngũ sắc. Trẻ em chạy vòng quanh các núi cát, người lớn ngắm nhìn và trò chuyện vui vẻ bên những công trình nghệ thuật và cầu nguyện sang năm mới có nhiều điều phúc như những hạt cát trên núi sẽ đến với mọi người.
Trong những ngày đón năm mới, người dân Lào cũng thường phóng sinh cá, chim, rùa để làm việc thiện và con người sẽ được hạnh phúc đúng như lời Phật dạy “làm thiện được hưởng thiện và làm ác sẽ gặp điều ác hay là gieo nhân nào thì gặt được quả ấy.”
Một trong những hoạt động thu hút đông đảo người Lào và du khách tham gia vào các dịp Tết cổ truyền Lào là rước Nàng Chúa xuân (Nang Sangkhane), đây là tập tục có từ thời xa xưa, xuất phát từ một truyền thuyết liên quan tới Bunpimay của Lào, về màn đấu trí giữa Thammabane Cuman, con một phú ông rất nhanh trí và có biệt tài hiểu được tiếng chim và Kabinlaphom, thần 4 mặt của bầu trời được coi là người thông thái nhất.
Ngày nay, để chọn Nàng Chúa xuân, trước dịp Bunpimay, người ta sẽ tổ chức thi hoa hậu để chọn 7 cô gái đẹp người, đẹp nết, làm ăn chăm chỉ và giỏi giang trong cuộc sống. Trong số 7 người đẹp này, người ta tiếp tục chọn ra một người nổi trội nhất để làm Nang Sangkhane. Lễ rước hoàng tráng sẽ diễn ra vào đúng dịp Tết Lào. Vào ngày này, các cô gái được chọn sẽ được đưa lên một chiếc xe trang hoàng rất đẹp, diễu hành qua các đường phố chính. Trên chiếc xe này, Nang Sangkhane sẽ ngồi ở giữa, trên lưng một linh tượng đại diện cho con giáp của năm mới Lào. Sáu người đẹp còn lại ngồi dọc hai bên dưới chân linh tượng, mỗi bên 3 người. Trong đoàn diễu hành, người ta mang mặt nạ Pu Nhơ và Nha Nhơ, theo truyền thuyết là người đàn ông và đàn bà đầu tiên sinh ra dân tộc Lào. Ði theo đoàn rước là một dòng người nối tiếp nhau vừa đi, vừa múa hát trong tiếng trống vang lừng. Người bên đường tươi cười té nước mát cho đoàn hội, chúc nhau những lời đẹp nhất của năm mới…
Năm nay, sau 3 năm không tổ chức hoặc chỉ tổ chức ở quy mô hẹp do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều địa phương của Lào đã lên kế hoạch tổ chức trên quy mô lớn với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: tắm Phật, rước Phật, đi chùa cầu may, té nước, rước Nang Sangkhane, tại cố đô Luang Prabang, để thu hút khách du lịch, chính quyền tỉnh thậm chí còn tổ chức các hoạt động chào mừng Tết cổ truyền kéo dài từ ngày 11-20/4.
Vui từ trong nhà ra ngoài ngõ và thông qua các hoạt động trong năm mới Chính phủ Lào kỳ vọng sẽ thu hút đông đảo du khách, góp phần hoàn thành mục tiêu thu hút 1,4 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm nay, qua đó từng bước dần khôi phục nền kinh tế vốn chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19.