Hải Dương: Kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng

Sáng 28/3, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Phó chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (1904–2024) - lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; bà Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quyền Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam và đại diện Văn phòng Chính phủ; Văn phòng Chủ tịch nước; các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương cùng người thân của cố Phó chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng đã tham dự.

hd-1-1711702181.png
Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng các lãnh đạo Trung ương và tỉnh Hải Dương dâng hương tưởng niệm cố Phó chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng tại khu lưu niệm

Cố Phó chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (bí danh Sao Đỏ, Hai Nam, Triệu Vân...) thường được các lãnh đạo cùng thời gọi là Anh Cả, sinh ngày 2/4/1904, tại thôn Đông, xã Đoàn Lâm, tổng Đoàn Lâm, huyện Thanh Miện (nay là xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) trong một gia đình nghèo có truyền thống yêu nước.

Khi lớn lên, ông Nguyễn Lương Bằng làm nhiều nghề kiếm sống như: Nghề may, phụ bếp, công nhân tàu biển. Năm 1925, sau khi sang Quảng Châu (Trung Quốc), ông Nguyễn Lương Bằng được gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng; được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và theo học lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc tổ chức. Tháng 9/1926, ông rời Quảng Châu về Hải Phòng, làm nhiệm vụ thiết lập đường dây liên lạc Hải Phòng - Hương Cảng (Hồng Kông) - Quảng Châu; chuyển tài liệu, sách báo cách mạng về trong nước; vận động, tuyên truyền cách mạng ở Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình... Từ tháng 10/1927 đến tháng 12/1928, ông vào Sài Gòn tuyên truyền, vận động cách mạng trong công nhân và thanh niên. Tháng 12/1928, ông trở lại Hải Phòng hoạt động trong phong trào công nhân và đi "vô sản hóa". Giữa năm 1929, Tổng bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên điều động Nguyễn Lương Bằng sang công tác ở Hương Cảng (Hồng Kông). Tại đây, tháng 10/1929, ông được kết nạp vào Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng. Tháng 12/1929, ông đến Thượng Hải (Trung Quốc) gây dựng cơ sở trong Việt kiều và binh lính người Việt trong tô giới Pháp.

Năm 1931, Nguyễn Lương Bằng bị mật thám Pháp bắt tại Thượng Hải, áp giải về nước; lần lượt bị giam tại bốt Catina (Sài Gòn), nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), nhà lao Hải Dương. Sau khi bị tòa án thực dân tại Hải Dương kết án phát lưu chung thân, ông lần lượt bị giam tại nhà lao Hải Dương rồi nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội).

hd-2-1711702181.png
Các đại biểu dự Lễ Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng.

Tháng 12/1932, ông vượt ngục và tiếp tục hoạt động cách mạng. Cuối năm 1933, ông bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai và bị tòa án thực dân ở Bắc Giang kết án khổ sai chung thân. Tháng 5/1935, Nguyễn Lương Bằng bị đày lên nhà tù Sơn La.

Tháng 8/1943, cùng một số cán bộ của Đảng vượt ngục thành công và trở về tiếp tục hoạt động cách mạng; ông được Thường vụ Trung ương Đảng giao phụ trách công tác tài chính và công tác binh vận.

Tháng 8/1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (Tuyên Quang), ông được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào (ngày 16 - 17/8/1945) đã bầu ông vào Ban Thường trực Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam.

Từ sau Cách mạng tháng Tám, ông Nguyễn Lương Bằng liên tục là Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, lần lượt giữ các chức vụ: Trưởng ban Kinh tế - Tài chính Trung ương sau đổi thành Ban Tài chính Trung ương (1947 - 1951); Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (1951 - 1952); Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô (1952 - 1956); Tổng Thanh tra Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ (1956 - 1960); Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Đảng (1960-1969); Phó chủ tịch nước (1969 - 1979).

Ngày 20/7/1979, do tuổi cao sức yếu, ông Nguyễn Lương Bằng từ trần, hưởng thọ 75 tuổi. Với 75 tuổi đời, hơn nửa thế kỷ phấn đấu hoạt động cách mạng dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Cố Phó chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng là một tấm gương sáng về một chiến sĩ cộng sản kiên trung, một lãnh đạo tiền bối tiêu biểu hết lòng vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Cố Phó chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng đã được Đảng, Nhà nước truy tặng Huân chương Sao Vàng vì những công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

hd-3-1711702182.png
Bà Nguyễn Tường Vân, con gái cố Phó chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng, phát biểu cảm ơn

Học tập tấm gương ông Nguyễn Lương Bằng

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng nhấn mạnh, kỷ niệm 120 năm ngày sinh Cố Phó chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng, tự hào, trân trọng biết ơn người con ưu tú của dân tộc và quê hương Hải Dương, chúng ta càng thấu hiểu và khắc ghi những bài học cách mạng vô cùng quý giá cho công cuộc xây dựng, phát triển quê hương, đất nước hiện nay.

Trước hết là học tập về lòng yêu nước thiết tha, khát vọng cháy bỏng, ý chí đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, ấm no hạnh phúc cho nhân dân; đó là sự nhanh nhạy và lòng nhiệt thành với lý tưởng cách mạng, kiên định với Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; luôn chủ động, tích cực vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn đấu tranh cách mạng và từ thực tiễn phong trào để phát triển đường lối, sách lược, tổng kết lý luận sâu sát, kịp thời, đúng đắn.

Học tập về tinh thần vượt lên mọi hoàn cảnh để tiếp thu tri thức văn hoá nhân loại, tiếp nhận lý luận cách mạng, chủ động nỗ lực nắm bắt chuyên môn nghiệp vụ theo yêu cầu thực tế.

hd-4-1711702182.png
Ông Trần Đức Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, đọc diễn văn kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Phó chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng

Học tập, rèn luyện về ý chí kiên trung, bất khuất của người cộng sản, trong khó khăn không nản chí, trong hiểm nguy không chùn bước, trong thử thách không lung lạc, trước cái chết không run sợ; dù bất kỳ hoàn cảnh nào cũng luôn giữ gìn khí tiết và tỏa sáng đạo đức của người đảng viên, người lãnh đạo của Đảng.

Học tập về sự gắn kết nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng; tranh thủ thời cơ và sự ủng hộ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cho cuộc đấu tranh cách mạng của Đảng ta, nhân dân ta.

Đó là tinh thần nêu gương sáng về đạo đức của người cộng sản, tình đoàn kết đồng chí trong sáng, luôn dấn thân, sâu sát phong trào cách mạng, luôn tin tưởng và phát huy sức mạnh to lớn của quần chúng cho cuộc đấu tranh vì độc lập tự do của tổ quốc, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân ta.                              

Đức Thắng - Minh Đức