Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Huy động tối đa nguồn nhân lực trong nước

Bộ Giao thông vận tải cho biết cần huy động kết hợp sử dụng nguồn nhân lực trong nước, thuê tư vấn và nhà thầu nước ngoài để thực hiện dự án trọng điểm vừa được Trung ương thông qua.

Liên quan đến dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua chủ trương đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành, đơn vị liên quan đang khẩn trương xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, chuẩn bị trình tự, hồ sơ thủ tục để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Trao đổi với phóng viên TTXVN vào chiều nay 25/9, người phát ngôn của Bộ Giao thông Vận tải, Chánh Văn phòng Uông Việt Dũng cho biết, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ phức tạp, nguồn lực đầu tư đặc biệt lớn. Đây là dự án chưa có tiền lệ, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam. Để bảo đảm mục tiêu, yêu cầu của dự án và phù hợp điều kiện thực tế của Việt Nam, đề án đề xuất huy động tối đa nguồn nhân lực trong nước kết hợp thuê tư vấn, nhà thầu nước ngoài tham gia thiết kế, thi công, quản lý, giám sát thực hiện dự án.

duong-sat-1727343431.jpg
Tuyến đường sắt Bắc Nam. (Ảnh Hà Nội mới)

Hiện Bộ Giao thông Vận tải đã nghiên cứu kinh nghiệm của 22 quốc gia, vùng lãnh thổ đang khai thác, 6 quốc gia đang xây dựng, các nghiên cứu của quốc tế, tổ chức đoàn công tác khảo sát liên ngành tại 6 quốc gia có mạng lưới đường sắt tốc độ cao phát triển, các ý kiến thảo luận từ năm 2010 đến nay và rút ra nhiều bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Từ các bài học kinh nghiệm cho thấy, các nước có đặc điểm địa kinh tế trải dài như Việt Nam, trường hợp trên cùng một hành lang có đường biển, đường thủy song song với đường sắt, vận chuyển hàng hóa bằng đường biển kết hợp đường thủy là tối ưu nhất.

Việc đầu tư đường sắt tốc độ cao phục vụ vận tải hành khách là chủ yếu, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết; xu hướng lựa chọn tốc độ ngày càng cao; cần có chương trình quốc gia về phát triển nguồn nhân lực, công nghiệp đường sắt; phát triển công nghiệp đường sắt phụ thuộc vào quy mô thị trường và trình độ các ngành công nghiệp phụ trợ.

Ông Uông Việt Dũng cũng cho biết thêm, dự kiến đầu tháng 10, Bộ Giao thông Vận tải sẽ làm việc với Ban Tuyên giáo, sau đó mới chốt kế hoạch truyền thông về dự án.

Về công nghiệp đường sắt, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh cho hay, khi được đặt hàng, mảng cơ khí công nghiệp của ngành đường sắt hiện nay có thể làm chủ, từng bước nắm bắt công nghệ và đáp ứng được yêu cầu phát triển. Như công nghệ đầu máy toa xe mà Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang nghiên cứu, việc chuyển giao công nghệ sẽ dễ dàng nắm bắt hơn.

 

PV (Theo TTXVN)