Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng thưởng Tết tiền tỷ

Lương Đàm
Một doanh nghiệp công nghệ thông tin ở Đà Nẵng thưởng Tết Nguyên đán cao nhất 1,432 tỷ đồng, còn TP Hồ Chí Minh thưởng cao nhất là một công ty FDI với gần 1,3 tỷ.
cong-nhan-nha-may-cong-ty-co-phan-kinh-doanh-thuy-hai-san-sai-gon-trong-gio-san-xuat-1640830116.jpg
Công nhân nhà máy Công ty cổ phần kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn trong giờ sản xuất

Chiều 29/12, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đà Nẵng cho biết, qua tổng hợp số liệu khảo sát trong các doanh nghiệp trên địa bàn, mức thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần có nhiều đột biến.

Các doanh nghiệp dân doanh dẫn đầu với tiền thưởng cao nhất là 1,432 tỷ đồng. Lãnh đạo phòng Chính sách việc làm cho biết, doanh nghiệp thưởng tết cao nhất này hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Năm ngoái, mức thưởng cao nhất ở Đà Nẵng là 127 triệu đồng, thuộc về nhóm các doanh nghiệp FDI. Trong khi Tết Canh Tý 2020, khi chưa ảnh hưởng của dịch Covid-19, mức thưởng cao nhất 927,8 triệu đồng thuộc về các doanh nghiệp dân doanh.

Doanh nghiệp FDI năm nay thưởng tết cao nhất 150 triệu đồng. Xếp liền sau là các công ty TNHH một thành viên do nhà nước giữ 100% vốn điều lệ và các doanh nghiệp cổ phần có vốn góp của nhà nước, với lần lượt là 50 và 45 triệu đồng. Mức thưởng thấp nhất trong các doanh nghiệp này dao động từ 768.000 đồng đến 1,075 triệu đồng.

Tại TP HCM, mức thưởng cao nhất là 1,288 tỷ đồng thuộc về một cá nhân làm việc trong doanh nghiệp FDI, trong khi năm ngoái mức thưởng cao nhất ghi nhận hơn một tỷ đồng.

Theo đánh giá của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, mức thưởng cao thuộc về các doanh nghiệp ngành điện – điện tử, tài chính – ngân hàng, bảo hiểm; hóa mỹ phẩm; tư vấn bất động sản; công nghệ thông tin; chế biến thực phẩm.

Về thưởng tết Dương lịch 2022, các doanh nghiệp FDI tại Đà Nẵng thưởng cao nhất với 76,7 triệu đồng. Năm ngoái, nhóm doanh nghiệp này cũng dẫn đầu về thưởng tết Dương lịch, với 83,4 triệu đồng.

Năm nay xếp thứ nhì là các công ty TNHH một thành viên do nhà nước giữ 100% vốn điều lệ, thưởng tết Dương với 22 triệu đồng.

Doanh nghiệp cổ phần có vốn góp của nhà nước thưởng cao nhất là 15 triệu đồng. Xếp cuối cùng là các doanh nghiệp dân doanh, với 11,25 triệu đồng. Mức thưởng thấp nhất của hai doanh nghiệp này là 100.000 đồng, bằng với các doanh nghiệp FDI và thấp hơn các công ty TNHH (500.000 đồng).

Trong khi đó, ở TP Hồ Chí Minh, mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất là hơn 470 triệu đồng thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tiền thưởng bình quân dịp này người lao động nhận được theo khảo sát là 4,09 triệu đồng, cao hơn 20,2% so với năm 2021.

Năm ngoái, mức thưởng Tết dương lịch cao nhất gần một tỷ đồng cũng thuộc về một doanh nghiệp FDI.

Các doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ, các doanh nghiệp sử dụng lao động giản đơn có mức thưởng thấp.

Trong hơn 1.000 doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh gửi báo cáo thưởng Tết năm 2022 có 508 doanh nghiệp thông tin gặp khó khăn trong việc thưởng Tết cho người lao động. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch, hoạt động sản xuất ngưng tệ, đơn hàng giảm, thu hẹp hoạt động của nhà xưởng, khó thu hồi công nợ... làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh cả năm.

Ngoài thưởng Tết, hơn 400 doanh nghiệp báo cáo còn có các hình thức hỗ trợ khác như lì xì, tổ chức xe đưa đón, chăm lo cho lao động khó khăn.

Đầu năm nay, TP HCM có gần 200.000 doanh nghiệp hoạt động với gần 3 triệu lao động làm việc. Đến nay chỉ có hơn 1.000 doanh nghiệp báo cáo thưởng Tết, chiếm chỉ 0,5%.

Năm 2022, mức lương bình quân của người lao động TP Hồ Chí Minh là 11,24 triệu đồng, tăng hơn một triệu đồng so với năm 2021. Mức lương thấp nhất là hơn 5,5 triệu đồng, không chênh lệch nhiều so với năm ngoái.