Có 6 nghề, công việc thường gặp và nguồn tiếp xúc với virus SARS- CoV-2 được đề xuất là bệnh nghề nghiệp hưởng BHXH?
Theo dự thảo thông tư quy định bổ sung bệnh COVID-19 vào Danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH, bệnh COVID-19 nghề nghiệp là bệnh phát sinh trong quá trình lao động do người lao động phải tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 có trong môi trường lao động.
Về yếu tố gây bệnh, gồm:
Có tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 trong môi trường lao động.
Yếu tố gây bệnh được ghi nhận tại một trong các văn bản sau: xác nhận tiếp xúc nghề nghiệp với SARS-CoV-2 được quy định tại hoặc văn bản cử tham gia phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm SARS-CoV-2 do lãnh đạo đơn vị ký xác nhận và đóng dấu hoặc kết quả quan trắc môi trường lao động hoặc biên bản xác nhận tiếp xúc với yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp cấp tính.
Theo hướng dẫn chẩn đoán, giám định bệnh COVID-19 nghề nghiệp tại dự thảo này thì nghề, công việc thường gặp và nguồn tiếp xúc với vius SARS-CoV-2 bao gồm:
Người làm nghề, công việc tại cơ sở y tế.
Người làm nghề, công việc trong phòng thí nghiệm, lấy mẫu, vận chuyển mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu SARS-CoV-2.
Người làm nghề, công việc trong khu cách ly tập trung, cách ly y tế tại nhà, cách ly y tế vùng có dịch, hỗ trợ chăm sóc người bệnh COVID-19 tại nhà.
Người làm nghề, công việc vận chuyển, phục vụ người bệnh COVID-19.
Người làm nghề, công việc vận chuyển, khâm liệm, bảo quản, hỏa táng, mai táng thi hài người bệnh COVID-19.
Người làm nghề, công việc phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm SARS-CoV-2 gồm: Giám sát, điều tra, xác minh dịch; Nhân viên hải quan ngoại giao, nhân viên làm công tác xuất nhập cảnh; Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng; Chiến sĩ, sĩ quan thuộc lực lượng công an; Người làm nghề, công việc khác được cử tham gia phòng chống dịch COVID-19.
Những trường hợp này có thời gian tiếp xúc tối thiểu (thời gian tiếp xúc ngắn nhất với yếu tố có hại trong quá trình lao động để có thể gây bệnh nghề nghiệp): một lần. Khoảng thời gian kể từ khi người lao động đã thôi tiếp xúc với yếu tố có hại đến thời điểm vẫn còn khả năng phát bệnh do yếu tố có hại đó là 28 ngày.
Các di chứng sau điều trị bệnh COVID-19
Hồ sơ hưởng chính sách bệnh nghề nghiệp với chẩn đoán mắc bệnh COVID-19 phải kèm theo giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án ghi nhận bị mắc bệnh COVID-19, hoặc kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR hoặc xét nghiệm tương đương theo quy định của Bộ Y tế.
Một số di chứng chính sau khỏi bệnh COVID-19 gồm: Toàn thân như: các triệu chứng kéo dài như mệt mỏi (ICD-10: R53), đau khớp (ICD-10: M25.5), đau cơ (ICD-10: M79.1), rối loạn vị giác (ICD-10: R43.1), rối loạn khứu giác (ICD-10: R43.2), rụng tóc (ICD-10: L65).
Hô hấp: khó thở (ICD-10: R06.0), ho (ICD-10: R05), giảm chức năng thông khí phổi (ICD-10: R06.8), Viêm phổi kẽ, xơ phổi (ICD-10: J84), Viêm phổi (ICD-10: J12).
Tim mạch: rối loạn nhịp tim (ICD-10: I49.9), viêm cơ tim (ICD-10: I41.1), nhồi máu mạch vành (ICD-10: I21), xơ cơ tim (ICD-10: I42.3), đau ngực (ICD-10: I20.9), tăng huyết áp (ICD-10: I15.8).
Thần kinh: Đau đầu kéo dài (ICD-10: R51); Rối loạn cảm giác (ICD-10: R20); Liệt vận động (ICD-10: G83.9); Liệt thần kinh sọ não (ICD-10: T90.3); Động kinh (ICD-10: G40); Hội chứng Guillain Barré khởi phát muộn (ICD-10: G61.0).
Viêm não - tủy tự miễn sau nhiễm COVID-19 (ICD-10: B94.1); Tiêu hóa: viêm gan (ICD-10: K75.9)
Thận tiết niệu: suy giảm chức năng thận (ICD-10: N18.9).
Tâm thần: Rối loạn nhận thức (ICD-10: F06.7): chú ý, trí nhớ, trí tuệ, chức năng điều hành; Rối loạn hành vi (ICD-10: F62.0): hành vi bất thường, làm dụng chất, thay đổi nhân cách, nghiện hành vi như game/internet; Rối loạn loạn thần (ICD-10: F23.0): hoang tưởng, ảo giác, kích động, tăng trương lực; Rối loạn cảm xúc: hưng cảm (ICD-10: F30), trầm cảm (ICD-10: F32), loạn khí sắc (ICD-10: F34.1);
Rối loạn liên quan stress: rối loạn phản ứng stress cấp (ICD-10: F43.0), rối loạn lo âu (ICD-10: F41.3), rối loạn sự thích ứng (ICD-10: F43.2), rối loạn cơ thể hóa (ICD-10: F45.0);
Rối loạn giấc ngủ: khó ngủ (ICD-10: F51.2), mất ngủ (ICD-10: F51.0), ngủ không sâu (ICD-10: F51.2), ngủ nhiều (ICD-10: F51.1), ác mộng (ICD-10: F51.5), chứng miên hành (ICD-10: F51.3);
Rối loạn ăn uống: ăn vô độ (F50.2), chán ăn tâm thần (ICD-10: F50.0;
Rối loạn tình dục: lãnh cảm, mất ham muốn (ICD-10: F52.0), hành vi tình dục bất thường (ICD-10: F52.8);
Bản năng sống (ICD-10: F43.1): tự gây tổn thương, tự sát.
Thời gian khám xác định di chứng: sau 6 tháng kể từ khi mắc COVID- 19.
Tỉ lệ tổn thương do COVID-19 được tính ra sao?
Bộ Y tế cho biết người bị bệnh COVID-19 áp dụng tỉ lệ tổn thương cơ thể ở các cơ quan, bộ phận tương ứng quy định tại Thông tư liên tịch 28/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ban hành thông tư liên tịch quy định tỉ lệ tổn thương cơ thể do thương tích, bệnh, tật và bệnh nghề nghiệp.