Điện Biên Phủ - tiếng sấm "chấn động địa cầu" - Bài 1: Thức tỉnh các nước thuộc địa, nửa thuộc địa

Ngày 10/5/1954, chỉ 3 ngày sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, William Foster, Chủ tịch Đảng Cộng sản Mỹ viết trên tờ Công nhân nhật báo: “... Giải phóng Điện Biên Phủ là thắng lợi trọng yếu trong sự nghiệp đấu tranh tự do và hòa bình thế giới”. Vậy thắng lợi này có ý nghĩa như thế nào đối với các lực lượng đang đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc, thực dân ở các nước thuộc địa, nửa thuộc địa và đã tác động đến chính sách quân sự của Mỹ ra sao? Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 /7/5/2024), phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã trao đổi với một số chuyên gia, nhà khoa học nhằm làm sáng tỏ hơn những vấn đề trên.

Trước khi phân tích kỹ về tác động của Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới và sự lung lay của chế độ thực dân, nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, nêu ra hai đánh giá. Đó là năm 1983, học giả người Pháp G. Boudarel viết trên tờ Người quan sát: “Điện Biên Phủ là một trong những trận giao chiến đã thay đổi số phận thế giới”. Còn Raoul Salan, Tổng chỉ huy Quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương thì cho rằng: “Chính vì mất Đông Dương mà nền móng đế quốc Pháp bị sụp đổ”...

Định hướng con đường giải phóng dân tộc

Phóng viên (PV): Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, từ tháng 5-1954 đến năm 1964, có 17/22 nước thuộc địa của Pháp ở châu Phi giành độc lập; hàng chục chính phủ bù nhìn do Mỹ dựng lên ở châu Mỹ Latin bị lật đổ... Những sự kiện này có mối liên hệ gì từ Chiến thắng Điện Biên Phủ, thưa ông?

chudtq32623154pm-2-1713326170.jpg
Nhà sử học Dương Trung Quốc.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Trước Điện Biên Phủ, ở châu Phi, Mỹ Latin hầu như chưa có nước nhỏ nào đánh thắng được chiến tranh xâm lược của một đế quốc lớn; chưa có nước thuộc địa nào dùng phương pháp hòa bình buộc thực dân, đế quốc trao trả độc lập thực sự; chưa nơi nào xuất hiện trường hợp không thông qua đấu tranh vũ trang có thể giành độc lập trọn vẹn. Ngược lại, chủ nghĩa đế quốc, thực dân còn sử dụng LLVT để đàn áp dã man các cuộc nổi dậy của phong trào dân tộc. Nếu như các dân tộc không tiến hành cuộc đấu tranh vũ trang thắng lợi thì khó có thể được giải phóng thật sự. Và sau “chấn động” Điện Biên Phủ, đã làm sáng rõ vấn đề chủ yếu để xác định đúng đắn con đường giải phóng dân tộc.

Trong cuốn “Cuộc chiến tranh trên vùng lầy cát: Khúc dạo đầu đối với Việt Nam”, tác giả Lucien Bodard đã ghi lại lời kể của một sĩ quan dù Pháp sống sót trong trận Điện Biên Phủ: “Trong trại tù binh, chúng tôi được đối mặt với Việt Minh bằng xương thịt, và chúng tôi phát hiện: Đã 8 năm nay, các vị tướng của chúng tôi tiến hành cuộc chiến tranh chống lại một cuộc cách mạng mà không biết cuộc cách mạng ấy là gì. Điện Biên Phủ không phải là một "tai nạn bất ngờ" của số phận mà phải là “sự phán xử”. Sự phán xử ấy phải bằng bạo lực cách mạng. Trong thực tế, ngay sau khi giành được độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn con đường hòa hiếu với thiên hạ và cả nước Pháp, nhưng chỉ với một điều kiện là nước Việt Nam phải thống nhất 3 miền. Chính vì thực dân Pháp âm mưu tách Nam Bộ khỏi Việt Nam mà chúng ta phải cầm súng.

Sau chuyến đi Pháp 4 tháng vận động hòa bình không được, trước sự gây hấn của phe diều hâu trong chính giới Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh phải kêu gọi toàn quốc kháng chiến với câu mở đầu: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!”.

Sức mạnh của chủ nghĩa thực dân chủ yếu là ở LLVT. Chúng duy trì và chủ yếu dựa vào LLVT để áp đặt ách thống trị lên các dân tộc. Điện Biên Phủ là nơi Pháp đã dồn sức mạnh quân sự gần như cao nhất. Về phía ta cũng vậy, để đánh bại “con nhím” khổng lồ này, ta đã huy động sức mạnh toàn dân tộc, nòng cốt là LLVT. Để rồi, với tài thao lược và đường lối kháng chiến đúng đắn của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Điện Biên Phủ là nơi diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt giữa LLVT ta và địch, giữa bạo lực cách mạng và phản cách mạng. Thất bại nặng nề của quân Pháp ở Điện Biên Phủ đã buộc chúng phải từ bỏ ách thống trị ở Việt Nam.

PV: Vậy Chiến thắng Điện Biên Phủ xác định chân lý gì trong đấu tranh giải phóng dân tộc?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Chiến thắng Điện Biên Phủ đã xác định chân lý: Không tiến hành đấu tranh vũ trang thắng lợi thì không thể giải phóng dân tộc. Chân lý này đã khơi dậy tiềm năng; là động lực để các nước thuộc địa xác định con đường đúng đắn tự mình giải phóng dân tộc. Từ bài học Điện Biên Phủ của Việt Nam, nhân dân các nước thuộc địa đã nhìn ra con đường giải phóng của họ; tạo thành phong trào theo phản ứng dây chuyền vùng lên giải phóng dân tộc trong giai đoạn thống trị của chủ nghĩa thực dân.

Lung lay đến tận gốc rễ và hệ quả tất yếu

PV: Đề nghị ông cho biết rõ hơn hậu quả của Pháp sau khi thất bại ở Điện Biên Phủ?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng một đòn nặng nề vào nền móng của chủ nghĩa thực dân Pháp, làm cho đế quốc Pháp bị suy yếu từ sau chiến tranh thế giới thứ hai lại càng bị lung lay đến tận gốc rễ. Chiến tranh Đông Dương là một gánh nặng quá sức chịu đựng của Pháp và gánh nặng đó ngày một tăng. Nước Pháp liên tục bị lạm phát, mắc nợ, nền kinh tế bị khủng hoảng. Trong 9 năm chiến tranh ở Việt Nam, Pháp đã mất tới gần 2.700 tỷ Franc và 2,6 tỷ USD viện trợ của Mỹ.

678704110232am-2-1713326086.jpg
Tù binh quân viễn chinh Pháp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ được đưa về hậu phương. Ảnh tư liệu

Vì cuộc chiến tranh Việt Nam và ở Đông Dương đã làm cho nội bộ giới cầm quyền nước Pháp lục đục. Trong thời gian chiến tranh, 20 lần chính phủ Pháp bị đổ, 7 lần Pháp phải triệu hồi toàn quyền Đông Dương về nước. Cùng với đó, trên chiến trường Việt Nam đã "nướng" mất gần nửa triệu quân lính, 8 viên tổng chỉ huy kế tiếp nhau thua trận, từ đó đã làm đảo lộn chính sách thuộc địa của thực dân Pháp...

PV: Chiến thắng Điện Biên Phủ làm lung lay hệ thống thuộc địa của Pháp. Vận dụng những bài học kinh nghiệm của Điện Biên Phủ, các dân tộc bị áp bức đứng lên giành thắng lợi như thế nào, thưa ông?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Pháp là nước đứng thứ hai về xâm chiếm thuộc địa trên thế giới (sau nước Anh). Thất bại ở Điện Biên Phủ, hệ thống thuộc địa hoàn chỉnh của Pháp đã bị Việt Nam phá vỡ một khâu quan trọng và dần xảy ra phản ứng dây chuyền. Ngay từ năm 1953, John Foster Dulles, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ đã nói: “Nếu Đông Dương thất thủ thì sẽ có phản ứng dây chuyền khắp Viễn Đông và Đông Nam Á”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ thực sự là nguồn cỗ vũ, thúc đẩy phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và đẩy nhanh quá trình rút lui của các cường quốc thực dân. 6 tháng sau trận Điện Biên Phủ, các lực lượng yêu nước Algeria tập hợp trong Mặt trận giải phóng dân tộc Algeria bắt đầu cuộc chiến tranh giải phóng. Sau 8 năm kiên cường đương đầu với 70 vạn quân Pháp, tháng 7-1962, Chính phủ Pháp buộc công nhận quyền độc lập tự chủ của Algeria. Trong làn sóng đấu tranh sau Điện Biên Phủ, hầu hết các nước Bắc Phi và Tây Phi đã giành được độc lập dân tộc: Morocco, Tunisia, Sudan (năm 1956), Ghana (năm 1957), Guinea (năm 1958). Đặc biệt năm 1960, bão táp cách mạng giải phóng dân tộc ở châu Phi đã đạt tới đỉnh cao khi có 17 nước tuyên bố độc lập, bao gồm các thuộc địa và nửa thuộc địa của Pháp, Anh, Bỉ và Italia.

nlntv-4239105421am-2-1713326336.jpg
Các tướng lĩnh Pháp thảo luận kế hoạch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, cuối năm 1953. Ảnh tư liệu

Thắng lợi của Điện Biên Phủ cũng đã lan rộng đến các nước Mỹ Latin. Từ năm 1954 đến 1960 có 11 chính phủ bù nhìn do Mỹ dựng lên ở châu Mỹ Latin bị lật đổ, như: El Salvador (1956), Uruguay, Brazil, Venezuela (1958), Cuba (1959)... Trong khi đó, ở châu Á, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, một số nước đã giành được độc lập từ tay thực dân như Malaysia (ngày 31-8-1957), Singapore (ngày 3-6-1959). Năm 1959, Anh phải công bố hiến pháp riêng cho Brunei. Tháng 4-1955, theo sáng kiến của các nước Ấn Độ, Indonesia, Sri Lanka và Myanmar, Hội nghị đoàn kết Á-Phi đã nhóm họp tại Bandung (Indonesia), đánh dấu việc các nước Á-Phi bắt đầu bước lên vũ đài quốc tế và tự quyết định lấy vận mệnh của mình. Lần đầu tiên trong lịch sử, các dân tộc Á-Phi đã đoàn kết với nhau trong một mặt trận thống nhất của các dân tộc bị áp bức chống chủ nghĩa đế quốc, thực dân.

Như vậy, có thể khẳng định, ảnh hưởng và tác động trực tiếp của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, đã đóng góp một phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng của các nước bị áp bức và bóc lột; góp phần làm tan rã hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(còn nữa)