Quà tặng quý hiếm
Gấu trúc là động vật quý hiếm và là biểu tượng văn hóa của Trung Quốc. Về mặt ngoại giao, từ những năm 50 của thế kỷ trước, Bắc Kinh đã coi gấu trúc là biểu tượng của tình bạn và thiện ý khi nước này bước ra thế giới. Trung Quốc chỉ tặng gấu trúc cho nước ngoài trong những dịp đặc biệt.
Lần đầu tiên, Trung Quốc chọn gấu trúc làm “quà ngoại giao” là vào năm 1957. Năm đó, Bắc Kinh tặng Liên Xô một cá thể mang tên Ping Ping thay lời cảm ơn việc Liên Xô là quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Hai năm sau, Trung Quốc gửi thêm một chú gấu trúc khổng lồ tên An An sang Liên Xô để Ping Ping có cặp.
Tháng 1-1972, Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai đã tặng hai con gấu trúc cho Tổng thống Mỹ Richard Nixon sau chuyến công du lịch sử của Nixon tới Bắc Kinh và Hàng Châu. Hai tháng sau, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Washington.
Tháng 9-1973, hai chú gấu trúc khác là Yen Yen và Li Li được tặng cho Pháp nhân chuyến công du Trung Quốc của Tổng thống Georges Pompidou.
Dẫn lời kể của cựu Đại sứ Pháp tại Trung Quốc Claude Martin, trang mạng Slate.fr cho biết: Năm 1976, Tổng thống Pháp Valéry Giscard d'Estaing đã đến thăm vườn thú Vincennes-nơi Yen Yen đang được nuôi dưỡng, còn Li Li đã qua đời năm 1974. Bất chấp sự ngăn cản của giám đốc vườn thú, Tổng thống Valéry Giscard d'Estaing vẫn vào chuồng gấu trúc. Ngay lập tức, Yen Yen quay lưng lại và lao vào tấn công tổng thống. Người bảo vệ chỉ có đủ thời gian để vung cây gậy ngăn chặn kẻ gây hấn. Sau khi ra khỏi chuồng gấu, Tổng thống Valéry Giscard d'Estaing nói: “Con vật này đã nhận ra người thợ săn trong tôi”.
“Bốn năm sau, Tổng thống Valéry Giscard d'Estaing đến thăm Trung Quốc cùng với một số thành viên trong gia đình, trong đó có con gái Jacinte, khi đó đang là sinh viên ngành thú y. Tại Bắc Kinh, trong bữa tiệc chiêu đãi đoàn, Tổng thống Valéry Giscard d'Estaing hỏi Thủ tướng Trung Quốc Triệu Tử Dương liệu ông có thể mang một con gấu trúc về Pháp để con gái Jacinte có thể chăm sóc nó ở trường học không. Nhưng Thủ tướng Triệu Tử Dương chuyển sang một chủ đề khác, như thể ông không hiểu Tổng thống Pháp đang yêu cầu gì ở mình”, ông Claude Martin kể.
Từ quà tặng đến cho mượn
Do số lượng cá thể gấu trúc giảm mạnh, đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng nên từ đầu năm 1980, Chính phủ Trung Quốc đã chuyển từ hình thức tặng quà sang cho mượn. Mục đích của hành động này là vừa quảng bá đất nước ra quốc tế, vừa gửi thông điệp hữu nghị tới các quốc gia chào đón gấu trúc và thể hiện mong muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, đồng thời cũng là gây quỹ hoạt động bảo tồn loài động vật này.
Theo trang mạng slate.fr, hiện có khoảng 20 vườn thú trên thế giới đang nuôi dưỡng 40 chú gấu trúc của Trung Quốc. Các vườn thú có gấu trúc luôn thu hút đông du khách tham quan, như ở Vienna (Áo), Madrid (Tây Ban Nha), Edinburgh (Anh), Washington DC và Atlanta (Mỹ), cũng như ở Mexico City (Mexico)-quê hương của Xin Xin, một trong ba con gấu trúc trên thế giới không thuộc về Trung Quốc.
Một vườn thú ở Kuala Lumpur (Malaysia) cũng là nhà của một cặp gấu trúc và hai con của chúng. Công viên Pairi Daiza ở gần Brussels (Bỉ) đang nuôi cặp gấu trúc của Trung Quốc từ năm 2015. Cặp gấu này đã sinh một chú gấu con vào năm 2017, sau đó hai năm lại thêm cặp gấu song sinh đáng yêu…
Sau vài năm cho mượn, gấu trúc lại trở về Trung Quốc, có thể cùng với các thành viên mới, trên những chuyến máy bay được trang bị đặc biệt. Vào ngày 27-4 vừa qua, cô gấu trúc Ya Ya, đến Sở thú Memphis ở bang Tennessee (Mỹ) năm 2003 khi mới 3 tuổi, đã trở về Trung Quốc.
Vào tháng 7 tới, chú gấu trúc Yuan Meng ở Vườn thú Beauval ở vùng Loir-et-Cher của Pháp sẽ được đưa trở về Trung Quốc.
Theo một thỏa thuận giữa các nhà lãnh đạo Pháp và Trung Quốc trước đó, năm 2012, Vườn thú Beauval đã được Trung Quốc cho mượn cặp gấu trúc Yuan Zi và Huan Huan trong 10 năm. Năm 2017, cặp gấu trúc này sinh được một chú gấu trúc con, đặt tên là Yuan Meng trước khi sinh tiếp cặp song sinh gấu trúc khác vào năm 2021. Đệ nhất Phu nhân Pháp Brigitte Macron được chọn làm người bảo trợ cho Yuan Meng.
Thỏa thuận giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Pháp cũng nêu rõ, khi chú gấu trúc đầu tiên ra đời ở Vườn thú Beauval sẽ được đưa trở về Trung Quốc khi nó được 4 tuổi. Nhẽ ra, Yuan Meng được đưa trở lại Trung Quốc từ năm 2021 nhưng do đại dịch Covid-19, nên chuyến “hồi hương” của chú gấu nặng gần 100kg này tạm hoãn. Dự kiến, sau khi trở về Trung Quốc vào tháng 7 tới, Yuan Meng sẽ được đưa tới Trung tâm Nghiên cứu và nhân giống gấu trúc ở Thành Đô, Tứ Xuyên.
Rodolphe Delord, Giám đốc điều hành của Vườn thú Beauval, cho biết Yuan Meng sẽ tiếp tục được lấy giống để cho ra đời những gấu trúc con trong tương lai, trước khi được thả về các khu rừng ở Tứ Xuyên vài năm sau. Về phần gấu bố, gấu mẹ của Yuan Meng, thời gian lưu trú của chúng ở Vườn thú Beauval đã được gia hạn đến năm 2027.
Bảo tồn loại động vật quý
Gấu trúc có tên khoa học là Ailuropoda melanoleuca, là một loài động vật có vú rất đặc biệt, sống ở các khu rừng phía tây nam Trung Quốc, chủ yếu ở Tứ Xuyên và các tỉnh giáp ranh Cam Túc và Thiểm Tây. Vóc dáng dẻo dai và trông có vẻ vụng về của gấu trúc khiến nó còn có tên tiếng Trung là daxiongmao, nghĩa là “gấu mèo lớn”. Bộ lông màu đen, trắng giúp gấu trúc ngụy trang ở vùng núi nơi nó sinh sống, và thức ăn của nó chủ yếu là măng. Một con gấu trúc trưởng thành trung bình dành 10 giờ để ăn 20kg măng mỗi ngày.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Bulletin của Mỹ, gấu trúc từng là loài ăn thịt, trước khi dần dần chuyển sang chế độ ăn tre. Sự thay đổi trong hành vi ăn uống này đi kèm với sự co rút đáng kể của các cơ quan tiêu hóa, khiến quá trình trao đổi chất của gấu trúc bị chậm lại. Gấu trúc có răng và hàm khỏe như các loài động vật ăn thịt khác. “Nhưng có thể là trong một thời gian dài khi thức ăn khan hiếm, nó đã quen với việc hầu như chỉ ăn tre, một loại thức ăn mà nó không cạnh tranh với các động vật có vú khác”, nghiên cứu nêu rõ.
Do sự nóng lên toàn cầu và đôi khi do mở rộng diện tích nông nghiệp, môi trường sống của gấu trúc bị thu hẹp lại. Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế đã đưa loài vật này vào danh sách đỏ các loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Trong hơn 20 năm qua, Trung Quốc đã có nhiều chính sách bảo vệ gấu trúc. Đáng chú ý là 13 khu bảo tồn đã được phân định trên diện tích 2,58 triệu ha với việc trồng lại rừng và trồng tre ồ ạt. Ngoài ra, nông dân sống gần những nơi này nhận được trợ cấp từ Chính phủ Trung Quốc, đổi lại họ cam kết không sử dụng phân bón hóa học hoặc thuốc trừ sâu.
Thống kê của Bộ Môi trường Trung Quốc công bố vào năm 2021 cho biết, có 1.864 con gấu trúc đang sống trong môi trường tự nhiên. So với năm 1980 khi chỉ có 1.114 cá thể trong tự nhiên được quan sát thấy ở Tứ Xuyên, con số này đã tăng nhẹ. Năm 2021, Trung Quốc xếp gấu trúc khổng lồ vào danh sách “loài dễ bị tổn thương”. Tuy nhiên, Quỹ Bảo vệ thiên nhiên thế giới (WWF), nơi có biểu tượng là gấu trúc, tiếp tục khẳng định động vật khổng lồ này “vẫn là một trong những loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới”.
Hầu hết gấu trúc sinh đôi hoặc sinh ba. Tuy nhiên, gấu mẹ thường chỉ chăm sóc một con non, điều đó có nghĩa là những con khác không sống sót. Tại Trung tâm Nghiên cứu và nhân giống gấu trúc ở Thành Đô, nơi có khoảng 700 con gấu trúc được nuôi dưỡng, những người chăm sóc đặt cặp gấu con song sinh vào lồng ấp và giao chúng cho mẹ mỗi ngày để cả hai có thể được hưởng sự chăm sóc của gấu mẹ.
Nhờ đó, dân số gấu trúc nuôi nhốt ngày càng tăng. Mỗi năm, gần một nửa trong số chúng được thả vào tự nhiên-nơi tỷ lệ giao phối, mang thai và sống sót của gấu con thấp hơn đáng kể. “Việc phát triển quần thể gấu trúc trong điều kiện nuôi nhốt nhằm đặt nền móng vững chắc cho các quần thể nhỏ trong tự nhiên”, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và nhân giống gấu trúc, ông Duan Zhaogang, giải thích.
Trong buổi họp báo gần đây, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning cho biết, nghiên cứu về bảo tồn gấu trúc đã góp phần tích cực vào việc bảo tồn và giáo dục cộng đồng về loài động vật này, cũng như trao đổi văn hóa và giao lưu giữa con người với con người.