Giá vàng hôm nay (12/8): Vàng trong nước tăng

Huyền Văn
Giá vàng trong nước được điều chỉnh tăng với mức tăng cao nhất là 200.000 đồng/lượng. Trên thế giới, vàng neo dưới 1.950 USD/ounce.

Giá vàng trong nước hôm nay

Rạng sáng nay, các cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý trong nước đồng loạt điều chỉnh tăng giá vàng.

Cụ thể, giá vàng DOJI tại khu vực Hà Nội đã được điều chỉnh tăng 150.000 đồng ở cả 2 chiều lên lần lượt 66,8 triệu đồng/lượng mua vào và 67,5 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng thương hiệu này đang mua vào mức tương tự nhưng bán ra thấp hơn 50.000 đồng so với khu vực Hà Nội, tăng 150.000 đồng ở cả 2 chiều so với rạng sáng trước đó.

Vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng thu mua mức 66,9 triệu đồng/lượng và bán ra 67,52 triệu đồng/lượng. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng. Như vậy, so với rạng sáng trước đó, giá vàng SJC cả 3 khu vực đã được điều chỉnh tăng 200.000 đồng ở cả 2 chiều.

Giá vàng PNJ niêm yết ở mức 66,75 triệu đồng/lượng mua vào và 67,3 triệu đồng/lượng bán ra, không đổi so với rạng sáng trước đó. Trong khi đó, Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh tăng 170.000 đồng ở chiều mua và 200.000 đồng ở chiều bán lên lần lượt 66,92 triệu đồng/lượng và 67,48 triệu đồng/lượng.

nlntv-images-1691798783.jpeg
Vàng trong nước tăng (Ảnh: Dự báo tiền tệ)

Giá vàng thế giới hôm nay

Giá vàng thế giới ổn định với vàng giao ngay tăng 0,9 USD lên 1.913,1 USD/ounce. Vàng tương lai tháng 12 giao dịch lần cuối ở mức 1.946,6 USD/ounce, giảm 2,3 USD so với rạng sáng trước đó.

Trong phiên giao dịch cuối của tuần, thị trường vàng đón nhận 1 loạt các báo cáo quan trọng. Không như dự báo, dữ liệu chỉ số giá sản xuất (PPI) không những không cung cấp được lực đẩy cho vàng mà còn đè nặng lên kim loại quý này. Theo Bộ Lao động Mỹ, PPI của nước này trong tháng 7 đã tăng 0,3%, cao hơn mức dự báo tăng 0,2% của các nhà kinh tế.

Trong 12 tháng qua, lạm phát bán buôn đã tăng 0,8%, cao hơn nhiều so với mức 0,2% đã sửa đổi của tháng 6 và cao hơn mức dự báo đồng thuận 0,7%. Nếu loại bỏ giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động, dữ liệu cho thấy lạm phát cơ bản đã tăng 0,3% trong tháng trước, cao hơn mức -0,1% đã điều chỉnh của tháng 6. Các nhà kinh tế dự đoán mức tăng 0,2%. Báo cáo này làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục giữ quan điểm “diều hâu” về chính sách tiền tệ của mình.

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng mới công bố cũng không tác động nhiều đến vàng khi dữ liệu không cho thấy bức tranh rõ ràng nào về sức khỏe của nền kinh tế. Kết quả khảo sát của Đại học Michigan cho thấy, chỉ số tâm lý người tiêu dùng đã giảm xuống 71,2 so với mức 71,6 trong tháng 7. Dữ liệu gần như phù hợp với mức dự báo là 71,4. Tâm lý hiện cao hơn khoảng 42% so với mức thấp lịch sử mọi thời đại được ghi nhận vào tháng 6-2022 và đang tiến gần đến mức trung bình trong lịch sử là 86.

Người tiêu dùng vẫn cho rằng, lạm phát sẽ vẫn không thay đổi nhiều trong tháng 8 với dự báo tăng 3,3%, giảm một chút so với ước tính 3,4% của tháng trước. Khảo sát cho thấy, kỳ vọng lạm phát khá ổn định trong 3 tháng qua và có xu hướng đi ngang trong một thời gian dài.

Các chuyên gia cho rằng, vàng khó có thể tìm được lực kéo trong môi trường hiện tại. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, nhu cầu của các ngân hàng trung ương với vàng vẫn rất tốt và sẽ không biến mất một sớm một chiều. Điều này sẽ kìm hãm đà rớt giá của vàng trong môi trường khó khăn hiện tại.

Với giá vàng trong nước tăng nhẹ và giá vàng thế giới neo ở mức 1.913,1 USD/ounce (tương đương gần 55,2 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng trên 12 triệu đồng/lượng.

Huyền Anh(TH)