Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mới đây đã trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng luật Việc làm (sửa đổi), trong đó có nhiều nội dung liên quan đến việc sử dụng người lao động đã qua đào tạo, người lao động đã có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Nâng cao Giá trị của chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia
Trong tờ trình, Bộ cho biết, hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia hiện nay chưa gắn kết với việc nâng cao trình độ kỹ năng nghề; chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động của hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Chưa có quy định về chế độ ưu tiên trong tuyển dụng, trả lương và sắp xếp việc làm đối với những người lao động đã được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia chưa được kiện toàn, quy mô còn nhỏ, yếu về năng lực (nhân lực, thiết bị, tài chính), chưa có nghề nào được đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia ở bậc 4 và 5.
Trước những thực tế trên, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bổ sung quy định cơ chế, chính sách khuyến khích người lao động, người sử dụng lao động tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; quy định về tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực.
Tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Để thực hiện, Bộ đề xuất bổ sung quy định về trách nhiệm, nhiệm vụ quản lý nhà nước về phát triển kỹ năng nghề cho người lao động, về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trình độ cao (bậc 4 và bậc 5 theo khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia và tương đương).
Bên cạnh đó, bổ sung quy định về kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, đảm bảo thống nhất với Bộ luật Lao động năm 2019 và hệ thống pháp luật.
Có chế độ ưu tiên tuyển dụng, trả lương
Về cơ chế, chính sách khuyến khích tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, cơ quan này đề xuất bổ sung quy định về chế độ ưu tiên trong tuyển dụng, trả lương và sắp xếp việc làm đối với những người lao động đã được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; chính sách tôn vinh người lao động có trình độ kỹ năng nghề cao xuất sắc (giải thưởng quốc gia kỹ năng lao động xuất sắc).
Cùng với đó, bổ sung quy định về quyền, trách nhiệm và cơ chế, chính sách thu hút, khuyến khích người sử dụng lao động tham gia vào các hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn kỹ năng nghề, khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia. Cụ thể, bổ sung quy định về khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia và đào tạo, bồi dưỡng, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động dựa vào trình độ kỹ năng và năng lực hành nghề; quy định về văn hóa lao động Việt Nam.
Bộ cũng đề xuất bổ sung quy định về thu, quản lý và sử dụng phí, lệ phí về đánh giá, công nhận, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia và quy định về quỹ phát triển kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động…
Khuyến nghị về một số định hướng trong sửa đổi Luật Việc làm, đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng, Luật Việc làm cần đưa ra được hướng dẫn đầy đủ về vai trò và trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thúc đẩy tạo việc làm, bao gồm cả các lĩnh vực liên quan đến phát triển kỹ năng được quy định trong luật, cũng như quyền và trách nhiệm của người tìm việc.
Luật cần có sự linh hoạt để có thể định kỳ sửa đổi các ưu tiên về thị trường lao động, để có thể bắt kịp các thay đổi diễn ra trên thị trường.
Luật Việc làm cũng cần phải định hướng chung cho sự phát triển thị trường lao động và hoạt động thúc đẩy tạo việc làm ở Việt Nam. Định hướng này phải bao trùm cả vai trò của di cư, an sinh xã hội, giới, kỹ năng và cũng cần phải liên kết với thương mại, chính sách công nghiệp, công nghệ, năng suất, bảo vệ môi trường trong mối liên kết với việc làm xanh và các lĩnh vực khác.