Đừng đặt thú cưng lên trên sức khỏe và tính mạng con người

Dư luận đang đặc biệt quan tâm đến vụ việc một người cha bị hành hung vì bảo vệ con trai trước con chó không đeo rọ mõm, xảy ra tại chung cư Q7 Saigon Riverside, phường Phú Nhuận, TP.HCM.

Mấy ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền clip cho thấy, một người đàn ông tên là Dũng cùng con trai đứng chờ thang máy tại chung cư Q7 Saigon Riverside, phường Phú Nhuận, TP.HCM. Lúc này, con chó của anh Đào Thế Vinh (28 tuổi) không rọ mõm, đi từ thang máy ra và tiến lại gần con trai anh Dũng. Lo sợ con bị tấn công, anh Dũng đã nhắc anh Vinh giữ con chó lại nhưng không được phản hồi, nên anh Dũng mới dùng chân đá con chó sang một bên. Ngay lập tức, anh Vinh dùng tay đánh mạnh vào mặt nạn nhân, khiến người này bị thương nặng. Đa số cư dân mạng cho rằng, anh Vinh có hai cái sai lớn, đó là hành hung người khác và thả rông chó không được rọ mõm. Cả 2 hành vi này đều đáng lên án và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật

nlntv-anh-vu-viec-tai-chung-cu-q7-saigon-riverside-anh-cat-tu-clip-1676072729.png
Vụ việc tại chung cư Q7 Saigon Riverside - (Ảnh: cắt từ clip)

Qua đây, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân không nên thả rông chó vì gây rất nhiều nguy hiểm đến cộng đồng. Thứ nhất là có thể gây tai nạn giao thông nghiêm trọng. Đã có nhiều người khi đang lái xe trên đường thì bất ngờ gặp chó, mèo nên đã phanh gấp, xử lý không kịp dẫn đến tai nạn. Thứ 2 là nguy cơ cao bị lây nhiễm bệnh dại và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác. Trong chất thải của chó, mèo còn chứa nhiều mầm bệnh, trứng giun sán có thể lây truyền qua người, đây cũng là mối đe dọa với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ em. Thứ 3 là chó thả rông có thể tấn công, cắn người. Ai dám đảm bảo toàn bộ chó, mèo được tiêm văc-xin phòng bệnh truyền nhiễm? Mỗi năm, nước ta vẫn ghi nhận từ 70-100 trường hợp tử vong do bệnh dại. 

anh-cho-la-vat-nuoi-than-thiet-cua-con-nguoi-nhung-cung-co-the-lay-benh-cho-nguoi-1676072782.jpg
Chó là vật nuôi thân thiết của con người nhưng cũng có thể lây bệnh cho người

Ngoài lây bệnh, khi bị chó, mèo cắn thường để lại thương tích nặng nề, thậm chí là tử vong. Giữa năm 2019, tại tỉnh Hưng Yên, một cậu bé 7 tuổi đã bị 9 con chó, trong đó 7 con lớn, 2 con nhỏ tấn công dẫn đến tử vong. Năm 2021, sự việc nam thanh niên bị chó Pitbulll của bạn tấn công, cắn chết tại một quán cà phê ở tỉnh Long An cũng đã khiến người dân hoang mang. Vài tháng trước, một bé gái ở Thành phố Quy Nhơn, Bình Định bị chó nhà hàng xóm tấn công gây thương tích nặng nề. Đó chỉ là một số trong rất nhiều vụ việc chó thả rông tấn công, cắn người. Điều này khiến người dân không an tâm khi ra đường vì còn rất nhiều người dắt chó không rọ mõm đi dạo, thậm chí thả rông, không trông coi. Nước ta cần có những giải pháp để ngăn chặn triệt để tình trạng nguy hiểm này. 

nlntv-anh-o-cac-khu-chung-cu-con-rat-nhieu-cho-tha-rong-1676072904.jpg
Ở các khu chung cư còn rất nhiều chó thả rông

Ở góc độ pháp luật, việc thả rông chó không rọ mõm, không có dây xích và không có người dắt là vi phạm quy định về trật tự công cộng. Người vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng. Trong trường hợp không tiêm phòng, không quản lý chó nơi công cộng, để chó cắn người dẫn đến hậu quả chết người, chủ vật nuôi có thể bị xử lý hình sự về tội “Vi phạm quy định an toàn nơi đông người” theo Điều 295 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên trên thực tế, chưa thấy nhiều thông tin về áp dụng các chế tài xử phạt hành vi này. Vì vậy, nếu không muốn tái diễn sự việc đau lòng do chó thả rông gây ra, các địa phương cần có những giải pháp hữu hiệu để pháp luật được thực thi nghiêm minh, có tính răn đe cao. 

nlntv-anh-nuoi-thu-cung-la-nhu-cau-chinh-dang-nhung-phai-dam-bao-an-toan-cho-cong-dong-1676072950.jpg
Nuôi thú cưng là nhu cầu chính đáng nhưng phải đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

Ngoài luật pháp, ý thức trách nhiệm của chủ nuôi chó đối với tính mạng và sự an toàn của cộng đồng là rất quan trọng. Xét về mặt tình cảm, vật nuôi đáp ứng nhu cầu tinh thần chính đáng của con người. Nhưng quan trọng hơn hết, chủ nuôi phải biết cư xử, quản lý vật nuôi sao cho nó là niềm vui của cá nhân nhưng không làm ảnh hưởng đến người xung quanh, nhất là phải bảo đảm tiêu chí an toàn. Sự việc ở chung cư Q7 Saigon Riverside, phường Phú Nhuận, TP.HCM là bài học không mới nhưng cũng là dịp để những người thích nuôi thú cưng trong chung cư nhìn lại, qua đó ứng xử đúng quy định pháp luật, nội quy nơi sống; tôn trọng người xung quanh và cẩn trọng hơn trong việc nuôi dưỡng, quản lý thú cưng. 

Ở một số quốc gia như Nhật Bản, các gia đình nuôi chó, mèo không được đến các khu công cộng như siêu thị, nhà hàng...; thậm chí tiếng kêu hoặc mùi hôi của thú cưng không được ảnh hưởng đến những nhà lân cận. Còn ở Thụy Sĩ, chủ nuôi sẽ phải vượt qua một bài kiểm tra và tham gia vào một khóa huấn luyện lý thuyết và thực hành để có thể được phép nuôi một chú chó... Điều này cho thấy việc yêu thương động vật phải gắn liền với trách nhiệm và sự văn minh./.
 

Mạnh Sáu