Giữ vững giá trị, linh hồn sáo trúc của người Việt

Sáo trúc có lẽ là loại nhạc cụ xuất hiện rất nhiều trong đời sống sinh hoạt cũng như các hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh cây sáo có mặt cùng với những đứa trẻ chăn trâu, những chàng trai si tình hay các cụ già muốn dành thời gian thảnh thơi, thư giãn cùng với tiếng sáo trúc…
sao-truc-3-1676978997.jpg
Hình ảnh cậu bé chăn trâu thổi sáo giữa cánh đồng cỏ.

Làm sao đưa được nhạc cụ dân tộc vào thế hệ trẻ?

Sáo trúc là một trong những nhạc cụ âm nhạc có lẽ lâu đời nhất trong các loại nhạc cụ dân gian Việt Nam. Bắt đầu từ những thân tre mảnh mai trong vườn nhà, tiếng sáo trỗi lên như ru trẻ trong những giấc trưa oi ả, sáo theo trẻ ra đồng réo rắt trên lưng trâu, cho tới khi tiếng chiều rơi chậm hồn quê. Tiếng sáo thanh bình, ngọt ngào sưởi ấm tâm hồn và đang sống cùng chúng ta từ mái tranh nghèo cho tới những căn phòng máy lạnh nơi thành thị. Đơn giản như vậy nhưng thật ra muốn thu hút tâm hồn của trẻ thì không hề dễ một chút nào.  Những người đi trước, phụ huynh cần cố gắng khơi dậy và thắp lên ngọn lửa đam mê âm nhạc, nhạc cụ dân tộc trong tâm hồn mỗi đứa trẻ, mang tâm nguyện lớn với hy vọng lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc.

Tìm lại chỗ đứng cho âm nhạc dân tộc

sao-truc-1-1676978997.jpg
Nhạc sĩ NSƯT Đỗ Đức Liên (nguyên Trưởng phòng nghệ thuật Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương).

Nhạc sĩ NSƯT Đức Liên, 67 tuổi, phường Phương Mai, Quận Đống Đa, thành phố Hà Nội cho biết: Âm nhạc là một loại hình di sản văn hóa không thể thiếu trong đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Trước hết là trên thông tin đại chúng, nên có các quảng cáo về nhạc cụ dân tộc để đi sâu vào quần chúng nhân dân biết, ngay trong hệ thống sáo trúc có mấy chục loại khác nhau, có nhiều âm thanh khác nhau, mỗi loại sáo là một truyền thuyết những câu chuyện tình rất hay.

Và ông cũng cho biết thêm âm nhạc dân tộc đang bị coi nhẹ, bản thân người dân tộc cũng học các nhạc cụ hiện đại, sử dụng nhạc cụ của mình thì tự ti và cũng không biết học từ ai, có rất nhiều nghệ nhân làm nhạc cụ nhưng độ chuẩn xác về hàng âm đang còn nhiều chênh phô khi mua và học thì đều bị lệch lạc. Muốn chuẩn thì phải đến Hà Nội cái nôi của nền âm nhạc nước nhà, nhưng nhu cầu đến đâu thì làm và dạy đến đấy.

Đưa âm nhạc dân tộc vào trường học

sao-truc-2-1676978997.jpg
Hệ thống sáo được bảo tồn tại nhà riêng của NSƯT Đức Liên.

“Mong muốn của tôi và của rất nhiều nghệ sĩ là được đi sâu vào các bậc tiểu học, trung học để nói chuyện về âm nhạc dân tộc, giao lưu các bạn trẻ để nói các nhạc cụ xuất xứ ở đâu? Âm sắc như thế nào? Làn điệu như thế nào?. Nhưng không được mời và không có cơ hội để phổ biến, nếu được mời như thế thì rất tuyệt vời. Tuy là nghệ sĩ lớn nhưng hoạt động phạm vi chỉ được Nhà nước mời đi biểu diễn tại các địa phương nhưng đi vào trường học thì không có”, NSƯT Đức Liên nói.

Phát huy giá trị di sản âm nhạc dân tộc

Nhắc đến dòng nhạc cổ truyền, nhiều ý kiến cho rằng dòng nhạc này đang trên con đường quên lãng. Thật ra thì đây là dòng nhạc rất đặc biệt, không dễ bị lãng quên. Lịch sử Việt Nam đã trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, chính bom đạn chiến tranh đã đẩy dòng nhạc dân tộc sang một bên khiến chúng ta không có thời gian để giới thiệu hay quan tâm đến âm nhạc. Do đó, dòng nhạc dân tộc không được phổ biến rộng rãi, chứ thực tế mình không thể quên nhạc cổ truyền. Vấn đề lãng quên hay không lãng quên phụ thuộc rất lớn vào sự quảng bá của ngành văn hoá và các ban ngành liên quan.

Để công tác bảo tồn di sản âm nhạc dân tộc hiệu quả cao hơn, các địa phương cần xây dựng phong trào dạy và học nhạc cụ dân tộc sôi nổi hơn, phù hợp với từng dân tộc, cộng đồng, có cơ chế phù hợp về đầu tư kinh phí để thu hút người dạy và học, các hội thi về di sản âm nhạc truyền thống cần có hình thức thu hút, kích cầu qua trao giải… Đặc biệt, lãnh đạo địa phương, các cấp, ngành liên quan cần thấy rõ giá trị âm nhạc cổ truyền của các dân tộc, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các nghệ nhân, nghệ sĩ làm công tác bảo tồn di sản âm nhạc ở mỗi địa phương để động viên, khích lệ tinh thần lao động, sự đam mê, sáng tạo của họ, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có âm nhạc dân tộc.

Nam Lê