Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các huyện: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình); Hướng Hóa, ĐaKrông, Gio Linh (tỉnh Quảng Trị); Phong Điền, A Lưới, Hương Trà, Phú Lộ (tỉnh Thừa Thiên - Huế); Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Hiệp Đức, Nông Sơn, Tiên Phước, Núi Thành, Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam); Ba Tơ, Minh Long, Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi); An Lão, Vân Canh, Hoài Ân , Phù Cát (tỉnh Bình Định). Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy cấp 1.
Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại thiên tai, các chuyên gia khí tượng thủy văn khuyến cáo chính quyền và người dân thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo trên website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia tại địa chỉ nchmf.gov.vn, các đài khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố và khu vực và trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương.
Chính quyền và các đơn vị chức năng cần cung cấp nhanh, kịp thời thông tin dự báo thiên tai cho người dân, chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai bằng các hình thức khác nhau; vận động, tuyên truyền cũng như thực hiện lệnh cấm tuyệt đối người dân hoạt động tại các khu vực có nguy cơ rủi ro cao dễ xảy ra dông, lốc, sét, mưa đá, lũ quét, sạt lở đất...
Người dân cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn công tác ứng phó, phòng tránh thiên tai của chính quyền địa phương.