Giá vàng trong nước hôm nay:
Vàng trong nước rạng sáng nay giảm và giao dịch quanh ngưỡng 69 triệu đồng/lượng. Hiện tại, giá vàng miếng các thương hiệu đang niêm yết cụ thể như sau.
Giá vàng DOJI tại khu vực Hà Nội đã được chiều chỉnh giảm 50.000 đồng ở chiều mua và 100.000 đồng ở chiều bán xuống lần lượt 68,2 triệu đồng/lượng và 69,05 triệu đồng/lượng. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng thương hiệu này đang mua vào và bán ra mức tương tự như ở khu vực Hà Nội, giảm 50.000 đồng ở chiều mua và 100.000 đồng ở chiều bán so với rạng sáng qua.
Vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang mua vào mức 68,25 triệu đồng/lượng và bán ra mức 68,97 triệu đồng/lượng. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng. Như vậy, so với rạng sáng qua, giá vàng SJC đã được chiều chỉnh giảm 200.000 đồng ở cả 2 chiều.
Giá vàng PNJ niêm yết ở mức 68,2 triệu đồng/lượng mua vào và 69,05 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 200.000 đồng ở chiều mua và 100.000 đồng ở chiều bán so với rạng sáng qua. Trong khi đó, Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh giảm 50.000 đồng ở cả 2 chiều xuống lần lượt 68,32 triệu đồng/lượng mua vào và 68,93 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng thế giới hôm nay:
Rạng sáng nay, giá vàng thế giới giảm với vàng giao ngay giảm 10,6 USD xuống còn 1.915,2 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 1.935,1 USD/ounce, giảm 10,5 USD so với rạng sáng qua.
Trong phiên giao dịch đầu tuần này, giá vàng thế giới chịu tác động mạnh bởi sự vươn lên của đồng USD và lợi suất trái phiếu tăng cao. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lên và đạt mức cao nhất trong nhiều năm làm tăng chi phí cơ hội việc nắm giữ tài sản không lãi suất như vàng, trong khi chỉ số US Dollar Index đạt mức cao nhất mới trong 6,5 tháng làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý này với người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Các chuyên gia cho rằng, trong ngắn hạn, quan điểm diều hâu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại cuộc họp chính sách tiền tệ mới đây sẽ tiếp tục là chất xúc tác đẩy lợi suất trái phiếu và đồng USD lên cao, gây áp lực lớn lên kim loại quý.
Trong khi đó, nhìn về dài hạn, quan điểm lạc quan về vàng vẫn được giữ vững. Trong báo cáo triển vọng mới đây của mình, Ngân hàng Société Générale của Pháp cho rằng, họ vẫn duy trì quan điểm tích cực đối với kim loại quý do lạm phát vẫn tăng cao trong bối cảnh Fed có kế hoạch chấm dứt chu kỳ thắt chặt. Bất chấp hoạt động mờ nhạt của vàng trong suốt mùa hè, SocGen vẫn lạc quan rằng giá có thể quay trở lại mức 2.000 USD/ounce.
Các chuyên gia ngân hàng này cũng dự báo, giá vàng có thể sẽ tăng lên 2.200 USD/ounce vào cuối năm 2024 khi các nhà đầu tư nhận ra rằng các ngân hàng trung ương sẽ gặp khó khăn như thế nào trong việc đưa lạm phát cốt lõi xuống mức mục tiêu 2%.
Mặc dù SocGen lạc quan về vàng nhưng họ cũng lưu ý rằng kim loại quý này sẽ phải đối mặt với một con đường đầy thử thách sắp tới khi lượng nắm giữ tại quỹ giao dịch trao đổi được hỗ trợ bằng vàng lớn nhất thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1-2020. Cụ thể, kể từ đầu tháng 6, đã có 129 tấn vàng được rút khỏi các quỹ giao dịch. Nếu không có chất xúc tác nào thúc đẩy các nhà đầu tư, các dòng vốn có thể sẽ tiếp tục chảy ra khỏi các quỹ này.
Với giá vàng trong nước giảm và giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco ở mức 1.915,2 USD/ounce (tương đương gần 56,6 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới trên 12 triệu đồng/lượng.