Tuy nhiên, trong hoàn cảnh như vậy, công tác hội nhập quốc tế (HNQT) và đối ngoại quốc phòng (ĐNQP) của Việt Nam đã chứng tỏ sự linh hoạt và thích ứng nhanh trước sự thay đổi của tình hình.
Bước phát triển mạnh mẽ
Có thể nói, giai đoạn 2016-2021 tiếp tục đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của công tác HNQT và ĐNQP, góp phần phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đồng thời củng cố, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam trên trường quốc tế.
Trước hết, công tác HNQT và ĐNQP tiếp tục quán triệt và triển khai theo chủ trương, đường lối, chính sách được xác định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, XIII của Đảng; Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X và XI; Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 806-NQ/QUTƯ của Quân ủy Trung ương về HNQT và ĐNQP đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
Quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và các quốc gia khác cũng chứng kiến thêm những bước đi vững chắc, thể hiện trên nhiều lĩnh vực, cơ chế hợp tác thực chất, hiệu quả như: Trao đổi đoàn quân sự, hợp tác quân, binh chủng, công nghiệp quốc phòng, Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Đối thoại chính sách quốc phòng, cũng như các hoạt động Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới, Giao lưu biên cương thắm tình hữu nghị, kết nghĩa đồn, trạm, cụm dân cư hai bên biên giới...
Ngoài ra, QĐND Việt Nam còn đẩy mạnh giao lưu, hợp tác với quân đội các nước trong nhiều lĩnh vực khác thông qua việc tham gia Hội thao quân sự quốc tế (Army Games), Hội thao quân sự ASEAN, hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, trao đổi chuyên môn, nghiên cứu khoa học, huấn luyện, đào tạo...
Đặc biệt, với quyết tâm và nỗ lực cao, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chủ trương không để đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc phòng với các nước cũng như việc triển khai những kế hoạch, hoạt động quân sự, quốc phòng khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Trong đó, các hội nghị quân sự, quốc phòng ASEAN được tổ chức thành công, bảo đảm hiệu quả, thực chất về nội dung, tuyệt đối an toàn.
Sự ra đời của Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) về thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU (FPA), được ký kết nhân chuyến thăm chính thức EU của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam vào ngày 17-10-2019 là một trong những ví dụ điển hình cho sự phát triển mạnh mẽ của công tác HNQT và ĐNQP những năm gần đây.
Hiệp định này không chỉ đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và EU, mà còn mở đường để Việt Nam có thể tham gia vào các hoạt động quản lý khủng hoảng mang tính chất nhân đạo, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Trong khuôn khổ của FPA, EU sẽ hỗ trợ hiệu quả cho việc nâng cao năng lực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Việt Nam thông qua việc cử chuyên gia GGHB sang Việt Nam tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật về công tác huấn luyện lực lượng.
Biến khó khăn, thách thức thành cơ hội
Để có những kết quả nổi bật như trên, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ động điều chỉnh kế hoạch đối ngoại quốc phòng theo hướng linh hoạt phương thức triển khai, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng mọi mặt đến việc triển khai các hoạt động hợp tác, trao đổi liên quan tới HNQT và ĐNQP.
Trước hết, để thích nghi với tình hình mới, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng đã kịp thời điều chỉnh kế hoạch theo hướng thay đổi hình thức tổ chức một số hoạt động từ trực tiếp sang điện đàm, đối thoại, tham vấn trực tuyến với các đối tác.
Nhờ sự chuẩn bị chu đáo, các hoạt động này đã bảo đảm hiệu quả, thực chất, an toàn và góp phần đạt được mục tiêu quan trọng, đó là không để đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc duy trì các mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế trong nhiều lĩnh vực trọng tâm như khắc phục hậu quả chiến tranh, tìm kiếm cứu hộ-cứu nạn, quân y, đào tạo; nghiên cứu chiến lược...
Bên cạnh việc triển khai các kế hoạch đối ngoại đã đề ra, QĐND Việt Nam đã chủ động đề xuất những nội dung hợp tác mới phù hợp với tình hình, trong đó nổi bật là chia sẻ kinh nghiệm về công tác phòng, chống dịch, nghiên cứu sản xuất vaccine, hỗ trợ trang thiết bị y tế.
Ngay từ khi dịch Covid-19 còn chưa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) coi là đại dịch toàn cầu, Việt Nam đã đề xuất và tham vấn các nước để ASEAN ra Tuyên bố chung về hợp tác quốc phòng trong ứng phó dịch bệnh tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (Hà Nội, tháng 2-2020). Đây là cơ sở, nền tảng quan trọng để quân đội các nước trong khu vực đề xuất và triển khai nhiều sáng kiến hợp tác, đặc biệt là trong phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đặc biệt quan tâm đến việc chỉ đạo công tác ĐNQP với các nước, tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy hỗ trợ, viện trợ vaccine cho Việt Nam, qua đó góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ của quân đội là một trong những lực lượng nòng cốt trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Những kết quả nêu trên là cơ sở vững chắc để khẳng định rằng, công tác ĐNQP trong những năm qua tiếp tục là một trụ cột quan trọng của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, góp phần quan trọng vào việc xây dựng lòng tin giữa Việt Nam và các nước, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước ngay cả trong những giai đoạn đầy khó khăn và thách thức.