Báo cáo mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) về tình hình thị trường lao động và một số giải pháp trọng tâm nhằm phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập tại Hội nghị phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập ngày 20/8/2022 đã nêu lên những vấn đề quan trọng.
Trong đó có những giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động thông qua đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp (GDNN).
Giải pháp trọng tâm
Theo báo cáo nêu trên, Bộ LĐTBXH đưa ra những giải pháp trọng tâm đối với giáo dục nghề nghiệp:
Thứ nhất là cần rà soát, đánh giá, sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, GDNN, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng, đề xuất mô hình liên kết vùng, xây dựng các trung tâm đào tạo vùng, trung tâm đào tạo quốc gia theo vùng kinh tế trọng điểm.
Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo tại doanh nghiệp để thu hút lao động tại chỗ nhằm giải quyết triệt để vấn đề thiếu hụt nhân lực cục bộ, vấn đề đứt gẫy lao động phục vụ phục hồi kinh tế nhanh và bền vững.
Thứ hai là tăng nhanh quy mô tuyển sinh đào tạo nghề để khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực có kỹ năng nghề cho phục hồi kinh tế - xã hội.
Giải pháp cơ bản là đẩy mạnh truyền thông (nâng cấp ứng dụng chọn nghề với 5 thứ tiếng Anh, Việt, Hàn, Nhật, Trung), làm tốt phân luồng học sinh sau trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 14/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ; sửa đổi bổ sung Thông tư hướng dẫn dạy tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông để đẩy mạnh phân luồng và bảo đảm quyền lợi của học sinh vừa được học nghề, vừa được học văn hóa giáo dục phổ thông ngay tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp).
Có Nghị quyết của Chính phủ miễn học phí học giáo dục nghề nghiệp đối với các ngành nghề có nhu cầu nhân lực lớn cho phục hồi kinh tế.
Đồng thời, điều chỉnh cơ cấu ngành nghề đào tạo (triển khai nhanh chính sách đào tạo, đào tạo lại theo QĐ 1446/QĐ-TTg); có chính sách thẻ hoặc tín dụng ưu đãi cho học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đánh giá kỹ năng nghề; tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong gắn kết với doanh nghiệp (vấn đề người dạy trong doanh nghiệp).
Giải pháp lâu dài
Về lâu dài, cần phải tổ chức thực hiện các giải pháp để phân luồng, nâng cao chất lượng nhân lực thông qua GDNN như sau:
- Khẩn trương triển khai các điều kiện đảm bảo hiệu quả việc phân luồng, liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm thúc đẩy xã hội học tập, học tập suốt đời trong cộng đồng, trong công nhân lao động; Rà soát, sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, dễ tiếp cận, đa dạng về loại hình, hình thức tổ chức, phân bổ hợp lý về cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ, cơ cấu vùng miền và liên kết vùng miền hiệu quả.
Mặt khác cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong GDNN nhằm triển khai các hoạt động GDNN trên môi trường số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và đa dạng hóa phương thức tổ chức quá trình dạy học; Đẩy mạnh mô hình đào tạo chất lượng cao.
Bên cạnh đó, tiếp nhận, chuyển giao và nghiên cứu nhân rộng hiệu quả các bộ chương trình đào tạo tiên tiến quốc tế; xây dựng các chuẩn đào tạo để thống nhất sử dụng trong đào tạo và trong đánh giá, công nhận kỹ năng nghề cho công nhân lao động; quy định cụ thể đối với các ngành nghề, công việc phải sử dụng lao động qua đào tạo; xây dựng chính sách tuyển dụng, trả lương, tiền công theo kỹ năng và năng lực hành nghề của người lao động.
- Cần nghiên cứu, đề xuất ban hành các chính sách để triển khai các giải pháp nâng cao năng lực đào tạo nghề cho lao động, gồm: chính sách tín dụng hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề cho công nhân; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề thông qua Thẻ học nghề cho công nhân.
Đồng thời, quy định các chuẩn chuyên môn và điều kiện đảm bảo triển khai hiệu quả hoạt động đào tạo nghề tại doanh nghiệp; thí điểm mô hình đào tạo tại doanh nghiệp bảo đảm phù hợp đối với đặc điểm, tính chất của công nhân lao động và điều kiện sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI; hình thành mạng lưới của những người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về để làm việc cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
- Triển khai các giải pháp đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động trong các doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI, đặc biệt các ngành nghề khoa học - kỹ thuật - công nghệ, ưu tiên cho CNTT, công nghệ mới, công nghệ cao, các kỹ năng tương lai. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin thị trường lao động quốc gia, phần mềm kết nối cung - cầu về lao động.
Bộ LĐTBXH đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện những nhiệm vụ cụ thể (đã có trong báo cáo tại Hội nghị phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập ngày 20/8/2022) để nhanh chóng nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, đưa thị trường lao động Việt Nam phát triển trong bối cảnh thực tế hiện nay.