Giá vàng giảm hơn 1 triệu đồng/lượng sau khi liên tục leo đỉnh

Giá vàng trong nước hôm nay (11/5) đã quay đầu lao dốc sau khi chinh phục đỉnh cao nhất lịch sử.

Vào 10h sáng nay, giá vàng miếng được SJC niêm yết ở mức 88,8 - 91,3 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng/lượng (mua vào) và 1,1 triệu đồng/lượng (bán ra) so với đầu giờ sáng nay.

Giá vàng miếng được Doji niêm yết ở mức 88,8 - 90,3 triệu đồng/lượng, giảm giảm 300.000 đồng/lượng (mua vào) và 1,1 triệu đồng/lượng (bán ra).

Sau 1 ngày liên tục chinh phục nhiều đỉnh mới, giá vàng hôm nay đã quay đầu lao dốc. Tuy vậy, giá vàng trong nước hiện vẫn đang đứng ở một trong những ngưỡng giá cao nhất lịch sử.

Các chuyên gia cho rằng vàng không còn là phương tiện thanh toán nên giá vàng biến động cũng tác động không nhiều đến kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, nếu kéo dài sẽ vẫn gây nhiều hệ lụy.

nlntv-gia-vang-1715402852.jpg
Vàng trong nước giảm mạnh (Ảnh: minh hoạ)

TS. Bùi Trinh phân tích, giá vàng tăng cao là do nguồn cầu lớn, chứng tỏ vàng đang thu hút một lượng lớn tiền saving (tiền tiết kiệm hoặc tiền dư thừa) trong dân. Mà đây chính là dòng tiền có thể dùng để tái đầu tư, sản xuất, thúc đẩy phát triển nền kinh tế.

“Lấy tổng thu nhập trừ đi tiêu dùng thì còn lại saving. Saving là nguồn lực để tái đầu tư cho chu kỳ sản xuất sau. Vậy mà tiền saving lại đổ vào vàng thì sẽ làm cho nền kinh tế hụt đi một nguồn lực phát triển.

Người dân hiện nay có tâm lý chạy theo giá vàng do giá không ngừng tăng, kỳ vọng giá sẽ còn lên nữa và thường sốt ruột trước hiệu ứng đám đông nên họ không có hứng thú với việc tích tiền để tái sản xuất nữa mà đi mua vàng".

Vàng càng tăng giá người ta càng tin rằng vàng có thể đảm bảo an toàn cho tiền saving của họ. Yếu tố tâm lý này khiến người dân đổ xô đi mua vàng, tiếp tục đẩy lực cầu tăng lên, tạo nên một vòng luẩn quẩn khiến vàng khó giảm giá.

"Dòng tiền có thể dùng để tái đầu tư, sản xuất đã bị vàng thu hút sẽ làm cho nền kinh tế chậm bước tiến".

TS. Nguyễn Hồng Minh - Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) phân tích về yếu tố vĩ mô cho rằng, giá vàng tăng cao, hút nguồn tiền lớn, trong ngắn hạn sẽ làm giảm giá trị của các hàng hóa, dịch vụ, kênh đầu tư khác so với vàng. Các doanh nghiệp sản xuất, bất động sản…từ đó bị lu mờ, thậm chí thua lỗ.

Điều này có thế gây ra tác động khiến các doanh nghiệp hạn chế sản xuất. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ khiến nguồn cung ít đi, dẫn đến giá thành sản phẩm tăng lên. Giá vàng tăng lên có thể khiến giá cả hàng hóa tăng lên để tương xứng. Từ đó khiến lạm phát tăng trong dài hạn và tác động đến nền kinh tế".

Theo ông Minh, cần nhanh chóng có biện pháp ngăn chặn giá vàng đang tăng điên cuồng hiện nay, để giảm thiểu những tác động đến kinh tế.

Huyền Anh(TH)