Đường chạy đẹp
Từ 3h sáng, các tín đồ yêu chạy bộ đã có mặt tại sân vận động làng Đại Bình khởi động nhẹ nhàng để chuẩn bị cho cuộc đua 38km. Ở cự ly này, đa số là các VĐV chuyên nghiệp đăng ký nên hầu hết được trang bị khá kỹ lưỡng, nhất là trang phục đã tạo ấn tượng mạnh mẽ trong lòng BTC cũng như các cổ động viên. Đường đua này, các Runner sẽ chạy qua con đường làng rợp bóng cây, check-in cầu treo đẹp nhất Nông Sơn và trải nghiệm khu bảo tồn Voi hoang dã. Nơi đây là một trong những khu vực dự án của Hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học thuộc dự án VFBC do cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.
Ở cự ly 21km và 7km, các VĐV chạy qua những cánh đồng ngô xanh mướt, con đường chạy dọc chân đồi uốn lượn theo dòng chảy sông Thu Bồn đã tạo nên bầu không khí trong lành mát mẻ, khỏe khoắn cho người chạy.
Hơn cả một cuộc thi đơn thuần cấp huyện, giải chạy Khám phá Nông Sơn đã phô diễn nhiều cung đường làng đẹp thơ mộng của vùng Trung du xứ Quảng.
Bạn Hoàng Kiều Nhi (sn 1990) VĐV đến từ Thành phố Đà Nẵng, đã về đích thứ 4 ở cự ly 38km nữ chia sẻ: “Mình yêu thích chạy bộ từ năm 2018 vì tốt cho sức khỏe, do không thích ồn ào náo nhiệt và đám đông nên không tham gia bất cứ giải chạy bộ nào. Mãi đến tháng 4/2023 Nhi mới bắt đầu tham gia các giải. Đây là lần đầu Nhi tham gia giải chạy Khám phá Nông Sơn. Cung đường chạy thích hợp với những cô gái yêu thiên nhiên như mình, chạy theo các con đường làng, các cánh đồng xanh mướt dọc theo dòng sông Thu êm ả. Đường chạy đẹp, xuất sắc, làm mình quên hết mệt mỏi”.
Khám phá làng quê thanh bình
Làng quê tựa lưng vào dãy Trường Sơn, mặt hướng ra dòng sông Thu Bồn êm ả, quanh năm mát rượi. Làng Đại Bình thu hút nhiều lượt khách đến tham quan lưu trú. Nơi đây, nổi tiếng với nhiều cái nhất ở miền Trung: làng quê thanh bình nhất, nhiều loại trái cây nhất, nhiều người sống thọ nhất,… Nằm cách biệt bên dòng sông Thu, “khép nép” riêng lẻ, tách nhịp với Thị trấn Trung Phước ồn ào, Đại Bình yên ắng như chính tên gọi của làng.
Được ví như vựa trái cây Nam Bộ của Quảng Nam, ngoài những trái cây địa phương như mít, ổi, xoài, bơ, làng Đại Bình còn có cả măng cụt, sầu riêng, sapôchê,... Đặc sản nơi đây khá phong phú, khiến du khách khó mà “ngán” được.
Mảnh đất được bồi đắp phù sa của dòng sông Thu hàng năm, nên cây trái xanh tốt mượt mà. Thiên thời, địa lợi đã tạo nên một ốc đảo Đại Bình xanh mướt níu chân du khách. Ngoài những vườn trái cây nổi tiếng, ốc đảo nhỏ này còn là nơi trồng dâu nuôi tằm, làm đường mía thủ công nức tiếng ở Quảng Nam.
Chị Lê Thị Cẩm Tú, cùng gia đình đến du lịch và tham gia giải chạy tại làng Đại Bình chia sẻ: “Nông Sơn quá đẹp với phong cảnh non nước hữu tình, những khu vườn xum xuê cây trái,... Người dân chất phác, vui tính và vô cùng hiếu khách. Lũ trẻ con bị mê mẩn những chú tằm trắng muốt, béo múp được bày bán tại Hội chợ,... Tuy giải chạy không lớn như những giải của thành phố nhưng lại mang thông điệp rất ý nghĩa, lan tỏa mọi người bảo vệ thiên nhiên hoang dã, hưởng ứng Ngày Voi thế giới. Cung đường chạy nên thơ, không khí trong lành buổi sáng mai, hai bên đường rợp bóng cây và các quầy nông sản miệt vườn cũng là dấu ấn khó quên”.
Giải đấu mang thông điệp hay
Giải chạy Khám phá Nông Sơn hưởng ứng Ngày Voi thế giới được tổ chức nằm trong chuỗi hoạt động Tuần lễ văn hóa du lịch Đại Bình. Thông qua giải chạy này, Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học do USAID tài trợ muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường sống tự nhiên của loài voi, đồng thời kêu gọi cộng đồng cùng bảo tồn voi hoang dã.
Việc bảo tồn các quần thể voi rừng đang bị đe dọa là rất quan trọng không chỉ đối với các loài động vật, mà còn là khả năng hấp thụ carbon của môi trường sống.
Ông Nick Cox, giám đốc Hợp phần Bảo tồn đa dạng Sinh học do USAID tài trợ cho biết: khu bảo tồn loài và sinh vật cảnh Nông Sơn có diện tích gần 19.000 ha rừng tự nhiên đang là nơi sinh sống của một đàn voi 8 con. Là một quần thể nhỏ nên đàn voi đang đối mặt với những tác động tiêu cực của sự quan hệ cận huyết, các khiếm khuyết về mặt di truyền và dễ bị tổn thương do bệnh tật.
“Voi là động vật có khả năng thích nghi và tuổi thọ lâu dài, nhưng khi số lượng co lại thành quần thể nhỏ như thế này, khả năng của chúng đang bị đặt trong tình trạng nghiêm trọng. Quần thể voi gồm 8 cá thể này là lời nhắc nhở rõ ràng về các thách thức bảo tồn to lớn phía trước, nhưng cũng là biểu tượng cho sự hi vọng rằng, với nỗ lực tối đa chúng ta có thể phục hồi môi trường sống của voi và loại bỏ những mối đe dọa đối với sự tồn tại của chúng”, ông Nick Cox nói.
Các nhà nghiên cứu đưa ra một giả thuyết: do cách voi kiếm ăn và sau đó phân tán hạt giống, những loài động vật này có thể góp phần đáng kể vào việc lưu trữ carbon trong rừng. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, Fabio Berzaghi - tác giả chính của nghiên cứu và là nhà nghiên cứu tại Đại học Hàng hải Thế giới ở Thụy Điển, cho biết: "Những kết quả này giúp củng cố hiểu biết của chúng ta rằng nếu muốn thiên nhiên giúp chúng ta giảm thiểu biến đổi khí hậu, chúng ta cần có hệ sinh thái hoàn chỉnh từ côn trùng, cây cối đến những loài động vật to lớn".