Phân tích số liệu của Tổng cục Thống kê thì thấy, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2022 tăng 0,19% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2021, CPI tháng 1 tăng 1,94%; lạm phát cơ bản tăng 0,66%.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.
“Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất. Đặc biệt, giá xăng dầu tăng có tác động rất mạnh tới các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như: đánh bắt thuỷ sản, vận tải hàng hoá và hành khách đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không”, ông Nguyễn Bích Lâm nói.
Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hoá trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.
“Đối với nền kinh tế nước ta, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5%, đây là mức giảm khá lớn. Đặc biệt, khi giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả và có thể vô hiệu hoá chính sách tài khoá cắt giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đang triển khai thực hiện nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát, dẫn tới không đạt được mục tiêu tăng trưởng, thất thu ngân sách nhưng lạm phát vẫn gia tăng”, ông Nguyễn Bích Lâm cảnh báo.
Cũng theo ông Lâm, giá xăng dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hoá và dịch vụ, mà còn trực tiếp làm tăng CPI, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. “Giá xăng dầu tăng 10% làm cho chỉ số CPI tăng 0,36 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế”, ông Nguyễn Bích Lâm lo ngại.
Đại diện Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính nhận định, trong năm 2022, một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá sau Tết, trong đó có giá xăng dầu do tác động mạnh từ thị trường thế giới. Hiện nay, giá các mặt hàng xăng dầu và khí hóa lỏng (LPG) đang ở mức cao do chịu tác động từ thị trường thế giới. Giá xăng dầu kỳ điều hành ngày 11/02/2022 chịu áp lực điều chỉnh tăng rất lớn từ giá thế giới. Từ đó, gây sức ép lớn đến mặt bằng giá nói chung và giá các mặt hàng sử dụng xăng dầu là đầu vào cho sản xuất.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính phân tích, trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/02, giá xăng dầu đã điều chỉnh tăng rất lớn từ giá thế giới. Từ đó, gây sức ép lớn đến mặt bằng giá nói chung và giá các mặt hàng sử dụng xăng dầu là đầu vào cho sản xuất. “Giá xăng dầu tăng cao quá sẽ ảnh hưởng tới đà phục hồi và phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, năm 2022, sẽ có tăng nhưng tốc độ tăng không quá cao như năm 2021 nên chúng ta cũng không nên quá lo ngại về sự tăng giá xăng dầu tới tăng trưởng, hồi phục kinh tế,” chuyên gia Đinh Trọng Thịnh đánh giá.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, giải pháp trong ngắn hạn chúng ta phải thực thi nghiêm chỉnh việc điều chỉnh giá xăng dầu cho chuẩn xác với xăng dầu thế giới.
“Phải đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu trong nước. Hiện, lượng xăng dầu trong nước đã chủ động được trên 70%, nhập khẩu 28-30%. Nguồn cung không thiếu nhưng qua đợt điều hành xăng dầu vừa qua đã cho thấy Bộ Công Thương thiếu linh hoạt, chủ động. Về lâu dài, phải hình thành một kho dữ liệu về xăng dầu và kho dự trữ xăng dầu quốc gia để đảm bảo được nguồn dự trữ trong khoảng một thời gian dài nhất định. Chuyển đổi thị trường xăng dầu minh bạch, đảm bảo bình ổn, đảm bảo an ninh năng lượng”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.