Giai đoạn 2016-2021: Tiết kiệm ngân sách, vốn Nhà nước đạt hơn 350 nghìn tỷ đồng

Sáng 14/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021".
giai-doan-2016-2021-tiet-kiem-ngan-sach-von-nha-nuoc-dat-hon-350-nghin-ty-dong-01-1663156735.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường: Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KT-XH - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Nhiều kết quả quan trọng trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, ngân sách Nguyễn Phú Cường, Phó Trưởng Đoàn giám sát cho biết về tổng thể, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP) giai đoạn 2016-2021 đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KTXH được Đảng, Quốc hội đề ra. 

Các kết quả THTK,CLP giai đoạn này đã góp phần nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng nguồn lực cho phát triển kinh tế. Nhờ đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh (bình quân mức tăng GDP đạt 6,8% trong các năm 2016-2019). Các cân đối lớn về kinh tế được bảo đảm ngày càng vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh được bảo đảm, niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước được củng cố và tăng cường.

Giai đoạn 2016-2021, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 179 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương đã ban hành theo thẩm quyền 5.978 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) liên quan đến công tác THTK,CLP. 

Việc quản lý, sử dụng NSNN, các nguồn vốn nhà nước khác có nhiều chuyển biến tích cực. Quản lý thu, chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả hơn. Cơ cấu chi ngân sách chuyển biến tích cực, tập trung nhiều nguồn lực cho chi đầu tư phát triển; bảo đảm kinh phí thực hiện các chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội, các lĩnh vực quan trọng và thực hiện chuẩn nghèo đa chiều. 

Tổng số tiền tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn Nhà nước giai đoạn 2016-2021 là 350,54 nghìn tỷ đồng. Bội chi NSNN, nợ công được kiểm soát chặt chẽ. Bội chi NSNN bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 3,37% GDP. Nợ công giảm mạnh từ 63,7% GDP đầu nhiệm kỳ xuống còn 55,2% GDP cuối năm 2020 và được cơ cấu lại bền vững, an toàn.

Quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên đạt được những kết quả bước đầu. Tình trạng sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản lãng phí từng bước được khắc phục. Một số địa phương đã chú trọng xử lý thu hồi được nhiều dự án treo, dự án chậm tiến độ, yêu cầu đưa vào sử dụng gần 100 nghìn ha đất của các dự án chậm triển khai.

Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán được tăng cường. Nhiều vụ án kinh tế gây thất thoát vốn, tài sản Nhà nước được xử lý nghiêm, thu hồi số vốn, tài sản Nhà nước lớn, có tác dụng cảnh báo, răn đe, hạn chế các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn vốn, tài sản Nhà nước, đất đai và tài nguyên, khoáng sản.

Cần "lượng hoá" được các con số về thất thoát, lãng phí 

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng đây là cuộc giám sát chuyên đề rất thiết thực trong việc sử dụng nguồn lực quốc gia và phát triển đất nước (như sử dụng đất đai, chủ trương đầu tư), tạo chuyển biến bước đầu quan trọng trong nhận thức và hành động của các bộ, ngành, địa phương đối với công tác THTK, CLP.

Tổng Thư ký Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, bộ ngành, địa phương trong phối hợp để giám sát chuyên đề và đã chỉ ra kết quả đạt được trong xây dựng, hoàn thiện thể chế THTL, CLP, tiết kiệm được hơn 350 nghìn tỷ đồng, hàng trăm nghìn ha đất, củng cố và tạo niềm tin của nhân dân.

Ông Bùi Văn Cường cũng cho rằng Đoàn giám sát cần "lượng hoá" được các con số về thất thoát, lãng phí để có cái nhìn toàn diện, nhất là các số liệu về tài sản công, đất đai…

Đề cập đến lãng phí trong quản lý sử dụng đất hiện nay, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng Báo cáo cần nêu rõ, phân tích, tìm ra nguyên nhân các "dự án treo" đã và đang gây lãng phí rất lớn nguồn lực của Nhà nước và nhân dân. Từ đó, chỉ rõ để xảy ra thực trạng này là lỗi của ai, cơ quan nào và giải pháp khắc phục thế nào.

Bên cạnh đó, một số công trình do Nhà nước đầu tư không khai thác sử dụng được nhưng cũng không cho thuê được vì thiếu cơ chế, dẫn đến lãng phí tài sản, mất thêm tiền để duy tu, sửa chữa.

giai-doan-2016-2021-tiet-kiem-ngan-sach-von-nha-nuoc-dat-hon-350-nghin-ty-dong-02-1663156735.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Cần cụ thể hoá các số liệu trong báo cáo giám sát - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phát động cuộc vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ đây là cuộc giám sát có quy mô lớn, huy động sự vào cuộc của 63 đoàn đại biểu Quốc hội và 63 HĐND tỉnh thành tham gia, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương với hàng vạn trang tài liệu, có sự chỉ đạo sát sao, chặt chẽ, cụ thể của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đối với các hoạt động của Đoàn giám sát để đạt được những kết quả khả quan.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh chất lượng cuộc giám sát đã đáp ứng được mục đích, yêu cầu đề ra, có được kết quả tốt, tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác này, song hành với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà cả hệ thống chính trị đang nỗ lực thực hiện.

"Trong Nghị quyết này, Quốc hội nên phát động Cuộc vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để công tác này ngày càng thực chất, thiết thực, hiệu quả", Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Theo đó, cần cụ thể hoá các số liệu trong báo cáo giám sát như tổng số đất nông lâm trường để hoang hoá là bao nhiêu? Dự án nào, ở đâu còn để lãng phí? Những vấn đề này cần được đưa vào danh mục, phụ lục của báo cáo giám sát…

Chủ tịch Quốc hội lưu ý Báo cáo giám sát cũng phải chỉ rõ những địa phương, đơn vị, bộ ngành làm tốt công tác THTK, CLP với những điển hình cần biểu dương.

Theo dự kiến, Báo cáo giám sát chuyên đề này sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022.