Giá vàng hôm nay (2/5): Vàng trong nước đứng yên

Các chuyên gia cho rằng, khi nền kinh tế suy yếu và một “thảm họa tài chính” ập đến, vàng có khả năng chạm mốc 5.000 USD/ounce.

Giá vàng trong nước

Giá vàng trong nước rạng sáng hôm nay đứng yên khi thị trường đang trong ngày nghỉ lễ. Hiện tại, giá kim loại quý trong nước đang được niêm yết cụ thể như sau: 

Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang mua vào mức 66,6 triệu đồng/lượng và bán ra mức 67,22 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng.

nlntv-vang-1682961041.jpeg
Vàng trong nước đứng yên (Ảnh: Báo Người lao động)

Giá vàng thương hiệu DOJI tại khu vực Hà Nội đang niêm yết ở mức 66,55 triệu đồng/lượng mua vào và 67,15 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng thương hiệu này đang mua vào và bán ra mức tương tự như ở khu vực Hà Nội.       

Giá vàng Phú Quý SJC đang niêm yết mức 66,55 triệu đồng/lượng mua vào và 67,15 triệu đồng/lượng bán ra. Vàng PNJ đang mua vào ở mức 66,6 triệu đồng/lượng và bán ra mức 67,2 triệu đồng/lượng. Vàng Bảo tín Bảo Tín Minh Châu đang niêm yết ở mức 66,57 triệu đồng/ lượng mua vào và 67,13 triệu đồng/ lượng bán ra. 

Giá vàng thế giới

Giá vàng thế giới rạng sáng hôm nay giảm nhẹ với vàng giao ngay giảm 5,3 USD xuống còn 1.981,9 USD/ounce.  Vàng tương lai tháng 6 giao dịch lần cuối ở mức 1.992,2 USD/ounce, giảm 6,9 USD so với rạng sáng ngày trước đó.

Kim loại quý thế giới chịu áp lực bán khi báo cáo chỉ số quản lý mua hàng (PMI) trong ngành sản xuất tháng 4 và báo cáo chi tiêu xây dựng của Mỹ tốt hơn kỳ vọng của thị trường. Bên cạnh đó, Giám đốc điều hành Jamie Dimon của ngân hàng Mỹ JPMorgan Chase cho biết sau khi JP Morgan tiếp quản First Republic Bank rằng ngành ngân hàng Mỹ hiện đang rất khỏe mạnh. Phát biểu đã gây áp lực mạnh lên vàng.  

Hiện tại, thị trường đang chờ đợi cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu vào thứ 3 và kết thúc vào thứ 4 tuần này. Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất cơ bản của Mỹ thêm 25 điểm cơ bản. Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng họp vào thứ 5. ECB cũng dự kiến sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 1/4 điểm.

Các chuyên gia cho rằng, việc vàng mắc kẹt ở mức 2.000 USD/ounce trong thời gian gần đây không phải là điều xấu. Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù vàng chịu áp lực khi lạm phát dai dẳng khiến Fed phải tiếp tục tăng lãi suất và có khả năng duy trì các chính sách tiền tệ tích cực lâu hơn dự kiến, nhưng kim loại quý này vẫn tiếp tục hoạt động tốt.

Lý giải nguyên nhân vàng mắc kẹt, các nhà phân tích nói rằng, trong khi lãi suất cao hơn khiến vàng trở nên kém hấp dẫn hơn vì các nhà đầu tư có thể tìm thấy giá trị tốt hơn trên thị trường tiền tệ ngắn hạn, mối đe dọa về bất ổn kinh tế lại làm tăng sức hấp dẫn trú ẩn của kim loại quý này với các nhà đầu tư.

Ngoài ra, nhu cầu của ngân hàng trung ương khi các quốc gia tìm cách đa dạng hóa khỏi đồng USD cũng là yếu tố hỗ trợ vàng. 

Lạm phát toàn phần của Mỹ đạt đỉnh 9,1% vào tháng 6-2022. Nguyên nhân được cho là do việc mua tài sản của Fed và cắt giảm lãi suất quyết liệt trong bối cảnh phong tỏa do đại dịch Covid-19. Sứ mệnh của Chủ tịch Fed Powell là đưa lạm phát xuống mức 2%. Fed đã tăng lãi suất thêm 475 điểm cơ bản trong năm qua trong nỗ lực kiểm soát lạm phát. Các nhà phân tích đã gợi ý rằng điều này sẽ gây ra suy thoái kinh tế, khi nhu cầu nguội đi.

Với giá vàng trong nước đứng yên và giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco ở mức 1.981,9 USD/ounce (tương đương gần 56,5 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới hiện trên 10 triệu đồng/ lượng.             

Huyền Anh(TH)