Hà Nội: Lo học sinh trầm cảm, phụ huynh mong con sớm được đến trường

Sau vụ việc kinh hoàng xảy đến với một nam sinh trường chuyên vào ngày 1/4, niềm mong mỏi cho trẻ được đến trường của phụ huynh Thủ đô càng lớn hơn.
z3174353072077-48d3156d7a5003ed70a7abe4e9e826cb-1648872887.jpg
Phụ huynh mong mỏi con được đến trường. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Bao giờ trẻ mầm non, tiểu học và lớp 6 được đến trường là câu hỏi được rất nhiều phụ huynh, học sinh Hà Nội đặt ra những ngày này khi Thủ đô đã qua đỉnh dịch. Đặc biệt, sau vụ việc một nam sinh ở quận Hà Đông nhảy lầu tử vong vào hôm qua, 1/4, niềm mong mỏi ấy lại càng lớn hơn.

Bao giờ con được đến trường?

"Bao giờ con được đến trường?" Chị Phạm Thị Hương (quận Hoàng Mai, Hà Nội) không nhớ nổi đã nghe câu hỏi này của cô con gái học lớp 4 bao nhiêu lần và không lần nào chị có thể đưa ra câu trả lời cho con. Chỉ 4 tuần nữa, đến hết tháng Tư này là tròn một năm con chị cũng như tất cả học sinh từ mầm non đến lớp 6 của Hà Nội phải học trực tuyến ở nhà.

“Suốt một năm không được gặp bạn bè, thầy cô, không sân trường, không vui chơi nô đùa, một năm trời không gian của con chỉ là bốn bức tường với màn hình máy tính và chỉ có một mình vì ban ngày bố mẹ vẫn phải đi làm. Điều đó thật kinh khủng ngay cả với người lớn, chưa nói đến trẻ con vì nhu cầu giao tiếp bạn bè và giải phóng năng lượng của các con vô cùng lớn,” chị Hương chia sẻ.

Vì thế, giống như con gái, chị cũng rất mong mỏi Hà Nội sẽ mở cửa lại trường học. “Hiện Thủ đô đã qua đỉnh dịch, số ca nhiễm giảm mỗi ngày. Số phụ huynh và học sinh bị nhiễm COVID-19 và đã khỏi bệnh cũng rất nhiều. Mọi hoạt động từ ăn uống, vui chơi giải trí đã trở lại bình thường thì tại sao lại không cho trẻ đi học?,” chị Hương bức xúc nói.

Đây cũng là chia sẻ của chị Đỗ Bích Ngọc (Hà Đông, Hà Nội). Chị Ngọc cho hay sau gần một năm con ở nhà, chị không còn quan tâm đến học trực tuyến thì việc tiếp thu kiến thức của con sẽ không đảm bảo nữa, vì chất lượng giáo dục đi xuống đã quá rõ ràng. Điều chị quan tâm hơn là làm sao con có thể phát triển tốt và khỏe mạnh về thể chất và tinh thần, nhất là sau khi một đồng nghiệp ở cơ quan chị đã phải đưa con đi điều trị vì trầm cảm.

Để giảm bớt những áp lực, căng thẳng của con, mỗi chiều, chị đều cố gắng sắp xếp thời gian để con có thể đi đạp xe khoảng một giờ đồng hồ. Cuối tuần, chị đưa con đi chơi ở các điểm vui chơi giải trí quanh Hà Nội, nhất là các công viên với không gian thoáng đãng. “Tuy vậy, con vẫn không có bạn bè, vẫn thiếu sự giao tiếp xã hội, vốn là những điều rất quan trọng với lứa tuổi này. Vì thế, tôi tha thiết mong con được đến trường,” chị Ngọc nói.

hoc-sinh-den-truong-1648868444.jpg
Với lứa tuổi học sinh, đi học còn là để tăng cường giao tiếp xã hội. (Ảnh minh họa)

Nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe tâm thần

Là một chuyên gia tâm lý giáo dục, phó giáo sư Phạm Mạnh Hà, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay với tuổi học trò, ngoài hoạt động chủ đạo là học tập, học sinh cũng cần giao tiếp, kết nối với bạn bè, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh ngoài môi trường xã hội.

Theo chuyên gia này, việc bị đứt gãy các hoạt động này khiến trẻ dễ rơi vào hụt hẫng, cảm thấy cô độc, sợ hãi. Các em cũng phải chịu thêm áp lực học hành khi học trực tuyến không hiệu quả bằng trực tiếp nhưng vẫn phải hoàn thành các loại bài tập, việc tiếp xúc nhiều với máy tính dễ gây mệt mỏi và căng thẳng. Nhiều trẻ còn bị áp lực từ cha mẹ khi bị giám sát suốt cả ngày.

Đưa ra dẫn chứng cụ thể, phó giáo sư Phạm Mạnh Hà cho hay thống kê gần đây của Bệnh viện Sức khỏe tâm thần cho thấy tỷ lệ học, sinh sinh viên đến thăm khám và điều trị tại bệnh viện tặng vọt, chiếm đến 30% trên tổng số bệnh nhân. Theo đó, phó giáo sư Phạm Mạnh Hà cho rằng cần phải có lộ trình để đưa 100% trẻ tới trường.

Là người có hàng chục năm làm công tác quản lý các trường học trên địa bàn Thủ đô, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh cho rằng việc sớm cho học đi học trở lại là cần thiết.

Theo thầy Bình, học sinh có nhu cầu rất lớn về giao lưu bạn bè, cần môi trường giáo dục truyền thống, nơi có thể giao lưu với bạn bè, vui đùa ở sân trường. Đến lớp không chỉ là nhu cầu để học tập kiến thức mà còn là nhu cầu giải tỏa cảm xúc, giải phóng năng lượng, kết nối xã hội.

“Các cơ quan y tế nên có thống kê, nhận xét, đánh giá về chuyên môn để có thể tư vấn cho ngành giáo dục Thủ đô về vấn đề này. Nếu có thể cho học sinh các bậc học dưới đi học trở lại thì nên khẩn trương triển khai để các con có thể sớm hòa nhập với cuộc sống bình thường mới,” thầy Bình khuyến nghị./.