Giá vàng trong nước hôm nay
Giá vàng trong nước rạng sáng nay tiếp đà giảm nhẹ và duy trì gần ngưỡng 69 triệu đồng/lượng. Hiện tại, giá vàng miếng các thương hiệu đang niêm yết cụ thể như sau.
Giá vàng DOJI tại khu vực Hà Nội đã được điều chỉnh giảm 100.000 đồng ở cả hai chiều xuống lần lượt 67,95 triệu đồng/lượng và 68,75 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng thương hiệu này đang mua vào và bán ra mức tương tự như ở khu vực Hà Nội, giảm 150.000 đồng ở chiều mua và 100.000 đồng ở chiều bán so với rạng sáng nay.
Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng mua vào mức 67,95 triệu đồng/lượng và bán ra mức 68,67 triệu đồng/lượng. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng. Như vậy, so với rạng sáng qua, giá vàng SJC đã được điều chỉnh giảm 100.000 đồng ở cả 2 chiều.
Giá vàng PNJ niêm yết ở mức 68 triệu đồng/lượng mua vào và 68,7 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 200.000 đồng ở cả 2 chiều so với rạng sáng qua. Trong khi đó, Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh giảm 120.000 đồng ở cả 2 chiều xuống lần lượt 68 triệu đồng/lượng mua vào và 68,63 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng thế giới hôm nay
Giá vàng thế giới rạng sáng nay tiếp đà giảm nhẹ với vàng giao ngay giảm 4,5 USD xuống 1.908,2 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 1.932,5 USD/ounce, giảm 2,6 USD so với rạng sáng qua.
Trong phiên giao dịch chiều tối 13-9 (giờ Việt Nam), vàng thế giới đã phải vật lộn để không bị lao dốc khi chỉ số giá tiêu dùng tăng cao hơn dự kiến vào tháng trước. Cụ thể, CPI của Mỹ trong tháng 8 tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái và CPI cốt lõi tăng 4,3% trong cùng kỳ. CPI được dự báo tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng 3,2% trong báo cáo tháng 7.
Các nhà phân tích thị trường lưu ý rằng dữ liệu lạm phát mới nhất đang khiến thị trường tính đến việc tăng lãi suất hơn nữa vào cuối năm.
Theo Nigel Green của Tập đoàn deVere, dữ liệu CPI mới nhất này khó có thể ảnh hưởng đến động thái rất được mong đợi của Fed là giữ lãi suất ổn định tại cuộc họp vào tuần tới, vốn đã được thị trường tài chính định giá.
Tuy nhiên, Andrew Hunter, Phó giám đốc kinh tế Mỹ tại Capital Economics, cho biết, dữ liệu lạm phát mới nhất là không đủ để thuyết phục Fed duy trì các chính sách tiền tệ tích cực của mình.
Một dấu hiệu tích cực với thị trường vàng là báo cáo sơ bộ mới đây của Hội đồng Vàng Thế giới cho thấy, nhu cầu vàng của ngân hàng trung ương tiếp tục thống trị thị trường kim loại quý. Theo nhiều nhà phân tích, đây là một trong những yếu tố lớn nhất hỗ trợ giá trong môi trường phức tạp khi lãi suất trái phiếu tăng và sự bền bỉ của đồng USD.
Theo đó, các quốc gia bổ sung nhiều vàng vào kho dự trữ bao gồm: Ba Lan, Ấn Độ, Uzbekistan và Cộng hòa Séc. Ba Lan đã mua thêm 18 tấn trong tháng 8, nâng lượng mua ròng từ đầu năm đến nay lên gần 88 tấn và tổng dự trữ vàng lên 317 tấn. Ba Lan là một trong những quốc gia bổ sung vàng nhiều nhất trong năm nay, chỉ sau Singapore (với 73,6 tấn vàng được bổ sung tính đến tháng 7) và Trung Quốc, quốc gia dẫn đầu thế giới về mua vàng. Tính đến thời điểm này trong năm nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã mua 155 tấn vàng và tháng 8 là tháng mua thứ 10 liên tiếp.
Mặc dù nhu cầu của ngân hàng trung ương dự kiến sẽ không vượt quá tốc độ kỷ lục được thiết lập vào năm 2022 nhưng nó vẫn ở mức cao. Trong báo cáo xu hướng quý II, WGC lưu ý rằng nhu cầu vàng của ngân hàng trung ương đạt kỷ lục mới trong nửa đầu năm 2023.
Krishan Gopaul, nhà phân tích thị trường cấp cao của WGC, cho rằng đây là thông tin tích cực đối với thị trường vàng và các nhà quan sát vàng nên chú ý theo dõi.
Với giá vàng trong nước giảm nhẹ và giá vàng thế giới niêm yết ở mức 1.908,2 USD/ounce (tương đương gần 56 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng gần 13 triệu đồng/lượng.