Hà Nam đẩy mạnh công tác giáo dục nghề nghiệp

Thời gian qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông nhằm thu hút học sinh.
nlntv-hn3-7750-1660437344.jpg
Giờ học thực hành của thầy và trò trường Cao đẳng nghề Hà Nam.

Trên địa bàn tỉnh Hà Nam, hiện có 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó, có 5 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 6 trung tâm giáo dục thường xuyên-giáo dục nghề nghiệp và trung tâm giáo dục thường xuyên-hướng nghiệp... với 101 nghề đang được đào tạo ở các cơ sở này. Trong đó, có 16 nghề trọng điểm, 36 nghề hệ trung cấp, 26 nghề đào tạo hệ cao đẳng...

Sau kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023, tỉnh Hà Nam có hơn 3.000 học sinh lớp 9 không trúng tuyển vào các trường trung học phổ thông công lập. Đây là điều kiện rất thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thực hiện công tác tuyển sinh.

Để đáp ứng các yêu cầu dạy và học trong năm học mới, các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên.

Ông Vũ Hiệu Ý, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Hà Nam cho biết: Chuẩn bị cho năm học mới, trường có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên đủ tiêu chuẩn và số lượng để bảo đảm các điều kiện dạy và học. Để sau khi các em tốt nghiệp ra trường đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng tại các doanh nghiệp.

Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”, tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng.

Năm 2022, tỉnh đặt chỉ tiêu cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh khoảng 19.000 học sinh.

Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam: Tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông so những năm trước đã giảm và tiệm cận đến sát với tỷ lệ 60%. Khi mà tỷ lệ tuyển sinh vào các trường trung học phổ thông giảm, các trường nghề cũng sẽ có cơ hội tuyển sinh được các em học sinh chất lượng tốt để nâng cao nguồn nhân lực.

nlntv-hn4-9370-1660437477.jpg
Giờ học thực hành của thầy và trò trường Cao đẳng nghề Hà Nam.


Cùng với việc nâng cao chất lượng đào tạo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thực hiện hiệu quả việc liên kết, tạo việc làm cho học sinh ngay khi ra trường.

Hiện nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đã liên kết với 156 doanh nghiệp, tỷ lệ học sinh ra trường có việc làm ngay đạt hơn 95%.

Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nam khẳng định: Tất cả những học sinh không học trung học phổ thông đều được hướng nghiệp và giới thiệu vào học tại các trường nghề ngay từ đầu. Chính vì vậy, công tác tuyển sinh ở các trường cũng thuận lợi. Năm học này các trường trung cấp và cao đẳng đặt mục tiêu tuyển khoảng 4.000 học sinh vào các hệ đào tạo nghề trung cấp và cao đẳng.

Tuy nhiên có một thực tế là, hầu hết các bậc cha mẹ học sinh đều có chung tâm lý mong muốn con mình đỗ được vào các trường trung học phổ thông để sau này thuận lợi hơn khi có nhu cầu học cao hơn. Với lý do chính là con em họ sau tốt nghiệp trung học cơ sở còn ít tuổi, chưa va vấp, tính tự lập kém, không thích hợp với việc học nghề sớm.

Đối với các nhà trường trung học cơ sở, hoạt động tư vấn học đường và tư vấn nghề cho học sinh trung học cơ sở còn nhiều hạn chế; thiếu hệ thống thông tin về giáo dục nghề nghiệp; thiếu cơ sở dữ liệu về nghề nghiệp, về ngành nghề đào tạo và các cơ sở đào tạo, về cơ hội tìm kiếm việc làm... Trong khi đó, học sinh còn khá thụ động trong việc tự đánh giá năng lực của bản thân, tìm hiểu ngành nghề để lựa chọn hướng đi, nghề nghiệp tương lai cho phù hợp.