Giá vàng hôm nay (9/8): Vàng trong nước biến động nhẹ

Giá vàng thế giới tiếp đà giảm sau báo cáo kinh tế của Trung Quốc. Trong nước, giá kim loại quý biến động nhẹ.

Giá vàng trong nước hôm nay

Rạng sáng nay, giá vàng miếng trong nước biến động nhẹ, duy trì trên 67 triệu đồng/lượng bán ra.

Giá vàng DOJI tại khu vực Hà Nội đang niêm yết ở mức 66,6 triệu đồng/lượng mua vào và 67,35 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng thương hiệu này đang mua vào cao hơn 50.000 đồng nhưng bán ra mức tương tự như ở khu vực Hà Nội, tăng 50.000 đồng ở chiều mua và 100.000 đồng ở chiều bán so với rạng sáng trước đó.

 Vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng thu mua mức 66,7 triệu đồng/lượng và bán ra 67,32 triệu đồng/lượng. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng. Như vậy, so với rạng sáng trước đó, giá vàng SJC cả 3 khu vực đã được điều chỉnh giảm 100.000 đồng ở cả 2 chiều.

Giá vàng PNJ niêm yết ở mức 66,75 triệu đồng/lượng mua vào và 67,3 triệu đồng/lượng bán ra, không đổi so với rạng sáng trước đó. Trong khi đó, Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh giảm 90.000 đồng ở chiều mua và 100.000 đồng ở chiều bán xuống lần lượt 66,73 triệu đồng/lượng và 67,28 triệu đồng/lượng.  

nlntv-gia-vang-the-gioi-3-8-1691194547.jpg
Vàng trong nước trong nước biến động nhẹ (Ảnh: Getty Images)

Giá vàng thế giới hôm nay

Giá vàng thế giới tiếp đà giảm với vàng giao ngay giảm 11,6 USD xuống 1.924,6 USD/ounce. Vàng tương lai tháng 12 giao dịch lần cuối ở mức 1.959,9 USD/ounce, giảm 10,1 USD so với rạng sáng ngày trước đó.

Vàng chịu áp lực và tiếp tục giảm khi báo cáo mới đây cho thấy xuất nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh hơn dự kiến trong tháng 7 trong lúc nhu cầu yếu đe dọa triển vọng hồi phục của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Số liệu chính thức do Trung Quốc công bố cho thấy, lượng hàng hóa nhập khẩu của nước này trong tháng 7 giảm 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái, lớn hơn nhiều so với dự báo và là tháng thứ 9 liên tiếp suy giảm.

Trong khi đó, lượng hàng hóa Trung Quốc bán ra nước ngoài giảm 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng giảm thứ 3 liên tiếp. Con số này giảm mạnh hơn so với mức dự báo là 12,5%, trong khi mức giảm của tháng 6 là 12,4%. Tốc độ suy giảm xuất khẩu trong tháng 7 là mức nhanh nhất tính từ giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19 vào đầu năm 2020.

Các số liệu kinh tế ảm đạm nói trên làm gia tăng khả năng hoạt động kinh tế của Trung Quốc có thể chậm lại thêm trong quý III-2023. Điều này làm gia tăng lo ngại nhu cầu vàng cũng sẽ giảm.

Tâm điểm của thị trường trong tuần này là các báo cáo lạm phát chính của Mỹ và Trung Quốc. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của Mỹ sẽ được công bố vào ngày 10-8 và chỉ số giá sản xuất (PPI) sẽ công bố vào ngày 11-8. Cả CPI và PPI dự kiến sẽ chỉ tăng một chút so với các báo cáo tháng 6.

Thị trường vàng trong thời gian phải vật lộn để tìm động lực tăng giá khi quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn đưa ra các quan điểm về thắt chặt chính sách tiền tệ. Cũng chính vì thế, các nhà đầu tư đang nóng lòng chờ đợi các dữ liệu lạm phát tới đây để có manh mối rõ ràng hơn về lộ trình thắt chặt của Fed. Để vàng đảo chiều, dữ liệu công bố tới đây phải cho thấy lạm phát giảm rõ rệt.    

Tuần trước, vàng có được mức tăng khiêm tốn khi báo cáo việc làm tháng 7 của Mỹ tăng thấp hơn kỳ vọng của thị trường. Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, số lượng việc làm phi nông nghiệp đã tăng 187.000 việc làm trong tháng 7, thấp hơn mức dự báo tăng 200.000 việc làm của các chuyên gia. Dữ liệu này tuy yếu hơn kỳ vọng của các chuyên gia nhưng được đánh giá là chưa đủ để làm thay đổi quan điểm của Fed.

Với giá vàng trong nước biến động nhẹ và giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco ở mức 1.924,6 USD/ounce (tương đương gần 55,4 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng gần 12 triệu đồng/lượng.            

Huyền Anh(TH)