Góp sức cho sứ mệnh lan tỏa văn hóa Việt Nam

“Ngoại giao văn hóa” là một trụ cột quan trọng của công tác đối ngoại, góp phần nâng tầm và làm lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
nlntv-dang-hoang-giang-1643179078427135996674-1643781994.jpg
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Đặng Hoàng Giang.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất". Tổng Bí thư cũng chỉ đạo phát huy "sức mạnh mềm" của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược Ngoại giao văn hóa giai đoạn 2021-2030. Trên cơ sở đó, mỗi người dân, chủ thể đều là những nhà "Đại sứ văn hóa" với trọng trách quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam tới cộng đồng quốc tế.

Trong bối cảnh ngoại giao văn hóa đang trở thành một chiến dịch của toàn Đảng, toàn dân, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, đã chia sẻ về vai trò của ngoại giao văn hóa và nêu phương hướng triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030.

Để bảo vệ và phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh tiến trình hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới và khu vực. Trong bối cảnh đó, cộng đồng thế giới hiểu về đất nước, văn hóa, con người và chủ trương, chính sách tiến bộ của Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh và sức mạnh tổng hợp quốc gia.

Thời gian qua, các hoạt động ngoại giao văn hóa được triển khai bài bản, rộng khắp với sự tham gia của nhiều chủ thể bao gồm các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, người dân, doanh nghiệp; triển khai trên diện rộng cả trong và ngoài nước; hướng đến các đối tượng đa dạng: Chính giới, nhân dân thế giới, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, ngoại giao đoàn và người nước ngoài ở Việt Nam dưới nhiều hình thức phong phú.

Hoạt động ngoại giao văn hóa đã góp phần hoàn thành các mục tiêu đối ngoại, đồng thời tôn vinh trí tuệ, phẩm chất, cốt cách, lý tưởng cao đẹp của con người Việt Nam; nâng tầm và làm lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Trong năm 2021, ngoại giao văn hóa của Việt Nam đã ghi được những dấu ấn nổi bật.

Theo đó, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành Chiến lược ngoại giao văn hóa giai đoạn 2021-2030.

Thứ 2, các hoạt động quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam với cộng đồng thế giới, thích ứng trong tình hình mới tiếp tục được triển khai.

Ở lĩnh vực này, Bộ Ngoại giao lần đầu tiên tổ chức "Ngày Việt Nam ở nước ngoài" tại Thụy Sĩ, giới thiệu tới công chúng Thụy Sĩ và các nước châu Âu hình ảnh một Việt Nam có nền văn độc đáo, đậm đà bản sắc; một đất nước thân thiện, giàu sức sống… Tiếp tục triển khai hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài với nhiều hình thức như dựng tượng Bác Hồ tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ; khánh thành biển tưởng niệm Bác tại thành phố Marseille, Pháp; xuất bản sách "Tiểu sử Bác Hồ" và "Bác Hồ viết Di chúc" bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ; khánh thành Không gian trưng bày hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại học Rómulo Gallegos, Venezuela...

Thứ ba, tiếp tục vận động thành công thêm các danh hiệu UNESCO cho Việt Nam (nghệ thuật Xòe Thái, khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa và Kon Hà Nừng, kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và kỷ niệm 250 năm sinh và 200 năm ngày mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương).

Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục thể hiện vai trò, uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế khi được các nước bầu vào Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025 và Ủy ban liên Chính phủ Công ước Bảo vệ và thúc đẩy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa của UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025.

nlntv-livefullyinvietnamhalong-16431791698021492155490-1643782103.jpg
Vịnh Hạ Long-Di sản Thiên nhiên thế giới được giới thiệu rộng rãi với bạn bè quốc tế qua clip "Khám phá Việt Nam-Sống trọn vẹn cùng Việt Nam" của Tổng cục Du lịch.

Để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang cho rằng trước hết cần tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch phổ biến, tuyên truyền, quán triệt Chiến lược với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời, hướng dẫn, phối hợp với các chủ thể liên quan xây dựng chương trình hành động/kế hoạch triển khai Chiến lược trên cơ sở gắn kết việc triển khai Chiến lược ngoại giao văn hóa với việc thực hiện các chiến lược ngành trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Thứ hai, phát huy vai trò điều phối của Bộ Ngoại giao và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; huy động mọi chủ thể và nguồn lực triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả Chiến lược; khuyến khích, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tham gia triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa, kết hợp quảng bá hình ảnh quốc gia và các giá trị văn hóa Việt Nam với quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt.

Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động ngoại giao văn hóa trong và ngoài nước, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tạo điều kiện cho người dân được thụ hưởng tinh hoa văn hóa từ các nền văn hóa khác nhau thông qua việc hỗ trợ, phối hợp với cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa của các nước tại các địa phương khác nhau của Việt Nam.

Thứ tư, tích cực đổi mới, sáng tạo nội dung, hình thức các hoạt động ngoại giao văn hóa; nghiên cứu đề xuất các chương trình ngoại giao văn hóa lớn có tác động lâu dài, rộng rãi; tăng cường ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 và sử dụng các phương tiện truyền thông đa phương tiện mới để truyền tải rộng rãi và hiệu quả hình ảnh và các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới.