Giữ gìn, phát huy, xây dựng và phát triển các hệ giá trị Việt Nam

Ngày 29/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”.
hoi-thao-5-1669774739.jpg
Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 3 điểm cầu: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Thừa Thiên Huế, với sự tham dự của gần 500 đại biểu đại diện cho các cơ quan lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học, những người thực hành văn hóa, các văn nghệ sĩ, các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương.

Hội thảo đã nhận được gần 90 tham luận từ các nhà khoa học, các cơ quan, tổ chức trên mọi miền đất nước của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) và nhận được sự quan tâm cổ vũ của dư luận xã hội trước khi Hội thảo diễn ra. Qua đó khẳng định, Hội thảo là sự kiện văn hóa, chính trị - xã hội lớn có ý nghĩa quan trọng, thiết thực đối với định hướng chính trị của Đảng về tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các hệ giá trị, góp phần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.

Mục tiêu tổng quát của Hội thảo là phát huy trí tuệ, tâm huyết của các nhà khoa học, các chuyên gia, các cơ quan tham mưu, chỉ đạo, quản lý văn hóa trong cả nước để trao đổi kết quả nghiên cứu, thảo luận, hướng đến làm rõ và thống nhất trong việc xác định các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; xây dựng và phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Kết quả của Hội thảo sẽ cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn để Đảng và Nhà nước ban hành quyết sách tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các hệ giá trị trong đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

Hội thảo gồm 2 phiên thảo luận: Phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề “Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, do GS, TS Tạ Ngọc Tấn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì, điều hành. Phiên thảo luận thứ hai với chủ đề “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”, do GS, TS Đinh Xuân Dũng - nguyên Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương chủ trì, điều hành.

hoi-thao-4-1669774740.jpg
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo hội thảo khẳng định: Trong Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện thật tốt là: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị, chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.

Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”.

Có thể nói đây là sự tổng kết, chắt lọc và khái quát hóa lý luận rất cô đọng, rõ ràng, cụ thể về các hệ giá trị con người, gia đình, văn hóa và hệ giá trị quốc gia - dân tộc đã được Đảng ta nêu ra trong các văn kiện, Nghị quyết của Đảng từ trước đến nay. Đồng thời, sự đúc kết này cũng xuất phát từ tổng kết thực tiễn tiến hành triển khai thực hiện các hệ giá trị này trong hoạt động của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội và của toàn dân ta trong hơn 35 năm đổi mới. Các hệ giá trị này đã đóng vai trò định hướng, thống nhất ý chí và tình cảm chung của toàn Đảng, toàn dân, thể hiện khát vọng chung của dân tộc để tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử vừa qua.

hoi-thao-3-1669774739.jpg
Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo.

Tại Hội thảo này, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các đại biểu phân tích, làm rõ các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam và mối quan hệ biện chứng giữa các hệ giá trị đó. Đồng chí đề nghị chỉ rõ vai trò của các chủ thể xây dựng các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Đặc biệt, các đại biểu cần đề xuất và luận giải các giải pháp nhằm giữ gìn, khai thác và phát triển các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Trong hai phiên thảo luận, các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa đã trao đổi về những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến nhiệm vụ xây dựng, triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

hoi-thao-1-1669774739.jpg
Các đại biểu trong phiên tọa đàm bàn tròn

Các đại biểu tập trung làm rõ các nội dung, nội hàm và thành tố cơ bản của hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; xác định nội dung các giá trị cụ thể trong từng hệ giá trị; những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho cấp ủy, chính quyền các cấp, đội ngũ cán bộ, đảng viên, văn nghệ sĩ, trí thức và quần chúng nhân dân thực hiện trong việc sử dụng, giữ gìn, phát huy các hệ giá trị nhằm phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời xác định các định hướng, quan điểm, giải pháp xây dựng các hệ giá trị và từng giá trị cụ thể, để thúc đẩy sự phát triển đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo hội thảo nhấn mạnh: Việc nghiên cứu, xây dựng và triển khai các hệ giá trị đã trải qua một chặng đường dài trong thời kỳ đổi mới vừa qua. Đây là kết quả của công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn của Đảng, của Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội, cũng như sự trăn trở, suy nghĩ đóng góp ý kiến của đông đảo đội ngũ các nhà khoa học, đội ngũ văn nghệ sĩ, của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta.

Trong mỗi giai đoạn lịch sử, yêu cầu về nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các giá trị đều phải giải quyết những vấn đề cấp thiết do yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Hội thảo hôm nay đã thống nhất được những vấn đề cơ bản, cốt lõi trong xây dựng các hệ giá trị và làm cơ sở cho quá trình tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và triển khai hiện thực hóa các hệ giá trị nhằm phát huy sức mạnh toàn dân tộc để phát triển đất nước nhanh và bền vững.

hoi-thao-2-1669774739.jpg
Các đại biểu tham dự tại Hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ vui mừng, cảm ơn và đánh giá rất cao công tác chuẩn bị công phu, nghiêm túc của Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, cảm ơn Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, các nhà khoa học, các chuyên gia, đội ngũ văn nghệ sĩ, những người thực hành văn hóa, các nhà báo, các cơ quan báo chí, truyền thông cho thành công của Hội thảo. Đồng thời, cảm ơn sự ủng hộ, cổ vũ của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với Hội thảo và những vấn đề đặt ra trong công tác xây dựng, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

“Kết quả của Hội thảo chỉ thành công khi nó được hiện thực hóa trong đời sống của nhân dân, đảm bảo sự thống nhất cao giữa “ý Đảng - lòng dân”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định.

Nguyễn Liên