Gỡ "điểm nghẽn" hỗ trợ đổi mới công nghệ

Lương Đàm
Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành tại Quyết định 118/QĐ-TTg ngày 25-1-2021, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, có giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”, cần được các cơ quan chức năng tháo gỡ, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ.
khcn-1640054458.jpg
Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông là một trong 16 doanh nghiệp được Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội hỗ trợ đổi mới công nghệ

Mang lại hiệu quả kinh tế

Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ là hoạt động thường xuyên được ngành Khoa học và Công nghệ thực hiện trong nhiều năm nay. Không ít nhiệm vụ khoa học và công nghệ được hỗ trợ đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp và xã hội.

Là một trong những doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước trong thực hiện các dự án khoa học và công nghệ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) Phạm Văn Tài cho biết, dự án khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo xe khách giường nằm cao cấp mang thương hiệu Việt Nam” đã được Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho THACO thực hiện với tổng kinh phí hơn 126,6 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học là 37,2 tỷ đồng. Dự án được triển khai đã tạo ra những thay đổi quan trọng trong việc ứng dụng thành công các công nghệ trên thế giới, như: Công nghệ ép phun, công nghệ chuyển nhựa vào khuôn có hỗ trợ chân không, công nghệ composite định hình khung kim loại, công nghệ tạo hình nhiệt...

“Việc thực hiện dự án thành công đã góp phần nâng cao hàm lượng công nghệ trong sản phẩm xe khách giường nằm của THACO lên 78% và tăng tỷ lệ nội địa hóa xe buýt lên 60%; giảm 15% giá thành các linh kiện nội ngoại thất ô tô. Qua đó, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô và góp phần tạo việc làm cho hàng nghìn lao động”, ông Phạm Văn Tài nói.

Tại Hà Nội, theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn, thành phố đã và đang triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, ứng dụng, đổi mới công nghệ, nhằm nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh, tạo vị thế trên thị trường. Năm 2021, Hà Nội đã hỗ trợ 16 doanh nghiệp thực hiện 16 dự án sản xuất thử nghiệm hoặc đề tài có đối ứng kinh phí, trong đó có 10 nhiệm vụ đang triển khai và 6 nhiệm vụ được phê duyệt mới.

Hà Nội cũng hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ thông qua các chương trình nâng cao năng suất, chất lượng; phát triển tài sản trí tuệ; chuyển đổi số; phát triển công nghiệp hỗ trợ và kế hoạch triển khai các chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ... Ngoài ra, thành phố còn hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ thông qua các đề án thiết lập sàn giao dịch công nghệ, vườn ươm công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...

Tạo thuận lợi tiếp cận vốn, công nghệ

Đầu tư khoa học và công nghệ để chủ động đổi mới sáng tạo và phát triển sản xuất, kinh doanh là con đường tất yếu của doanh nghiệp trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Hồng Hạnh, Tổng Giám đốc Tập đoàn GFS, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ GFS, hiện nhiều doanh nghiệp không mặn mà với nguồn quỹ phát triển khoa học - công nghệ do những quy định về mức hỗ trợ, thủ tục hồ sơ, quy trình thực hiện giải ngân vốn và thanh, quyết toán phức tạp. Hầu hết các doanh nghiệp chỉ sử dụng nguồn quỹ này để thực hiện các đề tài nghiên cứu, dự án sản xuất thử nghiệm hoặc mua sắm trang thiết bị nghiên cứu, mà chưa sử dụng để đầu tư công nghệ phục vụ trực tiếp sản xuất.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cũng thừa nhận, các cơ quan quản lý còn hạn chế trong nhận thức về chấp nhận rủi ro trong đầu tư cho ứng dụng, cải tiến và đổi mới công nghệ. Một số cơ chế ưu đãi thuế cho đầu tư đổi mới công nghệ còn khó thực thi, do chưa có sự đồng bộ trong các quy định pháp luật. Ngoài ra, còn thiếu các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp đưa sản phẩm là kết quả của nghiên cứu, phát triển, đổi mới công nghệ tiếp cận thị trường...

Để tháo gỡ "điểm nghẽn" này, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam cho rằng, Nhà nước nên tạo một số cơ chế ưu tiên, như cho phép cộng đồng doanh nghiệp được khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên quý giá là hàng nghìn công trình khoa học mà Bộ Khoa học và Công nghệ đang quản lý; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, đăng ký công nghệ, có thể theo hướng giao cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm...

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, Bộ sẽ triển khai đồng bộ, tổng thể các giải pháp nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp thông qua các hoạt động hỗ trợ về đổi mới, chuyển giao, ứng dụng và làm chủ công nghệ; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nước ngoài xây dựng các trung tâm nghiên cứu và triển khai, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.