Nhiều em hướng vào khối 9+
Theo ghi nhận tại các trường cao đẳng, trung cấp (trường nghề), tuyển sinh khối 9+ (học nghề kết hợp học văn hoá của trung tâm giáo dục thường xuyên) tại một số trường cao đẳng, trung cấp sớm đạt chỉ tiêu.
Trường Trung cấp du lịch Hà Nội năm học 2022 - 2023 tuyển được 157 học sinh, có tới 130 em học hệ 9+ trên cơ sở kết hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Cầu Giấy (Hà Nội). Thầy Trương Tường Lân, Hiệu trưởng Trường trung cấp du lịch Hà Nội cho biết: Các em vừa học văn hoá và học nghề, trong đó học nghề được miễn phí theo quy định của Nhà nước. Khoá vừa qua, 100% các em học hệ 9+ thi đỗ tốt nghiệp trung học học phổ thông, một số em định hướng học tiếp đại học, một số đã ra trường có việc làm hoặc mở cửa hàng kinh doanh. Nhờ đào tạo gắn với việc làm nên việc tuyển sinh với hệ 9+ năm nay hoàn thành khá sớm.
“Gần đây, một số lớp trung cấp học kỹ năng nghề như quản trị nhà hàng, chế biến món ăn có gần chục học viên vốn đã học đại học nhưng quay lại học nghề để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng. Hiện trường liên kết với 247 đối tác doanh nghiệp và cam kết 100% học viên tốt nghiệp có việc làm”, thầy Trương Tường Lân chia sẻ.
Trong khi đó, trường Cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (Long Thành, Đồng Nai) cũng sớm hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh với hệ 9+ từ rất sớm. Thầy Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng trường Cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 cho biết: Năm nay hệ cao đẳng trường tuyển hơn 600 sinh viên trên chỉ tiêu 700. Còn trung cấp chủ yếu là hệ 9+, trường tuyển đủ 1.200 chỉ tiêu từ rất sớm. Đáng chú ý, năm nay, hệ 9+ tuyển xong sớm và nhà trường phải chốt sổ sớm vì nhu cầu đăng ký rất đông.
Trong khi đó, thầy Lê Phước Triều, trưởng phòng Đào tạo, trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: Năm nay, tuyển sinh các trường nghề gặp khó khăn chung do các cơ sở đại học vẫn đang tiếp tục tuyển sinh bổ sung. Năm nay, trường có chỉ tiêu tuyển sinh 1.495 em. Đến nay, hệ trung cấp tuyển 1.100 em và cao đẳng hơn 300 em. Hệ trung cấp năm nay tăng do chủ yếu các em đăng ký học hệ 9+. Ngành được tuyển nhiều nhất là ô tô, điện công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh, công nghệ thông tin, thiết kế đồ hoạ…
Theo ghi nhận nhiều trường cao đẳng, trung cấp trong cả nước, hệ 9+ năm nay nhiều em đăng ký theo học bởi đây là hệ kết hợp giữa học nghề kết hợp với học văn hoá. Trong đó, học văn hoá kết hợp với một trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn. Còn học nghề sẽ do các trường cao đẳng, trung cấp đảm nhiệm, trong đó việc học nghề với hệ trung cấp lại được miễn phí. Do đó, với nhiều gia đình tại các khu vực ven đô, nông thôn miền núi, hệ 9+ đang là lựa chọn của nhiều em để vừa học văn hoá để tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, sau này có thể học liên thông lên đại học; đồng thời các em vừa có bằng nghề để học xong có thể tham gia luôn vào thị trường lao động giúp đỡ gia đình.
Gắn kết đào tạo với doanh nghiệp
Đối với nhiều trường cao đẳng, trung cấp, việc tuyển sinh sẽ thuận lợi hơn với các ngành nghề “hot” ra trường có việc làm hoặc nhà trường có cam kết ra trường có việc làm.
Thầy Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 cho biết: Để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, nhà trường quan tâm đến chất lượng dạy học và tạo việc làm, cập nhật công nghệ mới… Trong đó, học sinh, sinh viên hội tụ cả kỹ năng nghề và kỹ năng mềm. Về kỹ năng nghề, nhà trường cập nhật xây dựng chương trình đạt tiêu chuẩn chung, nhất là theo tiêu chuẩn Đức với các ngành nghề cơ khí cắt gọt kim loại, cơ khí xây dựng, cơ điện tử công nghiệp, robot công nghiệp, tự động hoá…
“Hiện nhân lực do trường đào tạo không chỉ đáp ứng thị trường trong nước mà còn thị trường nước ngoài, nhất là thị trường Đức. Nhà trường đang triển khai mô hình đào tạo kép của Đức với sự tham gia của doanh nghiệp ngay từ đầu chương trình. Vì vậy, có lớp vừa tốt nghiệp xong thì tất cả học sinh trong lớp được nhận sang Đức làm việc”, thầy Nguyễn Khánh Cường chia sẻ.
Trong khi đó, thầy Lê Phước Triều cho biết: “Để thu hút học sinh, sinh viên, trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu gắn công tác đào tạo gắn với doanh nghiệp. Trong quá trình thực hiện modul học tập gắn với thực tập tại doanh nghiệp, rèn luyện kỹ năng. Trong chương trình đào tạo điều chỉnh chương trình, mời doanh nghiệp tham gia góp ý xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Trường ký kết 100 doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư trên địa bàn và ố trí thi và đánh giá tại doanh nghiệp”.
Em Nguyễn Viết Sáng, vừa mới ra trường và làm ở phòng điều khiển bộ phận máy Công ty TNHH Kraft of Asia Paperboard & Packaging (KOA). Tại trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu, em Nguyễn Viết Sáng học khoa cơ khí, ngành chế tạo khuôn mẫu. Trong quá trình học tại trường, năm học cuối đến doanh nghiệp thực tập, tiếp cận công nghệ Nhật. “Do đó, khi tốt nghiệp thi tại doanh nghiệp và được nhận luôn vào làm việc với mức lương hơn 10 triệu đồng. Riêng lớp của em có 20 bạn làm việc tại doanh nghiệp đã thực tập”, em Nguyễn Viết Sáng chia sẻ.
Ông Matsumura Hiroshi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kraft of Asia Paperboard & Packaging (KOA) (tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết: Khi nhà máy đi vào vận hành, công ty có liên hệ làm việc với trường để tuyển nhân sự và nhận thấy kỹ năng, trình độ kỹ thuật rất tốt, đáp ứng công việc nhanh. Tuy nhiên, vấn đề mà các công nhân, kỹ thuật viên Việt Nam cần quan tâm là an toàn trong lao động. Vấn đề này, nhà trường cần chú trọng hướng dẫn ngay trong quá trình học”.
Còn thầy Phan Thế Bình, trường phòng đào tạo trường Cao đẳng điện lực miền Trung cho biết: Trường đã tuyển được 200 em. Trường thuộc Tổng công ty điện lực miền trung và được định hướng đào tạo chuyên sâu về ngành điện. Tất cả học sinh sau khi ra trường đều có việc làm. Bên cạnh đó, trường chuyển hướng từ đào tạo chính quy sang thi đào tạo bồi dưỡng, thi nâng bậc cho công nhân, lao động trong công ty khoảng 10.000 người.
Lợi thế về đào tạo gắn với cam kết có việc làm đang được các trường nghề phát huy. Theo thầy Nguyễn Văn Huy, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội, đến nay, trường tuyển sinh đạt 95%, trong đó hệ cao đẳng tuyển được gần 1.000 em và trung cấp tuyển 360 em. Lĩnh vực được nhiều em lựa chọn là công nghệ ô tô, công nghệ thông tin, thiết kế đồ hoạ. Bên cạnh đó là điện máy lạnh điều hoà không khí, điện tử, cơ điện…
“Phỏng vấn lúc tuyển thì các em đều cho rằng lựa chọn những nghề như công nghệ ô tô, thiết kế đồ hoạ… bởi thị trường đang cần và học xong đều có cam kết có việc làm”, thầy Huy chia sẻ.
Các trường nghề đều nhận định, đa phần các em nộp hồ sơ nhập học từ tháng 9 đều là những học sinh xác định rõ ngay con đường học nghề gắn với việc làm nên những nghề thị trường đang cần với mức lương ổn định tầm 8 triệu đến trên 10 triệu đồng/tháng đều sớm đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Theo thông báo tuyển sinh, các trường nghề vẫn tiếp tục tuyển sinh đến hết năm.