Rồng trong đời sống của người Việt
Từ xưa đến nay, rồng được xem là biểu tượng có vị trí đặc biệt trong văn hoá, tín ngưỡng của Việt Nam. Chính vì thế, người Việt Nam vẫn thường suy tôn nguồn gốc của mình là “ Con Rồng cháu Tiên” bởi rồng chính là biểu hiện của niềm tự hào về dòng giống, cội nguồn và là cảm hứng bất tận trong sáng tạo nghệ thuật.
Trong văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam, rồng chính là biểu tượng linh thiêng liên quan đến nguồn gốc “Con Rồng cháu Tiên” của dân tộc. Nhìn từ góc độ văn hóa, hình tượng rồng luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, nhất là trong nghệ thuật tạo hình của người Việt. Ngay từ thời Lý, Trần, rồng đã được đặt ở những vị trí trang trọng ở chùa chiềng, cung điện, đền đài,... Do được tạo tác trên chất liệu đá nên hầu hết các hình rồng đến nay còn tương đối nguyên vẹn.
Kỷ lục được tạo ra từ sự đam mê
Ngày nay, hình tượng con rồng vẫn được đưa vào trang trí cho các công trình kiến trúc, hội họa, chạm, khắc nghệ thuật,... và là biểu tượng vô tận để người Việt Nam sáng tạo nên các tác phẩm vô cùng ấn tượng. Một trong số đó có thể kể đến tác phẩm điêu khắc “Đông Hải Long Châu” của nghệ nhân Võ Văn Tâm ngụ tại Ấp Hiệp Sơn - xã Long Sơn - huyện Cầu Ngang - tỉnh Trà Vinh.
Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Trà Vinh, từ lâu anh Võ Văn Tâm đã mang trong mình một tình yêu sâu đậm với nghề điêu khắc gỗ. Là một nghệ nhân tâm huyết, anh thường dành trọn thời gian, công sức của mình để chế tác nhiều tác phẩm và được đánh giá cao về giá trị nghệ thuật lẫn kinh tế.
Với 24 năm gắn bó đam mê với điêu khắc, dành trọn tình yêu với nghề, anh Võ Văn Tâm đã ấp ủ thực một hiện tác phẩm đặc biệt, mô tả về Đồng bằng sông Cửu Long thông qua hình ảnh 9 con rồng nhân dịp đón chào năm mới Giáp Thìn 2024. Để thực hiện được ước mơ đó, ông đã tự mình lên ý tưởng, cất công sưu tầm, chọn lựa từng gốc gỗ ở khắp nơi trong gần 5 năm để tiến hành thực hiện một tác phẩm điêu khắc độc đáo.
Tác phẩm “Đông Hải Long Châu” sau khi hoàn thành có chiều cao thực tế là 3,5m, dài 12m, chiều sâu 2.8m, nặng 25 tấn, được khắc họa theo chiều dáng nghiêng của 9 gốc gỗ Me Tây tự nhiên thành hình ảnh 9 con rồng. Anh Tâm và 5 người thợ đã dày công thực hiện tác phẩm này trong thời gian 16 tháng và hoàn thiện vào đầu năm 2024. Phần đế của tác phẩm là 9 con cá chép ngậm ngọc đang vẫy vùng bơi lội để vượt qua làn nước xiết, phần thân trên của tác phẩm là hình ảnh 9 con rồng được chạm trổ với dáng vẻ uy nghi đang bay lượn vần vũ quanh viên long châu lớn tại vị trí trung tâm.
Đây là một tác phẩm điêu khắc công phu, tinh xảo có kích thước “cực khủng”, kỳ công và đồ sộ mang vẻ đẹp thiêng liêng, thể hiện sự may mắn và thịnh vượng.
Anh Võ Văn Tâm chia sẻ, tác phẩm “Đông Hải Long Châu” được chế tác từ 9 gốc gỗ Me Tây có từ thời do người Pháp trồng được anh sưu tầm. Đây là loại cây lâu năm, chất gỗ tốt, ổn định, phần lõi có màu nâu và độ bền tốt, không bị tác động ăn mòn của mối mọt, thuận tiện cho việc chạm khắc và lưu giữ lâu dài.
Anh tâm sự khoảng thời gian xây dựng tác phẩm là những đêm anh dậy từ lúc 4h sáng nằm suy nghĩ về ý tưởng, về từng chi tiết. Đông Hải Long Châu là bản điêu khắc vô cùng ngẫu hứng và không hề có bản phác thảo hay bản thiết kế nào trước khi bắt tay vào việc.
Ngoài khó khăn về chi phí và thủ tục giấy tờ về nguồn nguyên liệu thì quá trình hoàn thiện tác phẩm vô cùng suôn sẻ và thuận lợi nhờ sự chuyên tâm và bàn tay chăm chút của 5 người thợ và nghệ nhân Võ Văn Tâm.
Trước sự kỳ công của tác phẩm và tâm huyết mà anh Võ Văn Tâm cùng đội ngũ đã thực hiện, Tổ chức Kỷ lục Người Việt toàn cầu – VietWorld và tổ chức kỷ lục Việt Nam đã có quyết định xác lập kỷ lucđến anh Võ Văn Tâm với nội dung: “Đông Hải Long Châu” – Tác phẩm điêu khắc 9 Rồng tạo tác từ 9 gốc Me Tây lớn nhất. Sự kiện được tổ chức tại huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh vào đầu năm 2024.
Trong tương lai, với niềm đam mê và tâm huyết của mình, anh Võ Văn Tâm và đội ngũ vẫn ấp ủ nhiều dự định với nhiều tác phẩm độc đáo hơn, không chỉ nuôi dưỡng tình yêu với nghề mà còn góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc thông qua các tác phẩm điêu khắc thủ công.
Tác phẩm đang được nghệ nhân rao bán với con số 24 tỉ bởi đây là con số có nhiều sự trùng hợp với anh. Đặc biệt hơn nữa khi công trình nghệ thuật của anh được trao chứng nhận kỷ lục vào đúng ngày 24/1/2024. Anh Tâm cho biết có tâm nguyện khi bán được tác phẩm này sẽ trích một phần để giúp đỡ những xã khó khăn trên địa bàn.