Ngày 5/4, Tiến sĩ (TS) Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk - cho biết: Lần đầu tiên, tỉnh Đắk Lắk có dự án được Bộ lựa chọn để tham gia Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2022 - ISEF 2022.
Theo TS. Hiệp, đó là dự án "Thiết kế, chế tạo máy hút dịch chanh dây bán tự động" thuộc lĩnh vực kỹ thuật cơ khí của em Vi Thị Thu Hà (lớp 11A1) và Đào Huỳnh Duy An (lớp 12A5, trường THCS & THPT Đông Du), với sự hướng dẫn của cô giáo Lưu Thị Thương.
TS Hiệp cho biết, với dự án trên, các học sinh và giáo viên đã có quá trình nghiên cứu, tìm hiểu kỹ trước khi bắt tay vào thực hiện. Bên cạnh đó, các em còn có niềm đam mê, tư duy khoa học sâu sắc mới thực hiện được dự án khoa học có tính ứng dụng thực tiễn cao.
"Sở vừa báo cáo UBND tỉnh về dự án khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học của tỉnh được tham gia Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế - ISEF 2022. Qua đó, UBND tỉnh giao Sở chịu trách nhiệm hỗ trợ, tạo điều kiện để các em học sinh tham gia Hội thi đạt kết quả tốt nhất.
Đây là lần đầu tiên tỉnh Đắk Lắk có dự án tham gia cuộc thi quốc tế, đây là niềm vinh dự, tự hào cho ngành giáo dục tỉnh nhà", TS. Hiệp nhấn mạnh.
Trao đổi với PV Dân trí, học sinh Vi Thị Thu Hà chia sẻ, em lớn lên ở miền quê thuộc xã Ea Ô (huyện Ea Kar) nơi bố mẹ và nhiều nông dân khác trồng chanh dây để mưu sinh. Tuy nhiên, khi chứng kiến nông dân mất rất nhiều thời gian để tách chanh dây, vắt lấy nước, máy móc lại rất thô sơ khiến nước dính nhiều tạp chất.
Do đó, khi có cuộc thi khoa học kỹ thuật, Thu Hà đã lên ý tưởng thiết kế chiếc máy hút dịch chanh dây và cùng Duy An bắt tay thực hiện dưới hướng dẫn tận tình của cô giáo Lưu Thị Thương.
Theo học sinh Thu Hà, ưu điểm của chiếc máy là có tính ứng dụng cao, dễ đưa vào thực tế để giúp người nông dân tiết kiệm thời gian, công sức khi sản xuất, chế biến chanh dây. "Máy sẽ tự động cắt chanh dây, sau đó hệ thống xilanh, ống dẫn hút dịch quả chanh. Các công đoạn cắt hút 2 quả chanh chỉ mất khoảng 9 giây", Thu Hà cho hay.
Từ khi nảy sinh ý tưởng đến khi thực hiện, cả Thu Hà và Duy An đã mất khoảng 6 tháng "ăn ngủ" cùng dự án.
Còn theo cô giáo Vũ Thị Thương, với mô hình thí điểm như hiện tại, mỗi máy có thể hoạt động đạt năng suất gấp 3 lần so với một người lao động. Nếu đưa sản phẩm vào ứng dụng thực tiễn, có thể tăng máng dẫn, tăng dung tích xilanh và tăng công suất lên nhiều lần để giải phóng sức lao động, tiết kiệm chi phí cho người nông dân.
Được biết, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên các dự án tham gia Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2022 sẽ được tổ chức trực tuyến, riêng ở Việt Nam sẽ được tổ chức tại TP Hà Nội.
Dự án "Thiết kế, chế tạo máy hút dịch chanh dây bán tự động" của học sinh Đắk Lắk trước đó đã đoạt giải Nhất tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2021-2022.